Những người yêu văn chương của nhà văn Ma Văn Kháng sẽ được đón nhận món quà đặc biệt trong tháng 10 này. Đó là bộ tác phẩm tiêu biểu nhất của ông được tái bản trong diện mạo mới.
Những tác phẩm được Đinh Tị lựa chọn tái bản lần này đều là những cuốn sách tinh hoa nhất của đời văn Ma Văn Kháng, điển hình cho phong cách viết của ông, bao gồm: Đồng bạc trắng hoa xòe, Mùa lá rụng trong vườn, Đám cưới không có giấy giá thú, Gặp gỡ ở La Pan Tẩn và Một mình một ngựa; cùng với đó là 3 tập sách trong đó là 100 truyện ngắn của nhà văn.
Những cuốn sách tinh hoa nhất của nhà văn Ma Văn Kháng một lần nữa xuất hiện trong diện mạo mới |
Ma Văn Kháng là tác giả thuộc nửa sau của dòng văn học Việt Nam kinh điển giai đoạn hậu chiến và trước đổi mới, cùng thời với Nguyễn Minh Châu hay Nguyễn Khải – đều là những nhà văn quen thuộc với độc giả Việt Nam, là những lá cờ tiên phong tiêu biểu trong công cuộc đổi mới văn học.
Hòa chung với nhịp thở của thời đại, Ma Văn Kháng tìm thấy cảm hứng trong những biến đổi phức tạp về kinh tế-xã hội của đất nước. Những nhân vật trong các tác phẩm của ông, lần đầu tiên trong lịch sử văn học, trở thành những con người cá nhân toàn vẹn, phong phú và phức tạp. Nằm trong mối quan hệ chồng chéo với lịch sử, gia đình, xã hội và với chính mình, con người cũng đan xen những khoảng tối sáng, sang hèn, thật giả, buồn vui.
Trong đó, điển hình có thể kể đến tiểu thuyết Mùa lá rụng trong vườn, một bức tranh tiêu biểu cho gia đình Hà Nội truyền thống trước những chao đảo của giá trị xã hội.
Nhà văn Ma Văn Kháng. |
Tuy nhiên, bên cạnh chủ đề về đời sống thành thị phức tạp, một điểm khác biệt của Ma Văn Kháng với nhiều tác giả cùng thời là ông còn tìm thấy sự quan tâm riêng trong đời sống của đồng bào vùng cao Tây Bắc.
Là người gốc Hà Nội nhưng có nhiều năm công tác tại vùng cao của tổ quốc, Ma Văn Kháng ưu ái lấy một nghệ danh mang đậm chất núi rừng và đề tài này cũng nhiều lần tìm vào trong những sáng tác của ông. Văn chương bắt rễ từ đời sống – sự gắn bó sâu sắc với miền đồi núi đã cho ông những chất liệu rất dồi dào, rất thực tế để viết nên nhiều tác phẩm để đời, trở thành thành tựu nổi bật trong mảng văn học về dân tộc và miền núi thời kỳ đó như Gặp gỡ ở La Pan Tẩn, Một mình một ngựa hay Đồng bạc trắng hoa xòe…
Trên hết, dù viết về chủ đề nào, Ma Văn Kháng vẫn luôn thể hiện được một hệ thống triết luận rất nhất quán, mà cốt lõi chính là tình người. Tất cả những băn khoăn trăn trở, những tiêu cực được lột trần, những bi kịch được xoáy sâu… đều hướng tới những thông điệp rất nhân văn.
Đọc văn của Ma Văn Kháng, hay rất nhiều những tác giả kinh điển khác, sẽ thấy bản thân không còn quẩn quanh trong nỗi buồn cá nhân: thay vào đó, lại thấy mình giữa một lát cắt thời đại, với những nỗi niềm rộng lớn hơn nhưng không vì thế mà xa lạ. Con người và xã hội trong văn của Ma Văn Kháng luôn gắn liền với nhau, là sự nối dài và mở rộng của nhau.
Qua nhân vật điển hình ta hiểu thêm về thời kỳ xã hội điển hình, và qua hiểu bức tranh xã hội ta hiểu được cặn kẽ sự phức tạp của những con người trong đó, để tôn trọng, để yêu thương.
Với những giá trị không thể phủ nhận đó, việc tái bản các tác phẩm của Ma Văn Kháng thực sự là một tin vui đối với những độc giả mong muốn tìm về với giá trị truyền thống. Trải nghiệm đọc giờ đây có thể trở nên trọn vẹn hơn, khi không chỉ được thỏa mãn về mặt nội dung cuốn sách mà bạn đọc cũng hoàn toàn được “mãn nhãn”. Sách được in vuông vức, cứng cáp bằng chất liệu giấy ngà dai mịn, bìa vẽ màu giản dị nhưng không vì thế mà kém bắt mắt.