Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tái cấu trúc ngành nông nghiệp thế nào?

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng cần nhìn nhận nền nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế xã hội. Từ đó, chuyển tư duy sản xuất dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tăng giá trị.

Chiều 28/10, Cổng Thông tin điện tử Chính phủ tổ chức tọa đàm “Nông nghiệp: Trụ đỡ vững chắc trong biến động” để phân tích những đóng góp của ngành nông nghiệp, đồng thời nêu giải pháp để nông nghiệp thực sự trở thành “trụ đỡ” của nền kinh tế, góp phần bảo đảm an sinh xã hội, an ninh lương thực quốc gia.

Thời gian qua, dịch Covid-19 đã tác động tiêu cực đến mọi mặt của đời sống kinh tế xã hội. Tuy nhiên, 9 tháng đầu năm, tốc độ tăng trưởng ngành nông nghiệp đạt 2,74%, đóng góp 23,52% vào mức tăng trưởng chung của toàn nền kinh tế.

“Cần nhìn nhận nông nghiệp là cấu trúc kinh tế xã hội”

Tại tọa đàm, Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NNPTNT) Lê Minh Hoan khẳng định vai trò của ngành nông nghiệp, đồng thời nhấn mạnh cần nhìn nhận nền nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế xã hội chứ không phải là ngành kinh tế đơn lẻ, bởi ngành đem lại thu nhập cho hàng chục triệu người.

“Quy mô của các doanh nghiệp nông nghiệp có thể không bằng các doanh nghiệp công nghiệp nhưng sức lan tỏa ra hàng chục triệu hộ nông dân có thể kết nối trở thành sức mạnh”, Bộ trưởng nói.

Tai cau truc nganh nong nghiep the nao? anh 1

Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng phải tích hợp đa giá trị vào sản phẩm, nhìn nông nghiệp không phải là kỹ thuật hay sản xuất, thậm chí không dừng lại là ngành kinh tế mà là ngành tích hợp cả kinh tế, văn hóa, xã hội. Ảnh: VGP.

Đối với quan điểm “cần nhìn nhận nông nghiệp là cấu trúc kinh tế xã hội” của Bộ trưởng, TS Vũ Tiến Lộc, Ủy viên Ủy ban Kinh tế của Quốc hội, Chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam, phân tích nước ta phát triển phần lớn bắt đầu từ nông nghiệp. Quá trình công nghiệp hóa là quá trình chuyển dịch từ nông nghiệp nông thôn sang công nghiệp, tuy nhiên, lợi thế năng lực cạnh tranh cốt lõi vẫn là nông nghiệp, du lịch, công nghệ thông tin…

Ông Lộc một lần nữa khẳng định lại vai trò của ngành nông nghiệp. “Trong mọi biến cố ở các nền kinh tế, nông nghiệp đều phát huy vai trò trụ đỡ, bởi nhu cầu ăn uống, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp thì bối cảnh nào cũng cần”, chủ tịch Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam nói.

Dòng người hồi hương thời gian qua cũng cho thấy nông nghiệp nông thôn chính là điểm tựa quan trọng cho lực lượng lao động gặp khó ở đô thị và khu công nghiệp.

Cần nhìn nhận nền nông nghiệp là một cấu trúc kinh tế xã hội chứ không phải là ngành kinh tế đơn lẻ

Bộ trưởng Lê Minh Hoan

Trong quý III, khi dịch Covid-19 diễn ra trên diện rộng ở các tỉnh, thành phía nam, giá trị gia tăng của ngành vẫn tăng 1,04% so với cùng kỳ năm 2020. Kim ngạch xuất khẩu nông, lâm, thủy sản cũng đạt trên 35,5 tỷ USD, tăng 17,7% so với cùng kỳ, dự báo có thể đạt và vượt mục tiêu 42,5 tỷ USD cả năm.

Về tăng trưởng, Bộ trưởng Lê Minh Hoan khẳng định mức tăng của ngành nông nghiệp sẽ đảm bảo và góp phần vào tăng trưởng chung của nền kinh tế. Trong giai đoạn 2021-2025, Bộ NNPTNT đặt ra tầm nhìn phát triển chiến lược, chuyển đổi mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại ngành, chuyển đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp dựa trên mục tiêu tăng sản lượng sang tư duy kinh tế với mục tiêu là tăng giá trị.

Đâu là giải pháp căn cơ?

Theo ông Vũ Tiến Lộc, việc tái cấu trúc ngành nông nghiệp, chuyển từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp trong thời gian tới phải có tinh thần doanh nhân trong doanh nghiệp. Nông dân cũng phải có tinh thần doanh nghiệp và phải hình thành doanh nhân trong nông nghiệp.

“Nguồn lực cho sự phát triển trong lĩnh vực nông nghiệp là nguồn lực về văn hóa, vốn xã hội vô cùng lớn, cần phát huy yếu tố này. Hướng phát triển của nông nghiệp sẽ phải kết hợp cả quy mô lớn với quy mô nhỏ”, vị chuyên gia nêu quan điểm.

Đưa ra giải pháp căn cơ, TS Vũ Tiến Lộc thẳng thắn thừa nhận nền nông nghiệp Việt Nam vẫn ở trình độ thấp so với thế giới, sản phẩm thô, chủ yếu gia công, giống, thức ăn gia súc nhập nhiều nước ngoài nên giá trị gia tăng thấp, thương hiệu, chất lượng, giá cả chưa cạnh tranh, chưa vào được phân khúc cao của thị trường.

Tai cau truc nganh nong nghiep the nao? anh 2

Theo ông Vũ Tiến Lộc, chỉ qua vài hiện tượng nhỏ lẻ, mà ảo tưởng là ta đã chiếm lĩnh thị trường thế giới, thương hiệu giá trị gia tăng, phẩm cấp cao là không đúng. Ảnh: VGP.

Với điều kiện tự nhiên thuận lợi như ở nước ta, ngành nông nghiệp nên phát triển đúng theo phương thức thuận thiên, tận dụng các điều kiện để có các sản phẩm chất lượng cao hơn.

Một vấn đề nữa là các doanh nghiệp FDI đang chiếm lĩnh nhiều lĩnh vực quan trọng như chăn nuôi lợn, chăn nuôi gia cầm tại Việt Nam, cần phải xem lại mối tương quan này. Liệu các lĩnh vực kinh tế nông nghiệp trọng yếu phải do người Việt giữ vị trí tương xứng, thậm chí chủ đạo, mang lại giá trị tăng cao hơn cho Việt Nam?

Trong khi đó, trước diễn biến dịch bệnh, Bộ trưởng Lê Minh Hoan cho rằng ngành nông nghiệp cần thay đổi để thích ứng, cụ thể ở đây là sẵn sàng chia nhỏ quy mô sản xuất.

“Việc chia nhỏ một nhà máy lớn thành nhiều nhà máy nhỏ, nếu bị F0, họ sẽ đóng cửa một chỗ còn những nhà máy khác vẫn hoạt động được, tức là họ sẽ chia nhỏ mà không theo xu thế tích tụ được”, Bộ trưởng lấy ví dụ.

Theo ông, mô hình hợp tác xã cũng là giải pháp trong chuyển đổi nông nghiệp. Chính hợp tác xã khi quần tụ với nhau mới đủ sức, là chỗ để Nhà nước hỗ trợ chứ Nhà nước không hỗ trợ qua các hộ cá thể nữa mà qua kinh tế tập thể.

“Đến một ngày nào đó với một năng lực nào đó, hợp tác xã sẽ ngồi ngang hàng với các doanh nghiệp để đàm phán những vấn đề liên kết. Còn từng hộ không thể ngồi đàm phán với doanh nghiệp. Doanh nghiệp cũng đang cần hợp tác xã nhưng nhiều khi bà con vẫn quen làm riêng lẻ”, Bộ trưởng Lê Minh Hoan phân tích.

Người nuôi lợn đang lỗ hơn 1 triệu đồng/con

Do giá bán xuống thấp và lượng tiêu thụ giảm mạnh, các hộ chăn nuôi nhỏ lẻ quyết định giữ đàn lợn quá lứa ở trong chuồng. Điều này càng khiến cho cán cân lệch về bên cung.

Việt Nam bỏ phí cả trăm triệu tấn vỏ dưa hấu, rơm rạ

Việt Nam có tiềm năng lớn để phát triển thức ăn chăn nuôi, tuy nhiên vẫn phải nhập khẩu nguyên liệu đầu vào do chưa sử dụng hiệu quả nguồn phụ phẩm từ nông nghiệp.

Văn Hưng

Bạn có thể quan tâm