Nguồn cội là tiểu thuyết mới nhất của Dan Brown, ra mắt hồi tháng 10 năm ngoái. Sau 6 tháng, mới đây tác phẩm đã phát hành bản tiếng Việt. Dịch giả Xuân Hồng - người miệt mài chuyển ngữ hơn 700 trang tác phẩm đầy ắp những thuật ngữ của tôn giáo, công nghệ, nghệ thuật này - trò chuyện với Zing.vn về tác phẩm và quá trình dịch.
Dịch giả Xuân Hồng - người chuyển ngữ 3 tiểu thuyết gần đây của Dan Brown. |
Tác phẩm tiên tri tương lai nhân loại
- Anh đã dịch tác phẩm Dan Brown từ khi nào?
- Tôi bắt đầu dịch Dan Brown từ năm 2009 với cuốn tiểu thuyết thứ 5 của ông: Biểu tượng thất truyền. Năm 2014, tôi dịch cuốn thứ 6 của ông: Hỏa ngục. Đến giờ thì dịch cuốn thứ 7 của ông.
Trước khi dịch, tôi đã đọc Dan Brown, các tác phẩm Mật mã Da Vinci, Thiên thần và Ác quỷ đều rất đình đám.
- Cả quá trình đọc và dịch các tác phẩm, anh thấy cuốn này có sự tiếp nối gì về nội dung giữa các tác phẩm?
- Tất cả tác phẩm của Dan Brown đều độc lập, chỉ có sự kết nối duy nhất đó là tuyến nhân vật. Bắt đầu từ Thiên thần và Ác quỷ ra mắt năm 2000, đến cuốn này là 5 cuốn liên tiếp, ông đều dùng một nhân vật chính là Giáo sư biểu tượng học Robert Langdon. Đó là điểm chung duy nhất thôi. Còn lại mỗi tác phẩm có nội dung, bối cảnh hoàn toàn khác.
- Vậy "Nguồn cội" có gì đặc biệt?
- Như tên tác phẩm đã phần nào nói lên nội dung, tác phẩm trả lời cho hai câu hỏi cơ bản mà loài người vẫn trăn trở kể từ khi ý thức về sự tồn tại của mình. Đó là “chúng ta sinh ra từ đâu?”, và “chúng ta đang đi về đâu?”
- Điểm hấp dẫn trong các tác phẩm trước đây của Dan Brown là dẫn dắt người đọc vào cả kho kiến thức về giải mã, khoa học, tôn giáo, nghệ thuật nào đấy. Ở cuốn này, ông có thể hiện thế mạnh đó của mình đó không?
- Đó là sở trường của Dan Brown, nên ông vẫn tiếp tục đưa ra và kết nối những kiến thức đó để kể câu chuyện. Cuốn này ông vẫn tiếp tục tìm kiếm những bí mật, biểu tượng, mật mã, cũng như kiến thức về nghệ thuật, tôn giáo để khai thác đưa vào câu chuyện của mình.
Tuy nhiên, theo đánh giá của tôi, nếu so với Thiên thần và Ác quỷ, Mật mã Da Vinci, biểu tượng, mật mã trong tác phẩm này không được nhiều bằng.
- Cụ thể hơn trong tác phẩm này, tôn giáo, nghệ thuật, biểu tưởng mà ông nhắc tới ở đây là gì?
- Tôn giáo ở Nguồn cội tục nói về Công giáo. Như ở trên tôi nói, nội dung cuốn sách này trả lời hai câu hỏi chúng ta sinh ra từ đâu, và sẽ đi về đâu. Một trong hai trường phái đang trả lời cho hai câu hỏi đó là tôn giáo, nhất là Công giáo với quan điểm chúng ta sinh ra từ Chúa, và sẽ trở về với Chúa.
Từ việc khai thác quan điểm này của Công giáo để đưa vào tác phẩm, Dan Brown dẫn dắt độc giả trong một hành trình tìm hiểu lịch sử Công giáo, và lần này, chắc chắn sẽ có không ít độc giả, giống như chính tôi, ngỡ ngàng biết thêm một phái của Công giáo tách ra, có phần đối lập với chính Công giáo, đó là Giáo hội Palmaria. Giáo phái này cho rằng, họ mới là chính thống, còn Công giáo La Mã không chính thống. Họ thậm chí phủ nhận cả vai trò của Giáo hoàng và Tòa thánh ở Vatican. Họ lập ra giáo hoàng riêng, tòa thánh riêng của họ.
Về mặt nghệ thuật, bối cảnh câu chuyện xảy ra ở Tây Ban Nha, nên chúng ta sẽ được làm quen với nhiều nghệ sĩ, họa sĩ gắn bó với Tây Ban Nha, tiêu biểu như Antoni Gaudí, Joan Miró. Khi đọc, chúng ta tìm hiểu sẽ biết thêm những tác phẩm nghệ thuật, công trình kiến trúc của các nghệ sĩ này.
- Anh cảm nhận gì về khía cạnh tôn giáo, nghệ thuật được thể hiện trong tác phẩm này?
- Tôi rất thích. Có lẽ bởi tôi là người thích tìm hiểu về tôn giáo, lịch sử, văn hóa nên thấy rất hứng thú, hợp với mình khi chuyển tải sang tiếng Việt. Nó cho mình thêm kiến thức, hiểu biết về đúng lĩnh vực mà mình quan tâm.
- Thông điệp mà tác giả muốn nói trong tác phẩm này là gì?
-Trong tác phẩm, Dan Brown có trả lời câu hỏi “Chúng ta sinh ra từ đâu, và đang đi về đâu?”. Nó hoàn toàn không giống quan điểm tôn giáo, mà xuất phát từ khoa học.
Thật ra không phải nhân vật Robert Langdon hay tác giả Dan Brown đưa ra lý giải này, mà thực tế đã có rất nhiều nhà khoa học cố gắng lý giải theo hướng này. Dan Brown dựa trên những khám phá, phát hiện của giới khoa học, bao gồm cả Thuyết tiến hóa của Darwin hay những thí nghiệm mà con người đã làm nhằm tái tạo quá trình hình thành sự sống như Thí nghiệm Miller-Urey, để đưa ra dự đoán, câu trả lời.
Ông trả lời rằng con người, trái đất sinh ra từ những quy luật vật lý, tự thân nó đã thế. Tự thân sự sống này sinh ra từ những quy luật vật lý.
Còn câu hỏi chúng ta đi về đâu? Chúng ta vẫn tồn tại. Nếu tìm hiểu về sự sống trên Trái Đất, ta biết các nhà khoa học chia ra làm 6 giới, và trong tác phẩm này, tác giả khai thác quan điểm khoa học cho rằng sẽ xuất hiện một giới mới gọi là Technium (tôi dịch là Nguyên tố công nghệ). Giới này phát triển như sinh vật, có sinh ra, có mất đi, có tiến hóa.... Và con người và công nghệ sẽ hòa nhập với nhau để cùng tồn tại.
- Anh có thấy giả thuyết đó thuyết phục không?
- Rất thuyết phục. Bởi nó là thực tế đang diễn ra. Trên thực tế, đúng là công nghệ đang phát triển từng ngày, từng giờ. Ta thấy đã có rất nhiều ứng dụng, sản phẩm công nghệ gắn bó chặt chẽ với con người, thậm chí gắn liền trên cơ thể chúng ta để hỗ trợ chúng ta trong cuộc sống.
Tiến tới, những phát triển về công nghệ như trí thông minh nhân tạo hay các cyborg nửa người nửa máy… sẽ ngày càng trở nên phổ biến. Công nghệ và con người sẽ hòa hợp, gắn bó chặt chẽ với nhau.
Cuốn tiểu thuyết dầy 700 trang của Dan Brown trả lời cho câu hỏi lớn của nhân loại: con người sinh ra từ đâu, và sẽ đi về đâu? |
"Mật mã Da Vinci" là đỉnh cao, các tác phẩm sau mang tính giữ phong độ
- Nhiều độc giả cho rằng Dan Brown gần đây viết không còn hay như những cuốn trước. Anh thấy cuốn “Nguồn cội” ra sao so với những cuốn trước đây của ông?
- Thực ra, rất khó đòi hỏi một tác giả đã thành danh và có tác phẩm được coi là kiệt tác thì phải viết ra tác phẩm sau còn hay hơn tác phẩm trước. Giống như đòi hỏi Nguyễn Du phải viết gì đó hay hơn Kiều, Victor Hugo phải viết tác phẩm sau hay hơn Những người khốn khổ là rất khó. Với nghệ sĩ, dồn tinh hoa để sáng tạo ra một kiệt tác và sau đó giữ phong độ ổn định là rất tốt rồi.
Thêm nữa, không nên so sánh giữa các tác phẩm với nhau bởi mỗi tác phẩm là một nội dung độc lập, có khía cạnh riêng của nó. Có chẳng chỉ đánh giá xem tác giả có giữ được phong độ trong văn phong, mạch văn, câu chữ thôi.
- Như vậy, với trường hợp Dan Brown, “Mật mã Da Vinci” là đỉnh cao, còn những tác phẩm sau là giữ phong độ?
- Đúng. Giữ phong độ là ổn rồi. Nhưng mỗi tác phẩm đều có sự gia giảm khác nhau. Ví dụ, ở các tác phẩm sau, tính trinh thám, ly kỳ, căng thẳng không cao bằng những cuốn trước, nhưng lại đề cập tới những vấn đề đương đại.
Hỏa ngục đề cập tới vấn đề bùng nổ dân số ảnh hưởng như nào tới nhân loại, hoặc Nguồn cội dự báo tương lai phát triển của nghệ và ảnh hưởng đến loài người... Đó là những vấn đề thời sự mà Dan Brown chưa khai thác trong những tác phẩm trước của ông.
- Anh đánh giá thế nào về sự quan tâm của độc giả tới tác phẩm Dan Brown?
- Tất cả tác phẩm Dan Brown ra đời đều được quan tâm, không chỉ người Việt mà cả thế giới. Mỗi tác phẩm của ông ra đều được bạn đọc háo hức trông chờ. Thậm chí có những độc giả cho rằng Dan Brown bây giờ viết không được như những cuốn khiến ông thành danh nữa, nhưng khi ông ra sách, họ vẫn mua.
- Quá trình dịch cuốn này, anh gặp khó khăn gì?
- Trong quá trình dịch bất cứ cuốn nào, khó khăn nhất vẫn là sự khác nhau, độ vênh văn hóa cũng như ngôn ngữ. Không bao giờ có chuyện hai ngôn ngữ hoàn toàn tương đồng nhau để có thể dịch một cách dễ dàng. Hơn nữa, tiếng Việt chưa phát triển nhiều thuật ngữ khoa học, công nghệ, chưa tiếp cận nhiều tác phẩm văn hóa nghệ thuật thế giới, để mà có sẵn vốn từ khi dịch. Điều đó buộc tôi phải đi tra cứu, tìm tòi, phải suy nghĩ, cân nhắc phương án dịch sao cho hợp lý.
- Sách ra từ quý 4 năm 2017, thời gian dịch ngắn, anh có gặp khó khi thời gian dịch gấp rút như vậy?
- Xin chia sẻ thật, dịch là nghề tay trái của tôi và tôi chỉ có thể làm ngoài giờ hành chính mà thôi. Tôi không thể dành toàn thời gian cho việc dịch được vì còn công việc chính. Lúc nào bố trí được thời gian tôi mới làm, nhưng vẫn phải bảo đảm kịp tiến độ. Tuy nhiên, đã nhiều năm theo đuổi nghiệp dịch thuật nên công việc này với tôi cũng quen rồi.
Một số tác phẩm của Dan Brown đã được chuyển ngữ tiếng Việt và mới được tái bản gần đây. |
- Việc đọc và dịch nhiều tác phẩm của Dan Brown giúp gì anh trong việc dịch cuốn “Nguồn cội”?
- Việc quen với văn phong hay mô típ mạch truyện mà tác giả thường xây dựng cũng là một thuận lợi khi dịch cuốn này bởi tôi có thể dự đoán được phần nào nội dung.
- Được biết anh làm công tác báo chí khá bận, nhưng điều gì khiến anh vẫn theo đuổi công việc dịch?
- Dịch là nghề tay trái, nhưng tôi sẽ theo đuổi nó suốt đời. Tôi vẫn quan niệm có sự khác nhau giữa nghề và nghiệp. Tôi xác định làm báo hay làm gì khác là nghề, và có thể thay đổi; còn nghiệp là dịch thuật. Nghề có thể chọn mình, nhưng nghiệp là mình chọn nó và theo đuổi.
Tôi đã có hơn 80 đầu sách dịch được xuất bản, cả tiếng Việt và dịch sang tiếng Anh, thuộc nhiều thể loại như văn học, kỹ thuật, y học, tôn giáo, dân tộc học, lịch sử...
- Nghề dịch văn học thường gánh những thiệt thòi. Nếu anh dịch hay người ta bảo do tác phẩm gốc xuất sắc; nếu tác phẩm tệ, người ta bảo do anh dịch tồi. Anh nghĩ sao về định kiến đó?
- Dịch là làm công việc trung gian. Có người quan niệm dịch là giết tác phẩm, nhưng cũng có người cho rằng dịch là sáng tạo. Ta thấy Kiều hay hơn Đoạn trường Tân thanh, hay Chinh phụ ngâm của Đoàn Thị Điểm được biết tới nhiều hơn bản gốc của Đặng Trần Côn…
Với cá nhân mình, tôi xác định dịch là chuyển tải ngôn ngữ. Theo đuổi nghề dịch, tôi cố gắng thực hiện bản dịch theo tiêu chí Tín (đúng), Đạt (thoát ý), rồi mới tới Nhã (hay).
Tuy nhiên, với những tác phẩm đồ sộ, dày dặn cả về số trang cũng như nội dung thông tin như Nguồn cội, lại phải xử lý trong thời gian gấp gáp nên khó tránh khỏi những sai sót. Rất mong độc giả thông cảm và góp ý để chúng tôi khắc phục, hoàn thiện cho những lần tái bản sau.