Theo tờ Atlantic, thời thế đã thay đổi, các nhà văn nữ đang chiếm ưu thế trong dòng văn học ly kỳ. Độc giả mong muốn nhiều hơn một vụ án bạo lực trong cuốn sách, họ muốn được kết nối với nhân vật, được cảm nhận sự hồi hộp. Thậm chí, một số các nhà văn nam bị buộc phải thay đổi cách viết để có thể tiếp cận độc giả hiện đại.
Tác giả nam lấy bút danh nữ tính hoặc trung tính để bán sách ly kỳ?
Trong thể loại sách ly kỳ, bí ẩn, ta bắt gặp số lượng lớn tác giả là nữ. Thậm chí, những năm gần đây còn có sự xuất hiện của tác giả nam viết tiểu thuyết ly kỳ nhưng sử dụng một bút danh nữ tính hoặc trung tính, nhằm đánh lừa độc giả.
Tờ The Wall Street Journal từng phỏng vấn một loạt tác giả nam “lấy danh” nữ giới như Riley Sager (tên thật: Todd Ritter), A.J. Finn (tên thật: Daniel Mallory), S.J. Watson (tên thật: Steve Watson), J.P. Delaney (tên thật: Tony Strong), S.K. Tremayne (tên thật: Sean Thomas). Phóng viên Ellen Gamerman cho rằng hiện tượng này thật ngang trái, khi mà trong quá khứ, nhiều nhà văn nữ phải sử dụng bút danh là nam để tác phẩm của mình được xuất bản (như chị em nhà Brontë).
Một trong những yếu tố chính được The Wall Street Journal chỉ ra là độc giả nữ chiếm tới 80% trong số độc giả đọc văn học. Và dù dòng tiểu thuyết tội phạm, hình sự thường được cho là thích hợp với độc giả nam hơn thì thực tế, độc giả nữ cũng chiếm 60-80%. Tiến sĩ Melanie Ramdarshan Bold, giảng dạy tại Đại học London, cho biết phụ nữ thích đọc sách của nhà văn nữ hơn. Một khảo sát của Goodreads cho thấy nữ giới chiếm 80% trong số độc giả của các nhà văn nữ.
Tuy vậy, thành công của các tác giả như Gillian Flynn, Paula Hawkins hay Karin Slaughter không đến chỉ vì họ là phụ nữ. Mà bởi các tác phẩm của họ được viết qua ống kính đậm tính nữ.
Những năm gần đây, một số nhà văn nam quyết định chọn một bút danh khác để có thể đánh tráo giới tính. Hành động này được cho là để giúp thúc đẩy doanh thu sách.
Theo nhà văn Martyn Waites (người từng dùng bút danh nữ là Tania Carver), trong khi tác giả nam viết tiểu thuyết hình sự tập trung vào mô tả vụ án, tác giả nữ khai thác tập trung vào cảm giác của nhân vật. Tuy nhiên, đổi bút danh “nữ tính” thôi chưa đủ, các nhà văn nam phải tìm cách để tiếp cận và hiểu được câu chuyện qua con mắt nữ giới.
Độc giả muốn những câu chuyện giàu cảm xúc
Độc giả ngày nay muốn một câu chuyện cho họ cảm xúc, hơn là những vụ án khô khan đơn thuần. Nỗi sợ được khai thác trong văn học nói riêng và nghệ thuật nói chung những năm gần đây cũng thay đổi nhiều.
Trong điện ảnh, các tác phẩm rùng rợn có xu hướng thiên về tâm lý nhiều hơn, các câu chuyện được nâng cấp, trở thành một ẩn dụ mang tính hiện sinh, khai phá những nỗi sợ mới, chứ không chỉ đơn giản là bạo lực và máu me.
Sau cái tên Gillian Flynn nổi đình đám đầu thập niên 2010, gần đây, thể loại văn học ly kỳ đã có đa dạng tác giả nữ như Lisa Gardner, Karin Slaughter, Megan Miranda và Mary Kubica.
Theo bài viết của Sydni Ellis đăng tải trên PopSugar, lý do cô đọc truyện ly kỳ của tác giả nữ là vì cô có thể kết nối với nhân vật trong trang sách sâu sắc hơn. Cô không cảm thấy sợ khi đọc những trang mô tả bạo lực, máu me, mà sợ cái ý nghĩ rằng một phụ nữ có thể bị tấn công tại một nơi công cộng, bởi chính một người được cộng đồng yêu mến.
Với Ellis, đó là kiểu cốt truyện gần với thực tế mà các nữ tác gia biết viết sao cho lay động được độc giả. Và đó cũng chính là lợi thế của các nhà văn nữ trong thể loại văn học này. Họ tiếp cận một tác phẩm ly kỳ rùng rợn qua lăng kính của người trực tiếp trải qua những nỗi bồn chồn, sợ hãi.
Theo nhà văn Karin Slaughter, bà không hứng thú với các nhân vật hoàn hảo, “bởi vì làm gì có ai như vậy tồn tại”. Vậy nên, bà thường viết về các nhân vật, tập trung vào các khuyết điểm định nghĩa nên con người họ. Ví dụ, với một nhân vật nữ chính thành đạt, tài năng, độc giả sẽ được tiếp cận góc tối của cô, những nỗi sợ thầm kín, những khao khát, bí mật. Lối khai thác này cũng áp dụng được với nhân vật phản diện. Và vì họ quá chân thật, họ đem lại nỗi sợ thật.
Trong email trao đổi với Ellis, Slaughter viết: “Cách dễ nhất để tôi nhập tâm vào một nhân vật phản diện là tôi nhớ về những lần mình bị ai đó sờ mó, bóp vú trên tàu điện, hay một bàn tay vuốt qua mông tôi trong thang máy. Tôi sẽ nghĩ về động lực thúc đẩy hắn ta làm điều đó, rồi liên tưởng tới động lực khiến một kẻ tự cho mình cái quyền được hiếp dâm, tra tấn, và sát hại một phụ nữ”.
Mặc dù trên các danh sách bán chạy, ta vẫn thấy nhiều tác giả nam, nhưng thời gian gần đây, công chúng và giới phê bình đang có cái nhìn thiện cảm hơn với tác giả nữ. Cho thấy một sự chuyển dịch trong gu đọc của độc giả, phản ánh bước chuyển mình của xã hội đương đại trong xu hướng trung tính hóa nghệ thuật nói riêng và văn hóa nói chung.
‘Ellie yêu dấu’ - câu chuyện về nỗi đau và sự hàn gắn
“Ellie yêu dấu” của Lisa Jewell đã bóc tách nội tâm phức tạp của con người khi đối diện nỗi đau.
Vụ biến mất của 'nữ hoàng trinh thám' vẫn chưa có lời giải
Cả Arthur Conan Doyle, Dorothy L. Sayers và hàng nghìn người đã tham gia việc tìm kiếm vụ mất tích của nữ tiểu thuyết gia Agatha Christie.
Tại sao trinh thám Việt từng bị coi là ba xu, rẻ tiền, thấp kém?
Theo Tiến sĩ Phạm Xuân Thạch, ngay từ khi mới xuất hiện, truyện trinh thám Việt đã bị coi là dòng văn học tiêu thụ, nặng tính giải trí.