"Hạ viện chỉ định ông Shinzo Abe làm thủ tướng", Tadamori Oshima, người phát ngôn của Hạ viện tuyên bố sau cuộc bầu cử trên truyền hình. Với nét mặt tươi cười rạng rỡ, ông Abe di chuyển quanh phòng, bắt tay những người ủng hộ.
Sau khi đảng của ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội ngày 22/10, Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã sẵn sàng trở thành nhà lãnh đạo mạnh mẽ và thành công nhất của đất nước trong thời kỳ hậu chiến.
Cuộc chơi lâu dài của ông Abe
Các nhà lập pháp đã kịp thời bổ nhiệm ông Abe làm thủ tướng Chính phủ trước chuyến thăm của Tổng thống Mỹ Donald Trump tới Nhật Bản vào ngày 5/11.
Nếu tiếp tục giành chiến thắng nhiệm kỳ 3 trên cương vị chủ tịch đảng vào tháng 9 năm sau, ông sẽ trở thành lãnh đạo Nhật Bản tại vị lâu nhất kể từ thập niên 1880.
TIME nhận định ông Abe giờ có thời gian để theo đuổi một cuộc chơi lâu dài. Ông muốn sửa đổi Điều 9 của Hiến pháp Nhật Bản, điều khoản cấm Tokyo gây chiến, nhằm xác lập quyền xây dựng quân đội của đất nước.
Ông Shinzo Abe được các nghị sĩ Nhật Bản bầu lại làm thủ tướng. Ảnh: AP. |
Tuy nhiên, đây vẫn là một câu hỏi gây tranh cãi đối với cử tri Nhật Bản, bao gồm những người theo tư tưởng chủ hòa và mong muốn lãnh đạo của họ tập trung tái thiết nền kinh tế thay vì vướng vào các xung đột nước ngoài. Ông Abe có thể sẽ đợi đến khi an vị trong nhiệm kỳ 3 mới tiến hành những bước đi táo bạo.
Trong chiến dịch tranh cử, ông Abe đã nhấn mạnh sự cần thiết của nhà lãnh đạo mạnh mẽ để đối phó với cái mà ông gọi là "cuộc khủng hoảng kép" của Nhật Bản: một Triều Tiên hiếu chiến được trang bị hạt nhân và tỉ lệ sinh giảm.
Ông Abe hy vọng có thể tăng lương cho người lao động trong thị trường lao động thu hẹp của Nhật, phục hồi hệ thống tiền tệ để đất nước có thể tăng trưởng mạnh mẽ hơn.
Thủ tướng cũng kỳ vọng mở rộng đầu tư nước ngoài và tăng tốc kịp thời nền kinh tế cho Thế vận hội Tokyo 2020. Nếu thành công thì đây sẽ là những di sản mà bất cứ lãnh đạo Nhật nào cũng ghen tị.
Thắng lớn nhưng không được lòng dân
Dù chiến thắng áp đảo trong cuộc bầu cử tháng 10 nhưng tỷ lệ tín nhiệm của ông Abe tương đối thấp. Hầu hết nhà quan sát cho rằng thắng lợi của ông trong cuộc bầu cử là do phe đối lập đã suy yếu và rệu rã.
Bởi vậy, chiến thắng của chính trị gia kỳ cựu 63 tuổi này chỉ là kết quả đã được định trước, không phải thắng lợi vẻ vang.
Bên cạnh đó, dù giành được "siêu đa số" trong Quốc hội nhưng Shinzo Abe lại thất bại trong việc lấy lòng cử tri, những người hoài nghi tính dân tộc chủ nghĩa của ông và không đồng tình với mong muốn sửa đổi Hiến pháp.
Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe phát biểu tại Tokyo vào tối 21/10 trước ngày bầu cử. Ảnh: AFP/Getty. |
Một cuộc thăm dò ý kiến do Kyodo tiến hành cho thấy hơn một nửa số cử tri không tin tưởng vào thủ tướng của họ. Trong một khảo sát khác của Asahi Shimbun, 47% những người được hỏi muốn thấy một lãnh đạo khác dẫn dắt Nhật Bản.
Trong nhiều ngày, thông tin Yuriko Koike, nữ thị trưởng được mến mộ của Tokyo, công bố thành lập đảng mới, đã xuất hiện dày đặc trên truyền hình và trang nhất các báo.
Theo AFP, sự ra đời đảng Hy vọng của bà Koike đã thắp lên bước biến chuyển chưa từng có trong bầu không khí êm ả của chính trường Nhật Bản.
Đảng Dân chủ đối lập (DP) đã nhanh chóng giải tán do số lượng các nghị sĩ nhảy sang phe bà Koike, người có quan điểm chính trị tương tự ông Abe nhưng được kỳ vọng đem lại làn gió mới.
Trong khi đó, những thành viên thiên tả của DP đã tập hợp lại để lập ra một đảng cấp tiến mới là đảng Dân chủ Lập hiến.
Rút cuộc, cả hai đảng đều không thể tổ chức chiến dịch tranh cử toàn quốc trong thời gian ngắn ngủi trước bầu cử và đã bị vô hiệu hóa.
Tháng trước, khi thủ tướng đột ngột tuyên bố tổ chức bầu cử sớm, các nhà phê bình nhận thấy đây là bước đi cơ hội để lợi dụng sự suy yếu của phe đối lập và đánh lạc hướng dư luận khỏi những bê bối của bản thân ông.
Thị trưởng Tokyo Yukiro Koike, lãnh đạo đảng bảo thủ Hy vọng, nhận thất bại trong cuộc bầu cử chóng vánh ngày 22/10. Ảnh: AFP/Getty. |
Cuộc chiến Hiến pháp
Sau khi hạ các đối thủ mới manh nha và bảo toàn 2/3 số ghế trong Hạ viện, ông Abe giờ có quyền kiểm soát chặt chẽ cơ quan hành pháp và lập pháp.
Với vị thế vững chắc, thủ tướng Nhật muốn xỏa bỏ điều khoản do Mỹ áp đặt và bị phe bảo thủ xem là một di sản lỗi thời từ thất bại trong chiến tranh. Khi đó, Nhật Bản có thể chuyển đổi Lực lượng Phòng vệ được trang bị và huấn luyện tốt sang quân đội toàn diện.
Trung Quốc và 2 miền Triều Tiên, nạn nhân của đế quốc Nhật trong thế kỷ 20, có thái độ rất thù nghịch với bất cứ thứ gì được xem là tái quân sự hóa.
Các nhân viên ở Tokyo kiểm phiếu cuộc bầu cử ngày 22/10. Ảnh: AFP/Getty. |
Bất chấp tham vọng cá nhân, ông Abe cũng rất thận trọng với thái độ ác cảm của công chúng trong vấn đề này. Ngay sau khi chiến thắng, ông Abe cam kết sẽ "thúc đẩy" cuộc tranh luận của nghị viện và hứa không sử dụng siêu đa số của mình để ép buộc thông qua việc sửa đổi Hiến pháp.
Trong mọi trường hợp, tham vọng của ông đều sẽ bị kiềm chế vì bất kỳ thay đổi nào cũng cần phải được đưa ra trưng cầu dân ý.
Mikitaka Masuyama, giáo sư tại Học viện Nghiên cứu Chính sách Quốc gia cho rằng nếu thủ tướng sử dụng chiến thắng lớn trong cuộc bầu cử của mình để theo đuổi quan điểm dân tộc chủ nghĩa thì đó sẽ là hành động thiếu khôn ngoan.
Ông Abe chiến thắng trong cuộc bầu cử ngày 22/10 vì phe đối lập "không thể đoàn kết" chống lại ông. "Nhưng điều này không có nghĩa là cử tri Nhật Bản sẽ ngả theo phe bảo thủ", Masuyama nói với AFP.