Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tác phẩm về cuộc sống nghèo khó ở Hà Nội đoạt giải Sách Hay

Tiểu thuyết viết từ hơn 30 năm trước về thời bao cấp khốn khó ở Hà Nội được trao giải hạng mục Văn học của Giải Sách Hay.

Sáng 16/9, lễ công bố Giải Sách Hay lần thứ 8 năm 2018 diễn ra tại TP.HCM. Giải được thực hiện nhằm khuyến đọc, do Viện Giáo Dục IRED, Quỹ Văn Hóa Phan Châu Trinh và Sáng kiến OpenEdu thực hiện.

Giải Sách Hay năm 2018 gồm bảy hạng mục bình chọn sách, đó là: Nghiên cứu, Giáo dục, Kinh tế, Quản trị, Văn học, Thiếu nhi và Phát hiện mới; mỗi hạng mục trao cho một tác phẩm trong nước và một dịch phẩm.

Chuyen ngo ngheo dat giai Sach Hay anh 1
Sách Chuyện ngõ nghèo.

Ở Hạng mục Văn học, tiểu thuyết Chuyện ngõ nghèo của Nguyễn Xuân Khánh được vinh danh. Chuyện ngõ nghèo được tác giả Nguyễn Xuân Khánh viết năm 1982, tới năm 2017 tác phẩm mới xuất bản.

Tiểu thuyết kể về những năm tháng khốn khó ở Hà Nội, người ta phải nuôi lợn làm kế sinh nhai. Lợn được nuôi ở gầm cầu thang, trong góc bếp, trong nhà tắm, trên tầng hai những căn hộ tập thể… Có anh thương binh nuôi lợn đến trình độ nghệ sĩ, đặt cho lợn những cái tên như Tên Lửa, Xung Kích, Thần Sấm… Một giáo viên dạy sinh vật ấp ủ viết cuốn Bách khoa lợn, đưa ra những khái niệm như Bái trư giáo, Trư luận, Trư học… Một nhà văn bán sách đi nuôi lợn, ngày ngày nhìn vào chuồng lợn mà triết lý.

Câu chuyện hài hước như lời giễu nhại không chỉ nói về một thời đã qua, mà rờn rợn khi gợi ra chất lợn trong bản tính con người. Tác phẩm được đánh giá là có nhiều cách tân trong lối viết, tạo hứng thú cho bạn đọc hôm nay.

Chuyen ngo ngheo dat giai Sach Hay anh 2
Nhà văn Nguyễn Xuân Khánh (giữa) trong buổi ra mắt Chuyện ngõ nghèo năm 2017.

Cùng Chuyện ngõ nghèo, hạng mục Văn học của Giải Sách Hay còn trao giải cho tác phẩm Đời nhẹ khôn kham (Milan Kundera) do Trịnh Y Thư dịch.

Bên cạnh đó, Giải Sách Hay còn vinh danh 12 cuốn sách khác. Hạng mục Nghiên cứu Khoa học Xã hội và Nhân văn, Giải trao cho: tác phẩm Đời sống xã hội Việt Nam đương đại (3 tập) của nhiều tác giả, do Nguyễn Đức Lộc chủ biên; dịch phẩm Xã hội cổ đại hay Nghiên cứu các con đường đi lên của loài người từ mông muội qua dã man đến văn minh của L. H. Morgan, dịch giả Nguyễn Hữu Thấu.

Hạng mục Sách Giáo dục vinh danh tác phẩm Dạy con trong hoang mang của Lê Nguyên Phương và dịch phẩm Dạy con thành công hơn cả mẹ hổ của tác giả Maya Thiagarajan, dịch giả Huyền Trang, Thủy Tiên.

Hạng mục Kinh tế trao cho Từ nhà nước điều hành sang nhà nước kiến tạo phát triển của Đinh Tuấn Minh, Phạm Thế Anh; dịch phẩm Giấc mộng châu Á của Trung Quốc của tác giả Tom Miller, dịch giả Đoàn Duy.

Hạng mục Sách Quản trị trao cho tác phẩm Quyền tác giả - Đường hội nhập không trải hoa hồng của Nguyễn Vân Nam; dịch phẩm Cuộc di chuyển Đại Dương xanh của W. Chan Kim, Renee Mauborgne, dịch giả Huỳnh Hữu Tài.

Hạng mục Sách Văn học Thiếu nhi trao cho tác phẩm Viết cho những điều bé nhỏ: Khi quá buồn hãy tưới nước cho một cái cây của Trương Huỳnh Như Trân; dịch phẩm Chàng hoàng tử hạnh phúc - Ngôi nhà thạch lựu của tác giả Oscar Wilde, dịch giả Nhã Thuyên.


Y Nguyên

Bạn có thể quan tâm