“Thần bài” hướng dẫn lấy 4 lá át trong trò binh xập xám và diễn viên JAV khoe ngực là 2 trong số các video đầu tiên được TikTok đưa lên mục “Dành cho bạn” của một tài khoản do Zing đăng ký với thông tin 13 tuổi.
Năm 2022, TikTok cho biết đã áp dụng một hệ thống xếp hạng nội dung để ngăn nội dung dành cho người lớn tiếp cận người dùng nhỏ tuổi. Theo đó, với người dùng từ 13-17 tuổi, một số video TikTok sẽ chỉ hiển thị màn hình đen cùng với thông báo “Bài đăng không khả dụng” và “Bài đăng được chặn theo độ tuổi”.
"Thông tin ngày sinh chính xác giúp đảm bảo các thành viên cộng đồng có trải nghiệm phù hợp với lứa tuổi", trang dành cho cha mẹ và người giám hộ của TikTok hướng dẫn, không đưa ra cụ thể những nội dung nào được coi là không phù hợp với trẻ em.
Nội dung độc hại dành riêng cho trẻ em
Để thử nghiệm những bộ lọc dành cho trẻ em mà TikTok nói đến, phóng viên Zing tạo một tài khoản với thông tin là nam, sinh ngày 2/2/2010, tức là vừa đủ tuổi dùng TikTok - 13 tuổi.
Tài khoản này được tạo mới trên một điện thoại đã khôi phục cài đặt gốc, chưa từng sử dụng TikTok, đăng ký bằng số điện thoại và không đặt ảnh đại diện. Ngoài các quyền cơ bản để khởi chạy, ứng dụng không được cấp thêm quyền nào khác.
Phóng viên không tìm kiếm từ khoá mà bắt đầu xem từ trang "Dành cho bạn", trong khoảng 15 phút thì các nội dung "thần bài" và nữ diễn viên JAV bắt đầu xuất hiện và liên tục quay lại trong khoảng 3 giờ tiếp theo ở nhiều lần mở app, đến từ nhiều tài khoản đăng video khác nhau.
Sau khoảng 3 giờ, tài khoản mới thực hiện các lệnh tìm kiếm chủ động đầu tiên để xem các nội dung được Cục PTTH&TTĐT cảnh báo có bị chặn giới hạn độ tuổi hay không. Kết quả là không.
Cờ bạc và khiêu dâm dường như không nằm trong số nội dung bị TikTok coi là không phù hợp với trẻ em, thậm chí được TikTok chủ động đề xuất đến tài khoản nhỏ tuổi, theo thử nghiệm của Zing.
Nội dung được gợi ý trên trang "Dành cho bạn" của tài khoản đăng ký thông tin 13 tuổi, trong vòng 5 phút sau khi lập tài khoản và chưa có hoạt động trước đó. Ảnh: Hoàng Nam. |
Ngoài những nội dung được TikTok đưa lên trang “Dành cho bạn”, tài khoản này cũng xem được các nội dung mà Cục Phát thanh, Truyền hình và Thông tin điện tử (PTTH&TTĐT) mới đây đã ghi nhận là có thể gây nguy hiểm cho người xem nhỏ tuổi như “chui vào ống cống”, “tự mài răng ở nhà”, “nhảy trước đầu xe tải”. Tính năng chặn nội dung không phù hợp không xuất hiện.
TikTok Việt Nam nhiều lần được cơ quan quản lý cảnh báo về những nội dung này, nhưng không gỡ bỏ hay đặt giới hạn độ tuổi.
“Có những ‘trend’ chúng tôi yêu cầu TikTok ngăn chặn nhưng họ không có biện pháp hiệu quả. TikTok dường như bỏ qua, không coi đó là trách nhiệm của mình trong việc ngăn chặn những dạng nội dung này”, ông Lê Quang Tự Do, Cục trưởng Cục PTTH&TTĐT, cho biết tại họp báo thường kỳ của Bộ Thông tin và Truyền thông ngày 6/4.
"Hướng nghiệp", "dạy học" là một trong những nội dung ảnh hưởng đến người dùng nhỏ tuổi, được Cục PTTH&TTĐT ghi nhận và cảnh báo nhưng TikTok không gỡ bỏ. Ảnh: MS. |
“Trang gợi ý của những người dùng nhỏ tuổi tuổi tràn ngập nội dung có hại, có thể có tác động đáng kể đến sự hiểu biết về thế giới xung quanh, sức khỏe thể chất và tinh thần”, theo khảo sát của Trung tâm Chống lại sự căm ghét kỹ thuật số (CCDH) thực hiện trên các tài khoản 13 tuổi tại Mỹ, Anh, Canada và Australia.
Khảo sát này cũng cho thấy khi tài khoản vị thành niên đặt tên bao gồm các từ khóa thể hiện sự tự ti về cơ thể, TikTok sẽ gợi ý các nội dung về rối loạn ăn uống và tự làm hại bản thân nhiều hơn nữa so với tài khoản có tên thông thường.
Khai thác thời lượng xem ở nhóm người dùng nhỏ tuổi
Câu hỏi đặt ra là vì sao TikTok biết sự lan truyền của các nội dung độc hại với trẻ em, nhưng không ngăn chặn dù có khả năng.
“Trong phiên bản TikTok của Trung Quốc, nếu tài khoản dưới 14 tuổi, nội dung sẽ là các thí nghiệm khoa học có thể thực hiện ở nhà, tham quan bảo tàng, giáo dục. Họ không cung cấp phiên bản đó trên toàn thế giới”, Tristan Harris, nhà khoa học máy tính đồng sáng lập Trung tâm Công nghệ và Nhân đạo, nói về Douyin.
Nội dung cờ bạc đặt hashtag liên quan đến trẻ em, không thuộc diện bị chặn truy cập do không phù hợp với người dùng từ 13-17 tuổi. Ảnh: Hoàng Nam. |
“Thuật toán nhận ra các điểm yếu của người dùng, nhưng thay vì coi đó là các dấu hiệu cho thấy cần phân phối nội dung thận trọng hơn, nó coi đó là điểm gây nghiện tiềm năng giúp tối đa hóa thời gian xem", Imran Ahmed, CEO CCDH, cho biết.
Vào năm 2022, thanh thiếu niên dành trung bình 103 phút mỗi ngày cho TikTok, theo thống kê của Qustodio, nhà sản xuất phần mềm giúp cha mẹ kiểm soát hoạt động trực tuyến của trẻ em. Thời lượng này lớn hơn ít nhất 60% so với bất kỳ ứng dụng nào trên thị trường hiện nay, bao gồm YouTube, Netflix hay Instagram, Facebook. Ở Trung Quốc, nền tảng này giới hạn thời gian xem mỗi ngày chỉ 40 phút đối với thanh thiếu niên.
Trước đó, theo thống kê năm 2020, thời lượng xem TikTok mỗi ngày của nhóm người dùng này là 87 phút, và không ngừng tăng trong 2 năm trở lại đây.
TikTok chỉ đưa ra số lượng người dùng từ 18 tuổi trở lên. Việt Nam xếp thứ 6 trong số các quốc gia có lượng người dùng lớn nhất thế giới, với khoảng 49,9 triệu người dùng. Số người dùng dưới 18 tuổi không được công bố chính thức, nhưng theo ước tính của công ty phân tích Comscore ở Mỹ, quốc gia có nhiều người dùng TikTok nhất, thì 32% người dùng TikTok dưới 18 tuổi.
Những chiếc bẫy vô hình trên mạng xã hội
Cuốn sách Vũ trụ kĩ thuật số của giáo sư Kim Sang Kyun đã đi sâu phân tích, mổ xẻ một cách tường tận, những tác động các thiết bị thông minh, thế giới ảo và mạng xã hội trong cuộc sống hiện đại.