Dòng văn học trinh thám Việt Nam đang có những dấu hiệu thay đổi tích cực khi đem tới cho độc giả nhiều tác phẩm hấp dẫn, được giới chuyên môn đánh giá cao.
Từng một thời vàng son
Dòng văn học trinh thám, kinh dị đã xuất hiện ở Việt Nam từ lâu nhưng luôn bị đánh giá thấp, dưới tầm với những cách gọi như “văn chương giải trí”, “tiểu thuyết ba xu”. Ít nhiều những quan niệm đó cũng ảnh hưởng tới sự phát triển của dòng văn học này nhiều năm qua.
Ở Việt Nam văn học trinh thám, kinh dị chịu sự ảnh hưởng lớn của văn hóa phương Tây. Nhiều tác phẩm được mô phỏng dưới dạng truyện điều tra giống với nước ngoài đã dần được hình thành và chuyển biến thành rõ rệt thành một nhánh văn học riêng mang tên: truyện trinh thám Việt Nam. Đáng kể nhất là tác phẩm đậm tính chất trinh thám đầu tiên phải kể là Mảnh trăng thu của Bửu Đình.
Cuối thập niên 1930 đến trước 1945 là thời kỳ phát triển nở rộ của tiểu thuyết trinh thám, xuất hiện cùng lúc nhiều tác giả chuyên viết mảng này. Những cái tên như Thế Lữ, Phạm Cao Củng, Bùi Huy Phồn nhanh chóng nổi lên với lối viết đậm nét, giàu hình ảnh, hút độc giả bằng những tạo hình nhân vật mới mẻ, phong trần.
Thế Lữ là một trong những tác giả đi tiên phong trong văn học trinh thám Việt. |
Chắc hẳn với nhiều người sẽ không quên được hình ảnh chàng phóng viên Lê Phong của nhà văn Thế Lữ, với sự nhạy bén tinh tường và suy luận sắc sảo, anh đã phá được không ít những vụ án đình đám thời bấy giờ. Trinh thám của Thế Lữ pha trộn giữa trinh thám suy luận và trinh thám hành động, mang nhiều nét lãng mạn và nhiều yếu tố kịch. Đây là phong cách rất riêng làm nên dấu ấn của ông.
Nhiều quan điểm cho rằng đời sống của nhân dân ta khá yên bình, ít xảy ra những bối cảnh để thực sự có thể viết thành truyện gây ấn tượng hay ly kỳ nên sẽ không thể áp đặt, sử dụng những chi tiết của văn học phương Tây mãi được. Các cây viết luôn muốn hướng tới một dòng văn đậm chất bản địa, đậm chất Việt nhưng vẫn phải loay hoay tìm hướng giải quyết.
Sau sự phát triển ồ ạt và mạnh mẽ không hiểu vì lý do gì làng văn học Việt sau này lại thưa thớt hẳn dòng trinh thám, dù vẫn có một số tiểu thuyết tình báo (một dòng riêng của văn học trinh thám) đỉnh cao như X30 phá lưới (của Đặng Thanh), Ván bài lật ngửa (Nguyễn Trương Thiên Lý), Ông cố vấn (Hữu Mai), Ông tướng tình báo và hai bà vợ (của Đặng Trần Thiết)... Sau những tác phẩm này, truyện trinh thám “mất hút”.
Sự trở lại của những cây viết mới
Vài năm gần đây, các cây viết trẻ đang nỗ lực làm tươi mới lại văn học trinh thám Việt, một dòng sách hấp dẫn và hẳn có nhiều đất khai thác.
Đơn cử trong đội ngũ này là nữ nhà văn Di Li. Trước thách thức của quan niệm coi nhẹ văn chương giải trí và tìm cách dung hoà giữa giải trí và nhân văn, cây bút trẻ Di Li đã chọn cho mình sự pha trộn nhuần nhuyễn của trinh thám và kinh dị. Viết được cuốn sách giải trí thành công cũng là nghệ thuật. Nhưng nghệ thuật đó chưa hẳn là nghệ thuật văn chương. Còn với tác giả trẻ Di Li thì khác, giải trí và nghệ thuật được xác định ngay từ đầu theo chủ đích khi đặt bút viết, phải dung chứa nhau.
Một vài tác phẩm trinh thám đáng chú ý ra mắt gần đây của các tác giả Việt. |
Trong những tác phẩm của mình, Di Li rất chịu khó sử dụng những thủ pháp nghệ thuật, đặc tả sâu chi tiết nhằm ấn tượng cho người đọc. Cô chứng tỏ ý thức về nghệ thuật luôn song hành với các yếu tố kinh dị, như nhà văn Nguyễn Văn Thọ nhận xét: “giải trí mà không giải trí” như thành công bước đầu được những nhà văn thế hệ trước thừa nhận. Dần dần hình thành lối viết mới, thoát ra khỏi khuôn khổ gò bò từ lâu đã thành xáo mòn.
Bên cạnh đó còn có sự góp mặt đáng chú ý của nhà văn Nguyễn Xuân Thủy là tác giả của tiểu thuyết nổi tiếng Sát thủ online. Tác phẩm đạt giải A cuộc thi của Bộ Công an và cũng đã được chuyển thể thành phim. Đây là tiểu thuyết đầu tiên về tội phạm mạng với bối cảnh là môi trường Internet, phản ánh về một khoảng tối nơi những con người bị dẫn dụ vào thế giới ảo.
Ngoài ra, Nguyễn Đình Tú cũng là cái tên đang gây ấn tượng với bạn đọc và giới cầm bút. Anh đã có tới 8 tiểu thuyết và nhiều truyện ngắn được ra mắt cùng một tác phẩm chuyển thể lên phim.
Để viết nên một tác phẩm hay, các nhà văn chấp nhận xâm nhập thực tế, xâm nhập thế giới của nhân vật để có được những cảm xúc thật mà đôi khi điều đó khiến họ bị ám ảnh.
Hướng đi tiếp theo cho thể loại trinh thám Việt Nam
Mặc dù đang có dấu hiệu trở lại nhưng dòng văn học này vẫn đứng trước nhiều bế tắc chưa tìm được hướng giải quyết. Một trong số đó là những khó khăn về sự tụt hậu so với thế giới như anh Hoàng Nam, quản trị Hội những người thích truyện trinh thám chia sẻ: "Dòng sách trinh thám Việt Nam mới chính thức trở lại và phát triển trong khoảng 10 năm trở lại đây. Truyện trinh thám có tính giải trí cao nên luôn có một lượng độc giả theo dõi nhất định. Chất liệu trong các tác phẩm trinh thám Việt khá đa đạng khi pha trộn nhiều yếu tố từ kinh dị bí ẩn cho tới phiêu lưu, lịch sử như đa phần chịu ảnh hưởng của các các phẩm trinh thám Trung Quốc như Di Li hay mang màu sắc của Dan Brown như Đoàn Thụy Hải".
Anh cũng nhấn mạnh dòng văn học này thực sự vẫn rất non trẻ với một vài tác giả đi tiên phong chưa có đặc trưng và cần nhiều hơn các nhà văn nữa mới có thể tạo nên làn sóng lớn. Để phát triển cần có đọc giả và khi đã có độc giả thì phụ thuộc vào chính khả năng sáng tạo của những tác giả mới có thể vẽ ra hướng đi cho truyện trinh thám tại Việt Nam.
Chưa biết sức bền của những cây viết trinh thám nội địa tới đâu nhưng ít nhất, họ đang tạo ra những nét mới, những tác phẩm cuốn hút và có chất lượng, thỏa mãn phần nào nhu cầu bạn đọc về những tác phẩm trinh thám Việt.