Hữu Mai, tên thật là Trần Hữu Mai (1926 – 2007), được sinh ra ở Thanh Hóa trong một gia đình viên chức nhỏ. Kháng chiến toàn quốc, Hữu Mai tham gia tự vệ thành, chiến đấu ở Hà Nội rồi vào bộ đội. Ông phụ trách báo Quân tiên phong (báo của Đại đoàn 308), tham gia nhiều chiến dịch, trong đó có chiến dịch Điện Biên Phủ.
Năm 1956, Hữu Mai tham gia thành lập và làm biên tập tạp chí Văn nghệ Quân đội – tờ báo văn chương uy tín cho tới ngày nay. Công tác tại đây 25 năm, Hữu Mai được phong cấp bậc Đại tá. Năm 1983, Hữu Mai sang làm Ủy viên Ban Thư ký thường trực Ban chấp hành Hội nhà văn hai khóa III và IV.
Đại tưởng Võ Nguyễn Giáp và nhà văn Hữu Mai. Ảnh: tư liệu. |
"Cao điểm cuối cùng" và bước tiến của văn chương Việt Nam
Là nhà văn mặc áo lính, các sáng tác của Hữu Mai luôn viết về đề tài lực lượng vũ trang, chiến tranh cách mạng.
Ngay từ những năm 1960, các tác phẩm của Hữu Mai đã được đông đảo độc giả đón nhận. Tiêu biểu nhất là tiểu thuyết Cao điểm cuối cùng (1960) – tác phẩm viết về những ngày đánh chiếm đồi A1 trong chiến dịch Điện Biên Phủ. Sách khắc họa chân thực và sống động những chân dung chiến sĩ, họ thể hiện rõ nét mọi điều tốt xấu trong hoàn cảnh thử thách khắc nghiệt nhất.
Giáo sư Đinh Xuân Dũng từng xếp Cao điểm cuối cùng cùng Vỡ bờ (Nguyễn Đình Thi), Sống mãi với thủ đô (Nguyễn Huy Tưởng), Trước giờ nổ súng (Lê Khâm) là những tác phẩm thể hiện bước tiến vượt bậc tư duy sáng tạo của nhà văn Việt Nam trong tiến trình phát triển của văn học hiện đại. Vượt bậc ở chỗ tác phẩm không kể tả lại đơn giản một chiều sự kiện, biến cố chiến tranh mà nỗ lực đào sâu vào hiện thực để tìm ra những vấn đề, trả lời câu hỏi lớn về số phận dân tộc, con người trong chiến tranh.
Các tác phẩm sau đó của Hữu Mai cũng gắn chặt với đề tài người lính, chiến tranh cách mạng như tập truyện ngắn Đồng đội (1962), tập truyện Phía trước là mặt trận (1966), bộ tiểu thuyết ba tập Vùng trời, ký sự Trận đánh cuối cùng (1977), tiểu thuyết Đất nước (1985), Hà Nội 12 ngày đêm…
Hai trong số nhiều cuốn sách viết về Đại tưởng Võ Nguyên Giáp của Hữu Mai. |
Trong hồ sơ xét tặng giải thưởng Hồ Chí Minh lĩnh vực Văn học Nghệ thuật 2016 của Hữu Mai có ba cuốn tiểu thuyết được nhắc tới, đều là những tác phẩm viết về đề tài lực lượng vũ trang, vì an ninh cuộc sống.
Đêm yên tĩnh ra mắt năm 2002, đoạt hai giải A của Bộ Công an và Hội nhà văn Việt Nam về đề tài “Vì an ninh Tổ quốc và bình yên cuộc sống”. Tiểu thuyết Người lữ hành lặng lẽ viết về nhân vật với nguyên mẫu nhân vật là cố Chủ tịch Quốc hội Trần Quang Đạo.
Không phải huyền thoại - cuốn tiểu thuyết văn học đầu tiên về Đại tướng Võ Nguyên Giáp – của Hữu Mai đã được Tổng cục Chính trị Quân đội Nhân dân Việt Nam tặng Bằng khen cho Tác phẩm xuất sắc về đề tài Lực lượng vũ trang và chiến tranh cách mạng.
Người viết về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Một mảng đề tài quan trọng trong di sản Hữu Mai để lại đó là những trang hồi ức của Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Ông viết hồi ức Võ Nguyên Giáp từ năm 1964 với Một vài hồi ức về Điện Biên Phủ, tới 1966 lại ra mắt hồi ký Từ nhân dân mà ra, rồi Những năm tháng không thể nào quên (1970)…
Một khoảng thời gian dài, cứ mỗi tuần Hữu Mai đến nhà Đại tướng một buổi để ghi chép lại lời kể của ông. Tới 1995, các cuốn hồi ký của Đại tướng do Hữu Mai viết tiếp tục ra mắt như Chiến đấu trong vòng vây (1995), Đường tới Điện Biên Phủ (1999), Điện Biên Phủ - điểm hẹn lịch sử (2000)…
Tiểu thuyết Ông cố vấn. |
Nhắc tới Hữu Mai, không thể không nói tới Ông cố vấn. Tiểu thuyết viết về cuộc đời hoạt động của nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ. Bằng tài năng của mình, Vũ Ngọc Nhạ đã trở thành "ông cố vấn" tin cậy trong chính quyền Việt Nam Cộng hòa, cung cấp những thông tin tình báo quan trọng, góp phần vào chiến thắng cuối cùng giải phóng đất nước.
Ông cố vấn được đông đảo bạn đọc đón nhận, tới nay tái bản nhiều lần. Sức hấp dẫn của tác phẩm đưa Hữu Mai trở thành thành viên Hiệp hội Quốc tế những Nhà văn viết Trinh thám (AIEP).
Không chỉ thành công với tiểu thuyết, hồi ký, Hữu Mai còn là tác giả kịch bản một số bộ phim nổi tiếng như Hoa ban đỏ, Ông cố vấn (phim truyền hình), Nguyễn Ái Quốc ở Hồng Kông, Cao điểm cuối cùng…
Sinh ra trong giai đoạn chiến tranh, Hữu Mai trước hết là một chiến sĩ, chiến đấu vì độc lập, tự do, thống nhất đất nước. Là chiến sĩ cầm bút, các trang văn của Hữu Mai đã ghi lại một thời đại lịch sử của dân tộc. Viết tiểu thuyết lịch sử, hồi ký, kịch bản phim, hay về nhân vật có thật trong lịch sử nhưng ngòi bút của ông không dừng lại ở việc phản ánh, ghi chép, kể lại. Tác phẩm của ông vừa có sức hấp dẫn của văn chương, vừa nói lên cái cao hơn sự thật khắc nghiệt, ấy là con người, dân tộc trong chiến tranh.