Là diễn giả trong buổi tọa đàm “Đánh thức trinh thám Việt” (diễn ra ngày 25/11 tại phố sách Hà Nội), PGS. TS Phạm Xuân Thạch chia sẻ với Zing.vn về việc tái bản bộ sách Thám tử Kỳ Phát của Phạm Cao Củng, những vấn đề còn tồn tại của trinh thám Việt, vấn đề đặt ra cho người viết trinh thám hiện nay.
Vết rạn văn chương từ những năm 1930
- Lâu nay Phạm Cao Củng vẫn được coi là người viết truyện trinh thám đầu tiên của Việt Nam. Vậy bối cảnh nào khiến nhà văn cho ra đời series trinh thám Kỳ Phát?
- Những năm 1930, thị trường báo chí, xuất bản rất phát triển, phát đạt ở miền Bắc. Ở miền Nam những năm 1910-1920, văn học tiêu thụ lớn qua những tờ báo, sách khổ nhỏ; những bộ truyện Nguyễn Chánh Sắt, Lê Hoằng Mưu viết cả nghìn trang mà bán rất chạy.
Ở miền Bắc, phải đến cuối những năm 1920, các tác giả như Tản Đà mới đứng ra làm xuất bản. Thị trường xuất bản khi ấy chuyển dần từ nhà nước bảo hộ sang tư nhân. Đến những năm 1930 miền Bắc có tờ báo tư nhân, như Phong hóa, Ngày nay, Hà Nội báo, cùng các tờ của nhóm Tân Dân...
Khi những tờ báo thị trường ấy phát triển thì những tác phẩm gắn với thị trường mới phát triển. Truyện trinh thám di chuyển dần vào miền Bắc, nó tiếp thu kinh nghiệm thế giới, chuyên nghiệp hóa dần, bắt đầu có ý thức xây dựng công trình, ý thức xây dựng nhân vật, series.
Sự dịch chuyển ấy là tất yếu của văn học. Series sách của Phạm Cao Củng ra đời trong bối cảnh như vậy.
Bộ sách Thám tử Kỳ Phát của Phạm Cao Củng mới được tái bản. Ảnh: PM. |
- Tuy nhiên ở giai đoạn đó, văn học lãng mạn phát triển, bên cạnh đó là sự nở rộ của dòng văn học hiện thực phê phán. Vậy văn học trinh thám có gặp khó khăn gì trong việc chinh phục độc giả thời đó?
- Đó chính là vấn đề của văn học trinh thám nước ta. Khi trinh thám thâm nhập vào những khu vực có tính truyền thống lâu đời như miền Bắc thì nó vấp phải sự phân biệt.
Ở đó có những nhà văn luôn ý thức phải viết theo sứ mạng nào đó. Chính ý thức sứ mạng đã tạo ra sự chia rẽ giữa văn học dòng chính và văn học tiêu thụ lớn. Trinh thám rơi vào trạng thái tiêu thụ lớn. Từ đó dẫn tới những vết rạn nứt mà đến giờ văn học Việt Nam chưa hàn gắn được, chưa có nhà văn nào vượt qua được.
Ví dụ nhà văn viết văn học tiêu thụ, thì ý thức kỹ thuật không cao. Ý thức kỹ thuật là việc người sáng tạo chủ trương xây dựng kết cấu như nào, chia chương đoạn, chọn chi tiết ra sao, dựng một không khí, dựng nhân vật thế nào…
Ở dòng chính, nhà văn thuần túy đuổi theo những vấn đề, tư tưởng cao xa. Ngược lại, văn học tiêu thụ bị một ấn tượng rằng đó là văn học chỉ để giải trí. Nên ý thức gia tăng tính trí tuệ cho nó còn hạn chế.
Đọc trinh thám châu Âu từ cổ điển tới nay, ta thấy ý thức làm nghề của người viết trinh thám phương Tây rất mạnh. Tác giả châu Âu và Nhật luôn ý thức làm nghề, nên họ nâng cao vị thế của trinh thám.
Còn ở nước ta, ý thức làm nghề yếu. Anh dựng môt quyển truyện trinh thám, anh có biết miêu tả không. Anh có biết cách phân tích tâm lý nhân vật không, anh có biết tạo tiwst trong cốt truyện không, trong cách chia chương, làm chủ điểm nhìn hay không… Ý thức đó trong trinh thám Việt Nam là yếu.
Những vết rạn trong văn học trinh thám có ngay từ thuở đầu nó xuất hiện.
- Vết rạn đó thể hiện như thế nào trong lịch sử văn chương nước ta?
- Chúng tôi làm phê bình nên hay để ý tới những cuộc tranh luận, Cuộc tranh luận của nhóm Tự lực văn đoàn (là những người chuyên viết tiểu thuyết kỹ thuật cao), với những nhà văn thuộc nhóm Tân Dân (nhóm văn học tiêu thụ, vì Tân Dân có tờ Tiểu thuyết Thứ Năm, Tiểu thuyết thứ bảy, hệ thống xuất bản của họ xuất bản rất nhiều trinh thám, võ hiệp). Trong cuộc tranh luận đó, truyện trinh thám, võ hiệp luôn luôn bị coi là ba xu, thấp kém. Rạn nứt đó tới nay chưa giải quyết được, chưa thấy nhà văn nào vượt qua được.
Tôi vẫn nghĩ trinh thám rất khó viết. Trong bất cứ vụ án nào, sau khi điều tra tìm hung thủ, đến địa phương hỏi những người xung quanh, ai cũng bảo hung thủ X, hung thủ Y đó là người bình thường, nó hiền lắm, nó tốt, nó ngoan lắm.
Đó là “sự tầm thường của cái ác”, nên người viết trinh thám thế nào để cái ác hiện ra với khuôn mặt đời thường, có thế nó mới lẩn khuất trong đời sống của mình, mới khó. Điều đó đòi hỏi người viết phải có kỹ thuật như một nhà văn, chứ không phải biến kẻ thủ ác thành một con quỷ, người phá án thành một siêu nhân theo kiểu cường điệu hóa.
PGS. TS. Phạm Xuân Thạch cho rằng truyện trinh thám Việt bị xếp vào hàng văn học tiêu thụ. |
- Có ý kiến cho rằng tư duy của người Việt thiếu logic, mà văn học trinh thám đòi hỏi lý tính rất nhiều. Ông nghĩ sao về quan điểm này?
- Điều đó cũng đúng. Nhưng tôi đặt hy vọng vào thế hệ trẻ. Khi tôi đi tìm một lớp nhiếp ảnh, tôi nhận được rất nhiều thông tin về các khóa học. Tìm hiểu, tôi được biết bây giờ có nhiều bạn trẻ xem, follow những lớp học Master Calss kiểu đó, và họ học viết văn theo cách ấy, như tham gia lớp học của nhà văn trinh thám Mỹ James Patterson chẳng hạn.
Tôi nghĩ những người trẻ bắt đầy ý thức làm nghề là thế nào, không phải cảm hứng để chạy theo xúc cảm một cách trừu tượng, mà họ ý thức được việc làm nghề.
Tôi không biết cơ chế xuất bản có tạo điều kiện cho tác giả đủ khả năng “sống” được hay không. Nhưng giả sử có cơ chế tốt giữa người làm xuất bản và người viết, thì tôi tin thế hệ người viết trẻ đó, khi họ được tiếp xúc với thế giới, được biết cách nhà văn đã thành công làm nghề như thế nào, xây dựng một dự án sáng tác, cho tới tiếp thị tác phẩm, chăm sóc bản thảo… ra sao, thì tính chuyên nghiệp trong sáng tác của người trẻ tăng lên. Lúc ấy, trinh thám hoàn toàn có thể sống.
Phải có cơ chế, môi trường làm nghề để người viết làm nghề thật, không làm theo cảm hứng. Anh làm trinh thám cũng như biên kịch phim, phải viết dự án hai, ba tập một cách dài hơn, tính đến sức sống của nó sau tác phẩm.
Còn về tư duy, vốn dĩ giới viết văn Việt Nam thường ít lý tính. Nhưng nó không phải là điều bất biến. Trong thời đại này, mọi thứ được san phẳng, và tôi đã nhìn thấy sự thay đổi. Sự thay đổi cơ chế xã hội sẽ dẫn đến người viết thay đổi.
Đừng coi sự trở lại của Kỳ Phát là cú hích, hãy nhìn nó như bài học.
Viết văn chuyên nghiệp sẽ sống được bằng nghề
- Theo ông, sự trở lại của series Kỳ Phát có tạo ra cú hích cho trinh thám Việt?
- Tôi rất sợ nói đến những chuyện như vậy. Bởi ta không thể lường trước được chuyện gì sẽ xảy ra. Ai có thể ngờ được những tác phẩm lớn, khi xuất bản lại không có tiếng vang và ngược lại.
Bookmark in hình nhân vật thám tử Kỳ Phát (trái) và nhà văn Phạm Cao Củng (phải). Ảnh: PM. |
Tôi nghĩ khôi phục lại văn học trinh thám cũ sẽ tốt ở nhiều phương diện. Nhưng chúng ta nên nhìn nó như một bài học hơn là một tác động.
Chúng ta nhìn nó và đưa ra những câu hỏi để tìm bài học cho mình: Tại sao Phạm Cao Củng và các nhà văn thời đó làm được như vậy? Tại sao họ tạo ra được những nhân vật trinh thám, những series ăn khách, và chỉ làm được đến đấy rồi dừng lại?... Đó là những điều đáng để chúng ta suy ngẫm.
Việc in lại này có thể tạo ra cú hích ở chỗ, khi nhìn lại ta thấy hơn nửa thế kỷ trước người ta đã viết văn một cách rất chuyên nghiệp như vậy nên người ta sống được bằng nghề.
Mảnh đất của trinh thám luôn rộng mở, điều quan trọng là nhà văn có ý thức cao về nghề hay không. Điều đo tưởng là sáo, nhưng câu chuyện muôn đời luôn như thế.
Chân dung Phạm Cao Củng trên báo Loa năm 1935. Nhờ làm nghề chuyên nghiệp mà ông nuôi được gia đình bằng văn chương. |
- Sinh thời Phạm Cao Củng nói ông viết sách ba xu để nuôi vợ con. Vậy ông đánh giá như thế nào về chất lượng tác phẩm trinh thám Phạm Cao Củng?
- Nhiều khi lời của các nhà văn rất sốc, Nguyễn Du còn bảo ông viết Truyện Kiều chỉ để mua vui vài trống canh thôi. Phạm Cao Củng viết văn, dường như trong ông có mặc cảm thứ văn học ấy là văn học giải trí thôi, nhưng ông vẫn làm việc ấy nghiêm túc. Nếu không có sự đầu tư nghiêm túc về nghề, thì không thể tạo ra một series như thế được.
Tất nhiên về mặt cốt truyện, kỹ thuật, tác phẩm vẫn còn chỗ này chỗ kia… nhưng phải nhớ cả thời ấy văn học Việt Nam vẫn có những hạt sạn, nhưng họ đã nghiêm túc về nghề.
- Nhiều người đánh giá cao tính thuần Việt trong series Kỳ Phát, ông nghĩ sao?
- Tính Việt Nam ở đây là vừa phải, chấp nhận được. Một xã hội như Việt Nam chúng ta có xây dựng được những vụ án khủng khiếp như của phương Tây không? Ông Phạm Cao Củng rất ý thức chuyện đó, ông đã dựng nên vụ án đảm bảo tính ly kì, ghê rợn, nhưng nó vẫn quen thuộc với người Việt. Đó là thành công của Phạm Cao Củng.