Bernhard Schlink được bạn đọc thế giới biết đến qua tiểu thuyết Người đọc. Tác phẩm đã được chuyển thể điện ảnh (The Reader), mang về tượng vàng nữ diễn viên chính Oscar cho Kate Winslet năm 2009.
9 màu chia ly là tác phẩm mới nhất của Bernhard Schlink xuất bản tiếng Việt. Trong khuôn khổ chương trình Những ngày văn học châu Âu, dịch giả Lê Quang, nhà phê bình văn học Phạm Xuân Nguyên, biên tập viên Trần Linh trò chuyện về tác phẩm. Chương trình diễn ra tối 11/5 tại Hà Nội, kết nối với dịch giả Lê Quang từ Đức.
Sách 9 màu chia ly. Ảnh: NN. |
Chia ly không chỉ có đớn đau
Theo nhà phê bình Phạm Xuân Nguyên, 9 màu chia ly là cuốn sách của những hoài niệm, sự nhìn lại. Các nhân vật nhìn lại những chuyện đã qua trong đời với nuối tiếc, hoài cảm.
Ở truyện đầu tiên, Trí tuệ nhân tạo, một người đàn ông nghĩ về sai lầm của mình khi “bán” bạn thân cho mật vụ. Với lý do gì, đức tin, lý tưởng hay nhân danh lòng vị tha, đó vẫn là hành động phản bội.
Ở những truyện khác đều là chuyện tình, nhân vật chính thường là đàn ông, nhớ lại những người phụ nữ đi qua đời mình, chất vấn ứng xử của mình…
Ở Nhạc chị em, nhân vật trốn chạy tình đầu cay đắng mà không chủ động chia ly, để rồi nhiều năm sau phải trở về hoàn tất cuộc chia ly đó. Trong Bùa hộ mệnh, người phụ nữ cố gắng chia ly với nỗi oán hận người chồng; trước đó người chồng bỏ vợ vì người phụ nữ khác.
Truyện Picnic với Anna kể về một người đàn ông đem lòng yêu một cô gái trẻ. Tác phẩm gợi nhớ tới Lolita, cũng kết thúc bằng sự chia ly, một câu hỏi về tội lỗi.
Trong Đồi mồi, người đàn ông tổ chức tiệc sinh nhật lần thứ 70 để chứng minh mình không sợ tuổi già; để gặp lại những người của quá khứ và để chia ly với những đoạn đời đã qua.
Mỗi câu chuyện trong sách là một sắc màu chia ly: Chia ly những người yêu, người thân; chia ly với những đoạn đời; chia ly với những hy vọng…
Những cuộc chia ly luôn gây đau đớn; nhưng nó cũng giải thoát cho con người. Những cuộc chia ly còn là một bước mà ta hòa giải với chính mình.
“Những sắc màu chia ly ấy đều ở gam trầm, ngả về tiết thu chứ không phải xuân hè rực rỡ, phủ lên trên những niềm tin và phản bội, hổ thẹn và tội lỗi, những khát khao sâu kín, những nuối tiếc khôn nguôi”, dịch giả Lê Quang đánh giá.
Biên tập viên Trần Linh cho rằng các truyện ngắn trong sách có thể chia thành hai nhóm. Nhóm thứ nhất là những truyện kịch tính, đậm chất trinh thám; nhóm thứ hai thiên về suy tưởng, được kể bằng giọng văn điềm tĩnh, giản dị.
Dù thuộc nhóm nào, tác giả cũng thường chọn cái kết mở, không kết luận rốt ráo. Người viết chỉ gợi ra những phương án để mỗi người đọc, tùy theo xúc cảm và nhận thức, có thể đưa ra cái kết của riêng mình.
Bạn đọc trẻ tham gia tọa đàm về Bernhard Schlink. Ảnh: N.N. |
Ngòi bút chặt chẽ của một luật gia
Thông tin từ đơn vị phát hành, thông thường một tác phẩm sẽ do nhà sách mua bản quyền về rồi tìm dịch giả chuyển ngữ. Nhưng các tác phẩm của Bernhard Schlink là trường hợp khác, khi dịch giả chuyển ngữ rồi giới thiệu tới nhà sách.
Lê Quang là biên, phiên dịch tiếng Đức kỳ cựu hiện nay. Ông cũng chuyển ngữ khoảng 50 cuốn sách, trong đó có nhiều tác phẩm của Bernhard Schlink.
Dịch giả Lê Quang nói khi sang Đức học, như bao sinh viên “đi làm thuê kiếm cơm” khác, ông dịch thuật cho các tòa án, cơ quan công chứng tại Đức. Điều đó khiến ông yêu ngôn ngữ chuẩn xác của ngành luật.
Bernhard Schlink (sinh năm 1944) là giáo sư luật và là thẩm phán tòa án hiến pháp cấp bang. Từ năm 1955, ông sáng tác văn chương. Tác phẩm của ông có sự chặt chẽ của một luật gia làm nền móng, cấu trúc. Điều đó khiến dịch giả Lê Quang yêu thích, thậm chí say mê tác phẩm của Bernhard Schlink.
Không chỉ chuyển ngữ, dịch giả Lê Quang từng có 8 ngày theo chân Bernhard Schlink khi ông tới Việt Nam giảng dạy về luật.
Với người dịch, tác giả Người đọc là cây bút có văn phong chặt chẽ của một luật gia. “Bernhard viết cuốn nào cũng như cuốn cuối cùng, nên dốc hết tâm sức để viết. Một người có bút lực tuyệt vời. Độc giả không có gu ướt át, ủy mị, thích sự khô lạnh thì Bernhard Schlink là một tác giả lý tưởng”, dịch giả Lê Quang nói.
Khi 9 màu chia ly chuẩn bị xuất bản tiếng Việt, nhà văn Bernhard Schlink viết tay lời cảm ơn tới bạn đọc và dịch giả: “Thật tuyệt khi tôi cũng được đọc ở Việt Nam. Tôi cảm ơn Lê Quang qua bản dịch hay đã đưa tôi lại gần với độc giả Việt Nam”.