Tôi bắt gặp ý tưởng kết nối tài chính và những câu chuyện kể một cách tình cờ. Vào mùa xuân năm 2015, như bao lần khác, tôi lại rơi vào cảnh vất vả cố giữ một lời hứa vào phút chót. Trước đó tôi đã đồng ý thực hiện một “bài giảng cuối cùng” cho các bạn sinh viên MBA chuẩn bị ra trường ở Trường Kinh doanh Harvard.
Cái gọi là bài giảng cuối cùng là một truyền thống cho phép các giáo viên truyền lại cho sinh viên của mình những lời thông thái vào thời điểm ngay trước khi các bạn ra trường. Mỗi bài giảng như vậy, nếu làm tốt sẽ đem trường đại học về lại với một thời vang bóng.
Thay vì sản xuất và truyền thụ những kiến thức chuyên sâu, trong một khoảnh khắc chúng tôi đều cùng nhau quay lại với một ý niệm đã lỗi thời về trường đại học, mà như lời John Henry Newman hơn 150 năm trước thì: “Bạn có thể ngồi nhà mà học mọi nguyên lý chung của bất kỳ môn nào thông qua sách vở; nhưng còn những tiểu tiết, màu sắc, giọng nói, không khí, cả sức sống khiến môn học đó sống trong lòng chúng ta, tất cả những thứ này bạn đều phải nắm bắt từ những con người mà trong lòng họ chúng đã sống từ trước”.
Vì đã lần lữa một thời gian, ban đầu tôi định rút lui về lãnh địa quen thuộc và quyết định sẽ nói chuyện về những diễn biến mới trong bức tranh tài chính của các doanh nghiệp Mỹ. Bài nói chuyện này sẽ có tựa đề “The Slow-Motion LBO of America” (Thương vụ LBO quay chậm của nước Mỹ) và xoay quanh nội dung làm thế nào để hiểu cơn sốt mua lại cổ phiếu lúc đó, cũng như làm thế nào để đảo ngược nó.
Tôi có một vấn đề cụ thể để trình bày, vấn đề đó sẽ gây tranh cãi, và để càng cảm thấy tự mãn hơn, tôi tự duy lý hóa rằng vấn đề này bổ ích hơn so với những lời úy lạo thường thấy vào những dịp tương tự.
Sau khi quyết định như vậy, tôi đi gặp một người đồng nghiệp và cũng là một người bạn thân thiết. Cả năm qua, anh ấy và tôi đã nhiều lần trao đổi về việc tự làm mới bản thân bằng cách ép mình vào những thử thách mới. Sau khi tôi kể cho anh nghe về quyết định sẽ nói chuyện về những điều ở trên, phản ứng của anh là im lặng. Tôi như nghe tiếng anh vang vọng trong đầu: “Thật à? Chẳng lẽ cậu cho rằng đó đúng là điều mà các sinh viên cần khi ra trường hay sao? Và chẳng lẽ đó cũng là thứ cậu đang cần hay sao?”.
Sự im lặng của anh cũng đủ để tôi nhận ra mình đang bỏ lỡ một cơ hội. Và tình bạn của anh đã cho tôi sự can đảm để nghĩ đến việc đối đầu với một thử thách - một thử thách đối với một kẻ chuyên làm khoa học xã hội vốn đã quá quen với những thống kê và mô hình kinh tế như tôi. Thay vì một chủ đề an toàn thì tôi sẽ thử nói về khái niệm cuộc đời tốt đẹp (the good life). Nhưng tôi, một gã trung niên, thì biết gì về một cuộc đời tốt đẹp?
Đã từ lâu tôi cảm thấy phiền lòng vì ý niệm phổ biến rằng: thị trường nói chung và tài chính nói riêng là một lĩnh vực thô bỉ và chúng ta phải tự bảo vệ mình trước nó để có thể sống một cuộc đời tốt đẹp. Việc đả kích ngành tài chính đã trở nên quen thuộc, cũng như việc cho rằng tài chính chẳng đóng góp được bao nhiêu giá trị cho thế giới, và chẳng có mấy minh triết nào chứa trong nó cả.
Một số lãnh đạo trong giới ngân hàng lại so sánh vụng về rằng tài chính cũng cao cả như việc của Chúa trời, thế là lại càng tiếp thêm sức mạnh cho luận điểm rằng tài chính chẳng có chút thông thái nào.
Nhưng sự chối bỏ cả tài chính lẫn thị trường như trên lại đầy rẫy những vấn đề. Đầu tiên, việc coi thị trường và tài chính không phải là một cội nguồn của minh triết cũng chẳng ích lợi gì. Có hàng bao con người trí thức rất quan tâm đến thị trường và hầu như lúc nào cũng nghĩ về những vấn đề liên quan đến tài chính.
Nếu cho rằng tài chính không mang trong nó một giá trị cao đẹp nào, chúng ta đang khuyến khích những con người nói trên phải tạo dựng một sự nghiệp không có một giá trị cao đẹp nào, cũng như thúc đẩy họ phải tách rời cái tôi đạo đức của mình ra khỏi công việc.
Sự tách rời đó thật khó khăn và thường là không bền. Liệu bạn có thể theo đuổi một sự nghiệp kéo dài cả đời nếu sự nghiệp đó hoàn toàn cạn khô cả minh triết lẫn các giá trị tích cực, mà vẫn mong bản thân sẽ sống được một cuộc đời tốt đẹp?
Không chỉ rất phi thực tế, sự chối bỏ nói trên đơn giản là sai lầm. Rất nhiều bạn bè và sinh viên cũ của tôi đều yêu thích tài chính, thị trường và kinh doanh, và họ thấy ý nghĩa cuộc sống được khẳng định trong những lĩnh vực này. Những người này hiểu được rằng tài chính không cao cả như việc của đức Chúa trời, nhưng họ tìm thấy niềm vui chân chính từ những gì mình đang làm.
Liệu một thứ vốn thô tục và cạn khô đạo đức lại có thể sản sinh ra những niềm vui và thỏa nguyện trong công việc như vậy không? Nếu quan điểm thường là phản tác dụng và sai lầm, thì quan điểm đối lập với đó sẽ là gì?