Khi đọc Harry Potter, ngoài nhân vật chính, bạn đọc cũng rất yêu mến Hermione Granger - cô bé thông minh, nhanh trí.
Tác giả J. K. Rowling từng nói bà xây dựng nhân vật Hermione dựa vào bản thân mình những năm cuối trung học - một học sinh thông minh, nhanh nhẹn, từng được bầu làm “Thủ lĩnh Nữ sinh”.
Công việc của J. K. Rowling khi đó là mỗi lần quan chức đến trường, Rowling dẫn họ đi tham quan. Bà cũng phụ trách việc tổ chức các buổi sinh hoạt toàn trường.
Nhưng để đến được giai đoạn tự tin, hoạt bát ấy, J. K. Rowling đã phải trải qua những ngày đi học khó khăn, đối diện với nạn bắt nạt học đường.
Câu chuyện đi học và tuổi thơ của J. K. Rowling được kể trong cuốn Thời thơ ấu của các đại văn hào (tác giả: David Stabler, minh họa: Doogie Horner, Nguyên Hương dịch).
J. K. Rowling và sách Harry Potter. Ảnh: Reuters. |
Cô học sinh rụt rè, bị bắt nạt
Khi Rowling 9 tuổi, gia đình cô bé chuyển đến ở tại thị trấn Tutshill, thuộc hạt Gloucestershire, Anh. Nhập trường tiểu học, cô bé Rowling hiểu làm học sinh mới không bao giờ là dễ dàng.
Ngày đầu đi học, Rowling gặp giáo viên mới, cô Morgan, một phụ nữ nghiêm nghị. Cô giáo lập tức phát cho Rowling một bài kiểm tra số học (Toán là môn Rowling học kém nhất). Các câu hỏi trong bài kiểm tra toàn là những phần mà Rowling chưa được học. Cô bé đã nhận điểm 0.
Cô Morgan chỉ Rowling đến ngồi ở tít dãy bàn góc phải. Không lâu sau, Rowling phát hiện đó là “dãy học dốt”, nơi những học sinh học kém nhất lớp ngồi. Học sinh được cho là giỏi thì ngồi ở bên trái.
Rowling ngồi tít góc phải, sát sân chơi. Cô bé đã học tập chăm chỉ và cuối cùng được chuyển sang ngồi ở dãy trái.
Khi học cấp hai, Rowling tiếp tục gặp những khó khăn trong việc hòa nhập với trường lớp. Tác giả Harry Potter từng miêu tả bản thân khi ấy: “Ít nói, đầy tàn nhang, cận nặng, chơi thể thao dở tệ”. Đến trường trung học Wyedean, Rowling đã gặp nạn bắt nạt học đường.
Rowling không gây sự, khi bị bạn học đánh, cô liền lùi bước. Suốt mấy ngày, bạn học ngạc nhiên vì Rowling bị đánh như vậy mà cô luôn đứng vững.
Sự thật là, mỗi lần bị đánh, Rowling lại lùi về phía sau, tủ đựng đồ luôn đỡ cô đứng thẳng. Cô trở thành một “bao cát sống”. Mấy tuần sau, Rowling luôn phải nhìn trước ngó sau, tránh kẻ bắt nạt đang chờ chực sẵn ở góc nào đó mai phục.
Cuối cùng, Rowling đã tìm được cách để mình cảm thấy ổn hơn. Cô viết về những nhân vật nữ mạnh mẽ chống lại kẻ xấu. Cô kết bạn với những học sinh ít nói, nhút nhát khác. Cả nhóm sẽ cùng ăn trưa và kể những câu chuyện anh hùng, quả cảm mà ngoài đời họ không dám làm.
Càng lớn hơn, Rowling càng bớt trầm lặng và rụt rè. Cô đạt thành tích cao ở môn Văn và Ngoại ngữ. Ngược lại, các môn Toán và Khoa học vẫn là thách thức với Rowling, giáo viên Hóa học nói về cô là “một kẻ mơ mộng không bao giờ trả lời câu hỏi về khoa học và ghét tham gia thí nghiệm”.
Cho đến năm cuối cấp hai, Rowling được nhìn nhận là một trong những học sinh thông minh, tài năng nhất trường. Nhờ đó, các giáo viên bầu cô thành Thủ lĩnh Nữ sinh.
Sách Thời thơ ấu của các đại văn hào. Ảnh: Y. N. |
Năng khiếu kể chuyện từ nhỏ
Không chỉ kể chuyện trường lớp, sách Thời thơ ấu của các đại văn hào còn tiết lộ về cuộc sống gia đình, những năm thơ bé của tác giả Harry Potter.
Cha của J. K. Rowling là Peter Rowling - kỹ sư làm việc ở một nhà máy sản xuất máy bay; mẹ là Ann, làm việc trong một phòng thí nghiệm. Cha mẹ đọc sách cho con gái nghe khi Rowling còn rất nhỏ. Trong đó, cuốn Gió qua rặng liễu mà ông Peter Rowling đọc đã để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng cô bé Joanne Rowling.
J. K. Rowling có một cô em gái kém mình gần hai tuổi, tên là Dianne. Tên thân mật của hai chị em là Jo (Joanne) và Di (Dianne). Hai chị em gắn bó với nhau suốt thời thơ ấu. Trò chơi yêu thích của họ là nghĩ ra những câu chuyện về thỏ.
Rowling tưởng tượng ra những câu chuyện kỳ ảo rồi kể to cho em gái nghe. Jo còn kể câu chuyện về việc Di bị ngã xuống một cái hang thỏ, được gia đình thỏ sống trong đó cho ăn dâu tây.
Em gái thích mê những câu chuyện chị kể, thường nài nỉ chị gái kể đi kể lại. Jo bắt đầu viết lại các truyện kể của mình để ghi nhớ. Câu chuyện đầu tiên Jo viết lên giấy kể về một chú thỏ bị lên sởi, được bạn bè đến thăm, trong đó có một con ong khổng lồ.
Bảy tuổi, Rowling viết truyện phiêu lưu Bảy viên kim cương bị nguyền rủa. Cô bắt đầu nghĩ sau này mình muốn trở thành nhà văn và ấp ủ giấc mơ ấy.
Hai chị em Jo và Di cũng kết thân với đôi anh em cùng trang lứa sống gần nhà. Họ thích thú chơi trò cải trang thành phù thủy.
Một trong những người bạn thường đeo kính không độ cùng áo khoác dài của bố để đóng giả pháp sư. Cô bé Jo thường nghĩ ra những câu thần chú, thuốc phép thuật.
Những kỷ niệm tuổi thơ đã lưu dấu trong tâm trí Rowling, trở thành những chi tiết trong Harry Potter.