Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tái hiện chuyện Bác Hồ thăm gia đình nghèo nhất Thủ đô đêm giao thừa

Thực hiện tại 3 điểm cầu, chương trình nghệ thuật "Muôn vàn tình thương yêu" tối 21/8 đã tái hiện nhiều câu chuyện về thân thế và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh.

Tối 21/8, Đài Tiếng nói Việt Nam phối hợp với tỉnh Nghệ An và TP.HCM tổ chức cầu truyền hình - phát thanh trực tiếp với chủ đề Muôn vàn tình thương yêu, kỷ niệm 50 năm ngày Bác Hồ đi xa, 50 năm toàn Đảng, toàn dân, toàn quân ta thực hiện Di chúc của Người.

Chương trình chính luận - nghệ thuật được thực hiện tại 3 điểm cầu: Nhà hát Đài Tiếng nói Việt Nam (Hà Nội), Khu Di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên (huyện Nam Đàn, Nghệ An) và Bến Nhà Rồng (TP.HCM).

di chuc cua Chu tich Ho Chi Minh anh 1
Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình cùng Tổng giám đốc Đài Tiếng nói Việt Nam Nguyễn Thế Kỷ trò chuyện trước khi chương trình kỷ niệm bắt đầu. Ảnh: James Dương.

Đầu cầu Hà Nội có sự tham dự của Thường trực Ban Bí thư Trần Quốc Vượng, Trưởng ban Kinh tế Trung ương Nguyễn Văn Bình, Phó thủ tướng Vương Đình Huệ, Trưởng ban Nội chính Trung ương Phan Đình Trạc, Chủ tịch Hội đồng lý luận Trung ương Nguyễn Xuân Thắng, Phó chủ tịch Quốc hội Uông Chu Lưu, Phó chủ tịch nước Đặng Thị Ngọc Thịnh… và nhiều ủy viên Trung ương, lãnh đạo các bộ, ngành, địa phương.

Tham dự tại các điểm cầu Bến Nhà Rồng và Khu di tích lịch sử quốc gia đặc biệt Kim Liên có lãnh đạo các địa phương và một số đại biểu quốc tế, đại diện các ban, ngành, đoàn thể.

Cầu truyền hình và phát thanh đặc biệt giúp người xem, người nghe cảm nhận nhiều câu chuyện xúc động về thân thế và sự nghiệp cách mạng của Chủ tịch Hồ Chí Minh. Qua đó cho thấy ước mong cháy bỏng như Người từng nói: "Tôi chỉ có một sự ham muốn, ham muốn tột bậc, là làm sao cho nước ta được hoàn toàn độc lập, dân ta được hoàn toàn tự do, đồng bào ai cũng có cơm ăn áo mặc, ai cũng được học hành".

di chuc cua Chu tich Ho Chi Minh anh 2
Các đại biểu tham dự chương trình chính luận - nghệ thuật "Muôn vàn tình yêu thương" tại đầu cầu Hà Nội. Ảnh: James Dương.

Câu chuyện, hình ảnh cảm động về Bác Hồ

Cả hội trường lắng đọng khi xem lại những thời khắc lịch sử của dân tộc. Đó là hình ảnh của GS Lê Thi - người phụ nữ 74 năm trước được vinh dự kéo lá cờ độc lập.

“Khi khúc Tiến quân ca nổi lên, chúng tôi từ từ kéo lá cờ độc lập. Hoàn thành nhiệm vụ, tôi thở phào nhẹ nhõm. Lúc đó nhìn lên khán đài, tôi đã thấy Bác Hồ”, GS Lê Thi chia sẻ.

Tiếp đó là thời khắc Bác Hồ đọc Tuyên ngôn độc lập vào ngày 2/9/1945 với sự dõi theo của hàng triệu người dân Việt Nam. Xen lẫn những thời khắc lịch sử ấy còn có hình ảnh quân và dân Việt Nam anh dũng chiến đấu trong những giai đoạn chiến tranh ác liệt với “thù trong giặc ngoài”.

Thời khắc linh thiêng khi Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi toàn quốc kháng chiến như tiếp thêm sức mạnh cho cả dân tộc. Ngay sau lời kêu gọi ấy, cả nước bước vào cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp. Và chiến thắng lịch sử Điện Biên Phủ 1954 là mốc son chói lọi, đánh dấu sự thất bại của thực dân Pháp.

di chuc cua Chu tich Ho Chi Minh anh 3
Vở kịch tái hiện câu chuyện Bác Hồ cùng thư ký Vũ Kỳ đến thăm gia đình chị Tín - người phụ nữ nghèo nhất Thủ đô, đêm giao thừa vẫn phải đi gánh nước thuê. Ảnh: James Dương.

Người xem ở hội trường rơi nước mắt khi xem vở kịch tái hiện câu chuyện Bác Hồ cùng thư ký Vũ Kỳ đến thăm gia đình chị Tín - một người phụ nữ góa chồng nghèo nhất Thủ đô. Đêm giao thừa chị vẫn phải đi gánh nước thuê để có tiền mua bánh chưng cho các con.

Khi trở về, Bác rất buồn. Người nói với các lãnh đạo - khi đó đến chúc Tết Người, rằng “Đảng cầm quyền mà để người dân nghèo hết chỗ để nghèo thì đó là lỗi của Đảng với nhân dân”.

Câu chuyện về thời khắc Bác Hồ thấy khó khăn nhất khi đưa ra quyết định có giảm án tử hình cho Trần Dụ Châu (Cục trưởng Cục Quân nhu phạm tội tham ô tài sản) hay không cũng được tái hiện. Bác đã tự nhận mình và các lãnh đạo có lỗi khi không kịp thời khuyên răn, để cán bộ tham ô, hư hỏng.

Trước lời van xin của vợ Trần Dụ Châu, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: "Bác làm cách mạng rất nhiều khó khăn nhưng chưa bao giờ khó khăn như việc mà Bác phải quyết định trong việc này".

Sau hồi trăn trở, Người nói "nếu tha cho cán bộ thì cách mạng dễ hỏng". Vì vậy, dù rất xót xa, Bác vẫn ký quyết định y án tử với Trần Dụ Châu. Người cũng không quên căn dặn các cán bộ quan tâm, động viên vợ con Trần Dụ Châu...

Đảng phải là người đầy tớ trung thành của nhân dân

Thủ pháp xuyên suốt chương trình là những hồi ức, những câu chuyện kể, hoạt cảnh sân khấu ngắn khắc họa hình tượng Chủ tịch Hồ Chí Minh hết mực yêu nước, thương dân, yêu thương con người.

Người chăm lo xây dựng Đảng, vun đắp tình đồng chí, sự đoàn kết, gương mẫu trong Đảng. Người yêu cầu “mỗi cán bộ, đảng viên phải thấm nhuần đạo đức cách mạng, thật sự cần kiệm liêm chính, chí công vô tư… phải xứng đáng là người lãnh đạo, là người đầy tớ thật trung thành của nhân dân”...

Song song với phần chính luận - nghệ thuật, các tiết mục âm nhạc, văn nghệ đặc sắc hát về Bác, về Đảng, về đất nước cũng mang lại nhiều cảm xúc cho người xem, người nghe.

di chuc cua Chu tich Ho Chi Minh anh 4di chuc cua Chu tich Ho Chi Minh anh 5
Một tiết mục nghệ thuật trong chương trình chính luận - nghệ thuật "Muôn vàn tình thương yêu". Ảnh: James Dương.

Trong số đó, có những màn hợp xướng hùng tráng, thiết tha được các nghệ sĩ nổi tiếng cùng cất lên ở cả 3 điểm cầu xuyên suốt chiều dài đất nước; có những ca khúc vừa sáng tác trước khi chương trình diễn ra.

Không chỉ nêu bật nỗ lực, thành tựu, bài học qua 50 năm thực hiện Di chúc Bác Hồ, chương trình chính luận - nghệ thuật Muôn vàn tình thương yêu còn có thêm điểm nhấn, cả “nốt trầm” khi nói đến những việc mà Đảng ta, nhân dân ta thực hiện chưa thật tốt, chưa toàn diện Di chúc của Bác, mong ước cháy bỏng của Bác.

50 năm trôi qua, lời căn dặn và mong ước thiết tha của Chủ tịch Hồ Chí Minh trong bản Di chúc bất hủ vẫn còn nguyên tính thời sự.

Hiện vật quý về Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh

Chuyên đề trưng bày “Hành trình vươn tới những ước mơ - 50 năm thực hiện Di chúc của Chủ tịch Hồ Chí Minh (1969 - 2019) khai mạc chiều 19/8 tại Bảo tàng Hồ Chí Minh.



Hoài Thu

Bạn có thể quan tâm