Những nhà văn tên tuổi trên văn đàn như Trần Thùy Mai, Hồ Anh Thái, Nguyễn Việt Hà, các cây bút giàu kinh nghiệm như Phạm Công Luận, Vũ Thành Sơn, tác phẩm tạo hiện tượng xuất bản Người thầy, cây bút triển vọng Võ Đăng Khoa... đã mang tới những tác phẩm đặc sắc cho văn chương Việt năm qua.
Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu - Hồ Anh Thái
Nhà văn Ma Văn Kháng đã nhận xét ngắn gọn về Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu của nhà văn Hồ Anh Thái: "Bút pháp linh hoạt, tinh tế, hóm hỉnh, giàu khám phá bất ngờ và gần như phi cổ điển, đã khiến người đọc khó rời mỗi trang viết của Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu".
Còn nhà nhà nghiên cứu Võ Anh Minh thì cho rằng: "Đã không ít lần viết về Hà Nội, truyện ngắn có, tiểu luận có, nhưng xem ra Hà Nội nhiều mây có lúc có mưa ngâu là một cách độc đáo để Hồ Anh Thái phác họa những chân dung đa chiều của Hà Nội thời chiến, gửi đến để chia sẻ với người đọc".
Trôi - Nguyễn Ngọc Tư
Tác phẩm phát hành đầu tháng 11, gồm 13 truyện ngắn. Nguyễn Ngọc Tư tiếp tục xoáy vào cái nghèo, sự bấp bênh và lạc lõng của nhiều người miền Tây.
Họ nổi trôi, nhưng mắc kẹt lại đâu đó, cùng lúc. Họ tìm kiếm tự do, buông mình khỏi những nơi chốn, khỏi hiện thực nghiệt ngã, khỏi những vui buồn, nhưng làm sao mà thoát khỏi vòng vây của chân trời.
Với Trôi, Nguyễn Ngọc Tư, bằng tài năng kể chuyện hiếm có, đã mở ra một thế giới bất định với những con người cố níu lấy thứ gì đó, đồng thời cũng muốn thoát khỏi nó, trong hành trình trôi nổi dường như vô tận của mình.
Người Thầy - Nguyễn Chí Vịnh
Người thầy không chỉ nói về công lao của Anh hùng LLVTND Đặng Trần Đức mà còn kể về những trăn trở, hy sinh, những khó khăn phải vượt qua, về đạo đức, tình cảm của ông, đặc biệt là tình vợ chồng, cha con, thầy trò... những bài học về người, về đời của ông để giúp cho thế hệ trẻ, đặc biệt là các bạn trẻ trong ngành tình báo tiếp thu trong quá trình trưởng thành. Tác phẩm như một lời nhắc nhớ cho những người còn sống, về một nhà tình báo đặc biệt của Việt Nam. Sách đã được công chúng đón đợi, và được tái bản ngay sau khi ra mắt, trở thành hiện tượng xuất bản của năm.
Tuyệt không dấu vết - Nguyễn Việt Hà
Nhà văn Nguyễn Việt Hà vốn được đào tạo chuyên ngành kinh tế và từng làm việc trong lĩnh vực ngân hàng một thời gian. Sau tiểu thuyết đầu tay Cơ hội của Chúa xuất bản năm 1999 gây xôn xao công chúng, Nguyễn Việt Hà quyết định chuyển sang con đường cầm bút chuyên nghiệp.
Tuyệt không dấu vết là tiểu thuyết được nhà văn Nguyễn Việt Hà viết trong vòng 5 năm và là cuốn tiểu thuyết được nhiều người chờ đợi sau cuốn Thị dân tiểu thuyết xuất bản năm 2019.
Với thể loại được giới thiệu là “tiểu thuyết trinh thám kiếm hiệp” có kết cấu chương hồi, không gian vẫn là không gian phố cổ Hà Nội quen thuộc của nhà văn và câu chuyện xoay quanh thám tử Tuấn với hành trình tìm kiếm người mất tích giữa phố, nhưng câu chuyện không chỉ nằm ở điều tra phá án, mà là cuộc phiêu lưu vào tiềm thức của con người.
Văn phong vừa Tây vừa Tàu, vừa kim vừa cổ thể hiện được sự tìm tòi và phá cách về hình thức biểu đạt, bên cạnh đó là phong cách văn chương đa dạng và phức tạp đầy thú vị của Nguyễn Việt Hà.
Từ giờ thứ sáu tới giờ thứ chín - Nguyễn Một
Nhà văn Nguyễn Một chia sẻ dù không can dự vào chiến tranh nhưng hai từ "chiến tranh" đã ám ảnh ông qua những câu chuyện của người lớn kể lại. "Các cậu tôi kể lại, cha tôi trúng đạn chết khi mẹ tôi đang mang thai ba tháng. Còn mẹ tôi chết do một viên đạn bắn xuyên qua đầu, khi đó tôi mới 4 tuổi. Lúc mẹ trúng đạn, bà ôm tôi, máu của mẹ chảy trên người tôi. Do đó, tác phẩm mang màu sắc hiện thực như một hồi ký, là câu chuyện thật về cuộc đời. Tôi đưa vào tác phẩm màu sắc Thiên Chúa giáo bởi rất tâm đắc với tinh thần tha thứ, khoan dung".
Nhà thơ Nguyễn Quang Thiều, Chủ tịch Hội Nhà văn Việt Nam, khẳng định cuốn tiểu thuyết Từ giờ thứ sáu đến giờ thứ chín của nhà văn Nguyễn Một đã viết về chiến tranh với góc nhìn mới mẻ.
Hồi ức Phú Nhuận - Phạm Công Luận
Hồi ức Phú Nhuận gồm 60 bài viết về Phú Nhuận theo trục thời gian từ xưa đến nay, bao quát mọi mặt trong đời sống của quận đô thị này.
Với giọng văn giàu cảm xúc và nhiều tư liệu, Phạm Công Luận đã đưa người đọc tìm về những ấn tượng từng hiện diện ở Phú Nhuận. Một số thứ dù còn tồn tại nhưng ít nhiều thay đổi qua thời gian, một số tuy đã biến mất nhưng vẫn ẩn tàng trong ký ức người Phú Nhuận và trong góc khuất đời sống.
Không dừng lại trong phạm vi ghi chép dáng dấp cơ bản của một vùng đất, mà còn phần nào đó giúp người đọc nhận diện đời sống đô thị vùng đất Sài Gòn - TPHCM trong trăm năm qua, sách Hồi ức Phú Nhuận trở thành một bộ sưu tập công phu về đời sống đô thị.
Công chúa Đồng Xuân - Trần Thùy Mai
Công chúa Đồng Xuân có thể được xem là phần tiếp theo của Từ Dụ thái hậu, hợp thành bộ tiểu thuyết lịch sử đầy đủ về triều Nguyễn của Trần Thùy Mai. Nếu Từ Dụ thái hậu là thời thịnh Nguyễn (trải 30 năm, từ Gia Long đầu triều đến đầu thời Tự Đức), thì Công chúa Đồng Xuân tái hiện khoảng 40 năm đầy biến động tang thương trải từ năm 1859 đến năm 1900.
Khác với Từ Dụ thái hậu đặc tả chuyện “cung đấu”, chuyện quân thần thời thịnh trị; Công chúa Đồng Xuân theo dòng lịch sử kể lại những chính biến kinh hoàng, với xương sống là việc thực dân Pháp xâm chiếm, triều đình nhà Nguyễn mất dần quyền lực và trở thành con rối trong tay quyền thần
Cơn mưa bội bạc - Vũ Thành Sơn
Theo PGS.TS Phạm Xuân Thạch, Cơn mưa bội bạc là một văn bản với những khoảng trống khổng lồ. Đó là cuốn tiểu thuyết về cuộc đời của Quang, từ khi được sinh ra cho đến khi quyết định “cắt đứt cái neo níu giữ anh lại bến bờ hiện thực” để “chọn lấy sự đoạn tuyệt hay đúng hơn một sự kết liễu”: trải qua phần đời còn lại ở tuổi 50 trong một nhà thương điên bên bờ biển. Từ khi sinh ra, Quang đã không được nhìn thấy mặt bố. Thế nhưng cả cuộc đời còn lại, anh đã phải sống với những gánh nặng của ký ức
Hư cấu của tác giả Vũ Thành Sơn luôn như một sống núi cheo leo giữa một bên là vực thẳm của những câu hỏi nhân sinh và một bên là cái chết luôn chờ chực nhảy xổ ra đẩy con người vào mất hút trong những khoảng hư vô - điều làm nên sự bất ngờ và ám ảnh thường trực trong truyện kể của ông. Nhưng vượt lên trên những đau đớn và ngặt nghèo đó luôn là một nỗi khắc khoải và một tình yêu tận độ với đời sống, với những khoảnh khắc hiện sinh chân thật, đầy đủ và huy hoàng như những ân phước
Lạc đà bay - Võ Đăng Khoa
Tập truyện ngắn của tác giả trẻ Võ Đăng Khoa có lẽ là một dấu hiệu tích cực cho một văn học Việt. Cuối năm, Nhà xuất bản Trẻ vẫn giữ cam kết đồng hành cùng các cây bút bằng một bộ 4 cuốn của các tác giả trẻ. Lạc đà bay của Võ Đăng Khoa là một trong số đó.
Nhà văn Nguyễn Ngọc Tư nhận xét về tập truyện này: “Chững chạc, tự tin, tưởng tượng phong phú, tinh tế trong chi tiết, đọc Lạc đà bay không có cảm giác đây là tập truyện đầu tay của một tác giả vừa mới bước qua tuổi hai mươi. Bằng thứ văn phong giàu chất thơ, hiện đại, sớm vượt qua khỏi rào vách vùng miền, trắc ẩn mà không ủy mị, phơi bày mà không sa đà kể lể, Khoa tỉnh táo lần giở những buồn vui cuộc đời, nhìn vào thế giới nội tâm của những phận người dẫu bị dập vùi vẫn không thôi lấp lánh”.
Đọc được sách hay, hãy gửi review cho ZNews
Bạn đọc được một cuốn sách hay, bạn muốn chia sẻ những cảm nhận, những lý do mà người khác nên đọc cuốn sách đó, hãy viết review và gửi về cho chúng tôi. ZNews mở chuyên mục “Cuốn sách tôi đọc”, là diễn đàn để chia sẻ review sách do bạn đọc gửi đến qua Email: books@zingnews.vn. Bài viết cần gửi kèm ảnh chụp cuốn sách, tên tác giả, số điện thoại.
Trân trọng.