Giữa sự tranh cãi dữ dội, có người bày tỏ sự ghê tởm, có người ngợi khen, nhưng trong hầu hết trường hợp, những tác giả của các văn phẩm này ít nhiều bị ô danh.
Ulysses của James Joyce
Bìa sách Ulysses. |
Tác phẩm của Joyce đã được xuất bản vào thời điểm mà nghệ thuật bị kiểm duyệt khắt khe và những nghệ sĩ có thể bị trừng phạt vì những "lời lẽ khiêu dâm”. Khi còn chưa được xuất bản, một số đoạn trích của Ulysses đã xuất hiện trên vài tạp chí văn chương khiến cuốn sách bị cấm ở Anh cho đến năm 1930.
Bưu điện Mỹ thẳng tay đốt bất kỳ bản Ulysses nào mà họ tìm thấy. Cuối cùng, vào năm 1933, “vụ án” Ulysses được xét lại và tòa án phán quyết vì cuốn sách này không phải là văn hóa phẩm đồi trụy, nên nó không thể bị cấm. Trong một bài đánh giá, nhà thơ, nhà viết kịch, nhà phê bình văn học Anh gốc Mỹ đoạt giải Nobel văn học năm 1948 T.S. Eliot đã viết “Ulysses là một cuốn sách mà tất cả chúng ta đều mắc nợ, một món nợ mà không ai trong chúng ta có thể thoát".
Cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn của Mark Twain
Cuốn sách của Mark Twain đã gặp nhiều chỉ trích khi xuất bản lần đầu tiên vào năm 1885 và kéo theo nhiều cuộc tranh cãi diễn ra dưới các hình thức khác nhau kể từ đó... Mark Twain bị buộc tội sử dụng các khuôn mẫu phân biệt chủng tộc để thể hiện nhân vật Jim, nô lệ của gia đình Huck. Độc giả phản ứng với việc Twain sử dụng thường xuyên những từ ám chỉ xúc phạm người da đen. Tuy nhiên, nhiều độc giả lập luận rằng Những cuộc phiêu lưu của Huckleberry Finn là một sản phẩm văn hóa phản ánh hiệu quả bầu không khí xã hội thời đó.
Những kẻ thiện tâm của Jonathan Littell
Những kẻ thiện tâm được nhà văn Mỹ Jonathan Littell viết bằng tiếng Pháp với tên Les Bienveillantes. Cuốn tiểu thuyết lấy bối cảnh thời thế chiến II, chọn điểm nhìn từ một sĩ quan SS của Đức Quốc xã. Tác phẩm được trao giải Prix Goncourt, một trong những giải thưởng văn chương danh giá nhất nước Pháp, vào năm 2006.
Phiên bản tiếng Anh của Những kẻ thiện tâm. |
Ở thời điểm đó, cuốn sách được dịch sang tiếng Anh và tiếng Đức. Ở Đức, cuốn sách hầu như nhận toàn những phê bình tiêu cực, bị coi là một văn phẩm “quái đản và gớm ghiếc”. Littell bị kết tội là “một nhà văn khiêu dâm bạo lực”.
Ở Mỹ, Những kẻ thiện tâm đã nhận được phản ứng tương tự. Nhà phê bình Ruth Franklin gọi đó là “một trong những cuốn sách đáng ghét nhất” mà ông từng đọc. Một nhà phê bình người Mỹ khác bất đồng với quan điểm này, nói rằng cuốn sách lột tả trung thành về cái ác. Nhà sử học người Anh Antony Beevor khẳng định đây là một trong năm cuốn sách hàng đầu của dòng tiểu thuyết về thế chiến II.
Chí tuyến Bắc (Tropic of Cancer) của Henry Miller
Cuốn tiểu thuyết bán tự truyện của Henry Miller về những vụ phiêu lưu phóng túng của tác giả ở Paris và ngôn ngữ thô tục được sử dụng đã biến nó trở thành cuốn sách bị cấm ở Mỹ. Ngay sau khi xuất bản lần đầu tiên ở Pháp vào năm 1934, cuốn sách này cũng bị cho dừng.
Cuối cùng, khi cuốn tiểu thuyết được xuất bản vào năm 1961 bởi nhà Grove Press, 60 vụ cáo buộc chống lại cuốn sách ở 21 tiểu bang khác nhau đã nổ ra tại Mỹ. Thẩm phán tòa án tối cao Pennsylvania Michael Musmanno đã viết: “Đó không phải là một cuốn sách. Đó là một mớ bẩn thỉu, ô uế, đồi bại, một hỗn hợp lổn nhổn của tất cả những gì bị thối rữa trong sự suy đồi của con người".
Các cuộc tranh cãi về cuốn sách vẫn tiếp diễn, đặc biệt với những người không thể chấp nhận miêu tả cay đắng của Miller về giới nữ.
Bắt trẻ đồng xanh của J.D. Salinger
Theo Hiệp hội Ngôn ngữ Hiện đại, Bắt trẻ đồng xanh của J.D. Salinger là cuốn sách bị thử thách nhất ở Mỹ từ năm 1963 đến tận 1982. Bắt trẻ đồng xanh bị chỉ trích vì dùng ngôn ngữ thô tục, diễn tả tâm trạng của một sinh viên hời hợt, nông cạn, buồn chán.
Không chỉ thế, câu chuyện về những tội phạm và thủ phạm của các thảm sát học đường (bao gồm cả Mark David Chapman, kẻ gây ra cái chết của huyền thoại âm nhạc John Lennon) được trích trong cuốn sách như là những nguồn ảnh hưởng đã khiến cho Bắt trẻ đồng xanh nằm trong danh sách đen của những thư viện trường học tới tận những năm gần đây.
Sách Bắt trẻ đồng xanh. |
Người tình của phu nhân Chatterley (Lady Chatterley's Lover) của D.H. Lawrence
Giống như Ulysses và Tropic of Cancer, tiểu thuyết của D.H. Lawrence xoay quanh một người phụ nữ dòng dõi quý tộc có quan hệ với người thợ làm vườn. Do vậy, khi xuất bản, tác phẩm bị dán nhãn “dâm loạn”.
Sách Lady Chatterley's Lover. |
Vào đầu thế kỉ XX, cách mô tả tình dục thẳng thừng trong cuốn sách rất táo tạo. Một thượng nghị sĩ Mỹ đã thốt lên rằng: "Tôi không thể đọc nổi cuốn sách này 10 phút, chỉ nhìn những trang mở đầu là đủ. Thực sự đáng ghê tởm! Nó được viết bởi một người đàn ông tinh thần bệnh hoạn, linh hồn u tối đến độ ông ta có thể che khuất cả bóng tối của địa ngục".
Vì những rắc rối pháp lý, cuốn tiểu thuyết đã được xuất bản dưới những hình thức bị kiểm duyệt khắt khe và rút ngắn trong nhiều năm.
Mới đây, cuốn sách đã được giới làm phim Anh chuyển thể lên màn ảnh, tuy nhiên, cảnh nóng đã được tiết chế để không gây tranh cãi dữ dội như khi còn nằm trên sách.