Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tác giả 'Những kẻ mộng mơ' nói gì khi bị tố đạo tranh?

Nhiều ý kiến cho rằng tác giả Hồ Nhật Anh đạo phong cách của họa sĩ Thái Lan nên yêu cầu ngưng phát hành sách "Dreamers - Dại khờ & Mộng mơ".

Mới đây, khi fanpage Những kẻ mộng mơ đăng tải thông báo phát hành cuốn sách Dreamers - Dại khờ & Mộng mơ, trên mạng xã hội dấy lên ý kiến phản đối. Chuyện tương tự từng xảy ra vào dịp đầu năm. Khi ấy, cuốn sách cũng vấp phải chỉ trích. Công ty truyện tranh Comicola sau đó ngưng phát hành tác phẩm.

Tới cuối tháng 5, fanpage Những kẻ mộng mơ thông báo sách sẽ sớm ra mắt kèm link đặt trước tác phẩm. Lập tức, một số ý kiến cho rằng tranh trên Những kẻ mộng mơ quá giống tác phẩm của Sundae Kids - một trang Facebook đăng tải truyện tranh của họa sĩ Thái Lan.

Nhung ke mong mo co dao tranh? anh 1
Hình ảnh về sách Dreamers - Dại khờ & Mộng mơ trên fanpage Những kẻ mộng mơ.

Một số ý kiến trên mạng chỉ ra những bức tranh giống nhau giữa Những kẻ mộng mơSundae Kids và kết luận tác giả này đạo cả tranh.

Hồ Nhật Anh - tác giả fanpage Những kẻ mộng mơ - thừa nhận “ngay từ đầu tôi được truyền cảm hứng từ Sundae Kids”. Khi làm sách, tác giả cũng viết rõ ở trang đầu tiên rằng mình học hỏi phong cách.

Với những ý kiến cho rằng Những kẻ mộng mơ đạo phong cách trang Sundae Kids, Hồ Nhật Anh coi đó là học hỏi, không phải “đạo”. “Như các họa sĩ truyện tranh khác sử dụng nét vẽ học tập từ manga, manhwa, thì tôi học tập từ Sundae Kids. Phong cách của Sundae Kids rất đơn giản, cũng là học tập từ style truyện tranh ngày xưa như Tintin: sử dụng nét run, mắt chỉ cách điệu thành một dấu chấm. Cũng như một số bạn là họa sĩ vẽ theo style chibi, thì tôi học theo style của Sundae Kids. Nên tôi thấy điều đó là hoàn toàn bình thường”, Hồ Nhật Anh lý giải.

Trước một số bức tranh trên fanpage Những kẻ mộng mơ giống với các tranh của Sundae Kids về nội dung (bị một số ý kiến trên mạng xã hội coi là đạo tranh), Hồ Nhật Anh thừa nhận từng sao chép tranh trên trang Sundae Kids trong những ngày đầu mới lập page: “Lúc đó, tôi lập chỉ để tạo một nơi dành riêng cho bản thân mình. Điểm sai của tôi là không ghi credit từ Sundae Kids, tôi đã không nhận thức được tầm quan trọng của chuyện đó”.

Nhung ke mong mo co dao tranh? anh 2
Tranh trên page Những kẻ mộng mơ (trái) và tranh trên page Sundae Kids.

Chủ nhân fanpage Những kẻ mộng mơ lập luận khi anh vẽ tranh đăng trên Facebook chỉ dừng lại ở việc sản xuất nội dung, anh chỉ sai ở chỗ không ghi nguồn. Còn nếu tranh đó mang đi sử dụng sang mục đích thương mại thì mới là vi phạm bản quyền.

“Tôi luôn làm đúng luật”, Hồ Nhật Anh nói. Anh cho rằng một tác phẩm khi ra đời sẽ có bản quyền ngay lập tức, nhưng một phong cách là sự trau dồi và công sức của nhiều thế hệ tạo thành. Vì thế không thể quy cho ai đã vi phạm bản quyền phong cách.

Hồ Nhật Anh nói thêm khi in sách Dreamers - Dại khờ & Mộng mơ, anh vẫn sử dụng phong cách như tranh đăng trên fanpage, nhưng không sử dụng các tranh đã chép của Sundae Kids.

“Tôi sai vì chép tranh đưa lên mạng xã hội mà không ghi nguồn, nhưng không có nghĩa cả quá trình và công sức của tôi đều sai", Hồ Nhật Anh nói. 


Tần Tần

Bạn có thể quan tâm