Tác phẩm Ba màn kịch của Jon Fosse (Sách Thiện Tri Thức và NXB Dân trí phối hợp phát hành) sử dụng nghệ thuật thanh lọc của bi kịch Hy Lạp.
Những cảnh đầy kịch tính, với nội tâm nhân vật phức tạp như mẹ đuổi con gái chưa đến tuổi thành niên đang mang thai ngoài giá thú ra khỏi nhà… được tác giả sử dụng phong cách kể chuyện đặc biệt, khiến người đọc vừa đứng ở vị trí quan sát khách quan, vừa như tham gia vào để yêu thương, thông cảm cho những cảnh đời éo le.
Tác phẩm "Ba màn kịch". Ảnh: Sách Thiện Tri Thức |
Đặc biệt, những tình tiết hãi hùng nhất không được mô tả tỉ mỉ. Nó để mở cho người đọc tự tưởng tượng, phán đoán, xem xét và nảy sinh các ý kiến riêng, từ đó tiến trình thanh lọc bắt đầu. Điều này cũng khiến tác phẩm với những câu chuyện tưởng như rất đời thường lại có thể mang màu sắc rất riêng biệt trong từng hoàn cảnh của người đọc.
Xuyên suốt Ba màn kịch là anh chàng Asle làm mọi chuyện để cứu bạn gái mình nhưng vẫn bị treo cổ. Cô gái vẫn bị đói khổ sau khi anh chết. Như vậy, những việc anh làm cũng không có ý nghĩa hay mang lại kết quả tốt về sau.
Người Hy Lạp có câu: "Không có gì được vượt quá giới hạn hết. Vượt quá giới hạn thì đến mặt trời cũng phải rơi xuống”. Đây là luật nhân quả trong đạo Phật và truyền thống nhân đạo, khuyến thiện của người dân Việt Nam. Tính nhân văn và tầm ảnh hưởng của tác phẩm này, có thể tóm lại trong một câu nói của tờ Politiken (Đan Mạch): "Ba màn kịch sẽ còn được đọc đi đọc lại trong 500 năm nữa".
Nhà văn, nhà phê bình văn học Phan Nhật Chiêu nhận định: “Bi kịch đưa những cái vượt quá giới hạn về với trung đạo, đó là ý nghĩa của nghệ thuật. Nghệ thuật không phải để giải trí. Người đọc nên để ý đến triết lý của tác giả chứ không chỉ chú trọng đến những chi tiết ly kỳ, giật gân. Và nghệ thuật lớn cũng không phô bày sự man rợ. Nghệ thuật lớn là giúp người ta suy nghĩ về những thái quá và do đó trở nên sáng suốt và được thanh lọc”.
Chiều 29/6 tới, tại Trạm Đọc (Huỳnh Thúc Kháng), Sách Thiện Tri Thức tổ chức giao lưu cùng nhà văn, nhà thơ Phan Nhật Chiêu với chủ đề Nghệ thuật thanh lọc trong tác phẩm Ba màn kịch của Jon Fosse dịp ra mắt cuốn sách.
Jon Fosse là tác giả đầu tiên trên thế giới đoạt giải Nobel Văn chương sáng tác bằng tiếng Nynorsk, một ngôn ngữ phổ thông ở Na Uy. Ông được trao giải vì "những vở kịch và tác phẩm văn xuôi đầy sáng tạo, lên tiếng cho những điều không thể nói thành lời".
Công trình đồ sộ của ông bao gồm vô số vở kịch, tiểu thuyết, tuyển tập thơ, tiểu luận, sách thiếu nhi hiện đã được xuất bản sang 44 ngôn ngữ và các vở kịch được công diễn hàng ngàn lần trên khắp thế giới. Jon Fosse đã nhận được nhiều giải thưởng trong nước và quốc tế khác nhau trong những năm cống hiến của mình.