Tối ngày 15/4 năm ngoái, rất đông người dân Paris đổ ra chứng kiến đám cháy bùng lên dữ dội tại nhà thờ Đức Bà. Nhiều người đã rơi nước mắt, nhiều người thì thầm cầu nguyện khi chứng kiến kiệt tác của kiến trúc Gothic 850 tuổi chịu thiệt hại nghiêm trọng.
Chưa đầy một năm sau, Poirier, người được đánh giá cao sau khi cho ra đời Left Bank năm 2018, tác phẩm về các giá trị và đóng góp của giới nghệ sĩ và nhà tư tưởng những năm 1940 cho sự hồi sinh của Paris sau chiến tranh, đã ra mắt Notre-Dame: The Soul of France. Cuốn sách đã tiết lộ nhiều chi tiết lịch sử sống động, hấp dẫn và mong manh vào đêm định mệnh của nhà thờ Đức Bà - nơi Poirier cho rằng “không chỉ là một nhà thờ… mà còn là khuôn mặt của một nền văn minh và là linh hồn của một quốc gia”.
Thời khắc nghẹt thở của nhà thờ Đức Bà
Ngay từ chương đầu, độc giả đã đến với khung cảnh nghẹt thở vào đêm hoả hoạn bao trùm nhà thờ Đức Bà và những chi tiết kịch tính như tín hiệu cảnh báo đầu tiên vang lên một cách khó hiểu trên màn hình của một nhân viên bảo vệ còn thiếu kinh nghiệm cho đến khi Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đầy cảm xúc bàng hoàng phát biểu với toàn nước Pháp - diễn ra sau thời điểm đám cháy được phát hiện 5 tiếng.
Cuốn sách ra mắt ngày 2/4. Ảnh: Amazon. |
Trong 5 tiếng đó, độc giả sẽ được chứng kiến nỗ lực của nhiều người, cả nam giới và nữ giới, với những hành động gấp rút trong đêm để cứu lấy nhà thờ và những di sản vô giá trong đó trước nguy cơ bị xoá sổ hoàn toàn. Đó là Giám đốc phụ trách di sản nhà thờ Laurent Prades và Marie-Hélène Didier, nhà bảo tồn phụ trách giám sát quá trình trùng tu nhà thờ.
Phần lớn họ ở ngoài Paris nhưng đã hối hả lên đường đến nhà thờ sau khi biết tin bằng mọi phương tiện như ô tô, tàu điện ngầm, thậm chí cả xe đạp. Có thể nói Prades là người "điên cuồng" hơn ai hết khi ông không chỉ biết nơi có những chiếc chìa khoá quan trọng của nhà thờ mà còn biết và hiểu rõ biện pháp duy nhất cứu lấy những tài sản quý giá nhất của nhà thờ. Một trong số đó là chiếc Mão gai - một thánh tích quý giá bậc nhất của thế giới Công giáo, được cất bên trong một két sắt đặt tại kho lưu trữ của nhà thờ và không thể mở nếu không có chìa khoá.
Vào lúc 7h57 tối (giờ Paris), chóp nhọn cao nhất của tháp mái nhà thờ đổ sập xuống, kéo theo một vụ nổ thổi bay tất cả cửa sổ nhà thờ và khiến nhiều người dân hốt hoảng. Ngay sau đó vài phút, các chuyên gia trên tới được hiện trường, đội mũ bảo hộ và lao vào bên trong, dũng cảm đi qua những đám tro than còn nóng rực và chì nóng chảy từ trên mái nhà.
Vào thời khắc mấu chốt nhất, bộ nhớ của Prades gặp trục trặc và ông phải liên lạc với một người giữ đồ thánh để lấy đúng mã mở khoang kính chứa két sắt an toàn. Cùng với vô số đồ tạo tác và di vật vô giá khác, chiếc Mão gai được lấy ra và mang đi an toàn trong một chiếc xe đi đến tòa thị chính Paris gần đó.
Tin nhà thờ Đức Bà Paris bốc cháy đã gây chấn động toàn thế giới. Ảnh: EPA. |
Ngay sau 8 giờ tối, Jean-Claude Gallet, chỉ huy đội cứu hỏa Paris, phải đối mặt với một quyết định quan trọng: Tòa tháp phía bắc đang bốc cháy. Nếu nó sụp đổ, tháp phía nam cũng vậy. Nếu cả hai tháp sụp đổ, mặt tiền và toàn bộ nhà thờ sẽ là vật hi sinh tiếp theo.
Với sự cho phép của cá nhân Tổng thống Macron, Gallet phái 50 lính cứu hỏa bẻ khóa chạy lên cầu thang xoắn ốc vào các tòa tháp “để tấn công ngọn lửa trực diện trong một trận chiến tay không”.
Nhà thờ Đức Bà là câu chuyện về nước Pháp
Khoảng tầm 11h30 tối hôm đó , ông Macron buồn bã nói với người dân Pháp từ bên ngoài thánh đường: “Nhà thờ Đức Bà là một điểm trung tâm trong cuộc đời chúng ta, là km số 0 của nước Pháp; nó là rất nhiều cuốn sách, rất nhiều bức tranh, nó là nhà thờ của tất cả người dân Pháp, ngay cả những người chưa bao giờ đặt chân tới. Câu chuyện của nhà thờ là câu chuyện của chúng ta và nhà thờ đang bùng cháy”.
Nhà thờ Đức Bà đã vượt qua Thế chiến 2 mà không bị hư hại gì. Ảnh: Library of Congress/Creative Commons. |
Phần lớn nội dung còn lại của cuốn sách là minh chứng cho luận điểm đó: Rằng câu chuyện về nhà thờ là câu chuyện của nước Pháp. Lịch sử của nhà thờ, từ việc đặt viên đá đầu tiên vào thế kỷ thứ 12 đến những biến động đẫm máu của Cách mạng Pháp, sự đăng quang của Napoléon cho đến việc sáng tạo ra tác phẩm về Thằng gù nhà thờ Đức Bà của Victor Hugo, đều được tác giả hệ thống lại. Con đường mà nhà thờ Đức Bà đi qua cho đến ngày nay, cùng nhiều khoảnh khắc đặc biệt khác trong lịch sử công trình này như khi Tướng Charles de Gaulle bước đi trong nhà thờ vào ngày 26/8/1944 - ngày giải phóng Paris - được khắc hoạ bằng nhiều chi tiết hấp dẫn, bất ngờ và đặc sắc.
Tác giả cũng nhìn về cuộc chiến giành lại tương lai cho nhà thờ Đức Bà. Quá trình tu bổ lại nhà thờ đang nhận được nhiều sự hỗ trợ, trong đó có 500 triệu Euro từ các gia đình giàu nhất nước Pháp và sự quyên góp từ các cá nhân trên khắp thế giới.
Có thể nói Notre Dame: The Souls of France là sự hoà trộn tuyệt vời giữa câu chuyện mang đầy tính báo chí về đêm nhà thờ bốc cháy và về sợi dây xuyên suốt lịch sử thăng trầm của di sản này cùng đất nước Pháp.