Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tài liệu quý về cây cầu sắt 118 tuổi sắp bị tháo dỡ trên sông Sài Gòn

Cầu Bình Lợi mới hoàn thành, từ đó cầu sắt Bình Lợi cũ chấm dứt sứ mệnh sau 117 năm khai thác. Hiện nay, những hồ sơ gốc về cây cầu này đang lưu giữ tại Trung tâm Lưu trữ quốc gia.

Cầu sắt Bình Lợi cũ là cầu đường sắt vượt sông Sài Gòn đầu tiên được xây dựng và hoàn thành năm 1902. Cầu có chiều dài 276 m, gồm 6 nhịp với độ tĩnh không thông thuyền thấp nên có nhịp quay ở phía bờ quận Thủ Đức cho tàu thuyền qua lại. Cầu có kết cấu vòm thép, các thanh thép liên kết bằng đinh tán. Bên phải đường ray gần chân cầu theo hướng từ quận Thủ Đức sang quận Bình Thạnh có một tháp canh.

Tai lieu luu tru anh 1

Cầu Bình Lợi thời Pháp thuộc. Ảnh tư liệu.

Theo Paul Doumer (Toàn quyền Đông Dương 1897 - 1902, Tổng thống Pháp 1931 - 1932) trong tác phẩm Xứ Đông Dương: Hồi ký (tên sách gốc L’Indo-Chine française (Sovenirs), xuất bản lần đầu năm 1905, tại Paris), Omega plus và NXB Thế giới liên kết xuất bản năm 2019: Năm 1897, vào thời điểm đấu thầu thi công cây cầu bắc qua sông Hồng (Cầu Long Biên) ở Hà Nội, cầu Thành Thái (cầu Tràng Tiền) ở Huế, Toàn quyền Paul Doumer cũng quyết định xây một cầu bắc qua sông Sài Gòn, để nối thông tuyến đường bộ từ Sài Gòn đi Biên Hòa.

Việc xây dựng đường sắt nối liền Nam kỳ với Trung kỳ dẫn tới việc thay đổi thiết kế ban đầu cũng như việc gia cố các công trình để chịu được trọng tải của đường sắt và các đoàn tàu. Mặc dù đã có những khó khăn ngoài dự kiến ra xây dựng các trụ cầu, trong đó có một số trụ cầu phải cắm sâu xuống tận 31 m dưới mức thấp nhất của con sông. Paul Doumer cho biết thêm.

Công ty Levallois-Perret trúng thầu thi công cây cầu. Tháng 1 năm 1902 Cầu Bình Lợi hoàn thiện và khánh thành. Cầu dài 276 m với 6 nhịp được làm bằng kim loại, trong đó có một nhịp cầu quay dài 40 m để cho tàu thuyền tự do qua lại.

Tai lieu luu tru anh 2

Cầu Bình Lợi cũ bên cạnh Cầu Bình Lợi mới xây dựng. Nguồn: Tuổi trẻ.

Hiện nay, Trung tâm Lưu trữ quốc gia II thuộc Cục Văn thư và Lưu trữ nhà nước hiện còn lưu giữ các hồ sơ lưu trữ về Cầu Bình Lợi. Đây là những tài liệu gốc không chỉ có giá trị đối với nghiên cứu lịch sử, mà còn có giá trị tham khảo đối với thực tiễn. Xin được kể một số hồ sơ:

Hồ sơ 5217, phông Phủ Thống đốc Nam kỳ có các công văn trao đổi giữa Thống đốc Nam kỳ, Đốc lý Sài Gòn, Chủ tịch Hội đồng tổ chức lễ hội về việc thông qua chương trình các buổi lễ diễn ra từ ngày 7/3 đến ngày 10/3/1902 ở Sài Gòn, trong đó có có lễ khánh thành cầu Bình Lợi. Lễ khánh thành này sẽ diễn ra vào lúc 8h00 sáng ngày 8/3/1902, với thành phần tham dự là đại diện của các nha, sở ở Sài Gòn.

Tai lieu luu tru anh 3

Trang 1 báo cáo số 2059a, ngày 26/01/1916 của kỹ sư, trưởng Sở Hàng hải. Nguồn: Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

Hồ sơ 28930, phông Phủ Thống đốc Nam kỳ, có bản báo cáo số 2059a đề ngày 26/01/1916 của kỹ sư, trưởng Sở Hàng hải về những khó khăn trong việc di chuyển giữa Sài Gòn - Thủ Dầu Một và thiết lập hệ thống bảo vệ tại cầu Bình Lợi và Thanh Đa.

Nội dung của báo cáo như sau: Theo bản tin số 66-B ngày 6 tháng 2 năm 1914, Văn phòng 1, Thống đốc Nam Kỳ đã gửi để xem xét và đề xuất, một lá thư ngày 4 tháng 2 từ Chủ tịch Phòng Thương mại tại Sài Gòn, đi kèm tài liệu được trình bày bởi M.DUCLOS, Giám đốc điều hành Công ty Vận tải Đông Dương.

Trong tài liệu này, M.DUCLOS trình bày những nguy hiểm đối với việc di chuyển của cầu Thanh Đa và Bình Lợi, quan trọng nhất trên kênh Thanh Đa, sau đó là trên sông Sài Gòn, giữa Sài Gòn và Thủ Dầu Một. Để thuyết minh điều này, M.DUCLOS đã gửi bốn văn bản của các nhà công nghiệp Sài Gòn liên quan đến vận tải đường sông gồm: M. DUPONT, BRON & GREGORI, nhà xây dựng cơ khí, ngày 7 tháng 1 năm 1914; Công ty xây dựng Levallois-Perret, ngày 13 tháng 1 năm 1914; Ông Michel VILLAZ, 5 quai Francis Garnier, ngày 13 tháng 1 năm 1914; Công ty Messageries Fluviales Nam kỳ, ngày 14 tháng 1 năm 1914.

Tai lieu luu tru anh 4

Bản vẽ kèm theo báo cáo 2059a do Trưởng sở Hàng hải vẽ đề ngày 22/01/1916. Nguồn Trung tâm Lưu trữ quốc gia II.

Các văn bản này cho biết tai nạn có thể xảy ra khi tàu thuyền vượt qua khoảng không thông thuyền của cầu Bình Lợi và trên đường thủy nội địa nói chung di chuyển giữa Sài Gòn và Thủ Dầu Một.

Kỹ sư, Trưởng phòng phía Đông được hỏi ý kiến về việc này và đã trả lời cần phải tiếp tục duy trì cầu Thanh Đa… vì lợi ích chung.

Còn đối với cầu Bình Lợi, có những dòng hải lưu hoặc phù du cản trở việc điều khiển thuyền... Những nhược điểm này có thể được khắc phục bằng cách lắp đặt, ở mỗi bên của lối đi tự do của hai cấu trúc này, hệ bảo vệ nhằm đảm bảo một nhịp quay.

Đã có nghiên cứu về các dự án quốc phòng kèm theo được thực hiện cho mục đích này. Dự án cầu Bình Lợi bao gồm một biện pháp bảo vệ nhịp quay, nhưng do độ sâu của đáy ở bên phải cọc giới hạn đường thủy, không cho phép sử dụng cọc, nên việc bảo vệ cọc này sẽ được đảm bảo bằng các caissons trôi nổi.

Do kết quả của các công trình này, chiều rộng của các nhịp tự do của cầu Bình Lợi sẽ giảm từ 15,8 m xuống 13 m. Kích thước này là đủ cho các mục đích giao thông thủy và cho phép các tàu thuyền thường qua lại phần này của sông Sài Gòn.

Cuối cùng, báo cáo đề xuất đưa dự án vào dự toán ngân sách của năm 1917, với chi phí thực hiện dự kiến là 7.700$, kèm bản vẽ do Trưởng sở Hàng hải đề ngày 22/01/1916.

Tháng 9/2019, cầu Bình Lợi mới hoàn thành, từ đó cầu sắt Bình Lợi cũ chấm dứt sứ mệnh sau 117 năm đưa vào khai thác. Bộ Giao thông vận tải đã thống nhất với UBND TPHCM giữ lại hai nhịp cầu sắt cũ và tháp canh cũ bên phía bờ Thủ Đức để bảo tồn nguyên trạng. Còn một nửa phía bên bờ quận Bình Thạnh sẽ được tháo dỡ, thanh lý. Dự kiến tháng 2/2020 các đơn vị sẽ bắt tay vào việc tháo dỡ cầu cũ.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm