"20 năm đã qua chắc chắn là thời gian đầy thử thách, bủa vây với đầy rẫy những sai lầm và bi kịch, nhưng một điều không thể phủ nhận là đã có nhiều tiến bộ ở Afghanistan", tác giả Hosseini trả lời BBC hôm 16/8
"Những tiến bộ và thành tựu" được nhà văn Hosseini đề cập tới bao gồm sự xuất hiện của phụ nữ tại các cơ quan chính phủ như quốc hội, cảnh sát. Phụ nữ đã trở thành một phần của lực lượng lao động. Trẻ em gái một lần nữa được đến trường, điều đã bị Taliban tước đoạt khi nhóm này giành chính quyền giai đoạn 1996-2001.
"Giờ đây, tất cả những tiến bộ ấy có nguy cơ tan tành mây khói, chẳng ai biết những gì đã đạt được có thể tồn tại hay không", ông Hosseini nói.
Tiểu thuyết gia Khaled Hosseini trò chuyện với người dân một bộ lạc ở Afghanistan. Ảnh: Elena Seibert. |
Tiểu thuyết gia sinh ra và lớn lên ở Afghanistan nói rằng chính quyền Tổng thống Joe Biden đã không thể đưa ra "một tuyên bố cảm thông với hàng triệu người Afghanistan, những người mà Mỹ đã gọi là đối tác suốt 20 năm qua".
"Giờ đây khi Mỹ đã bỏ đi, những người Afghanistan ở lại sẽ phải tự bảo vệ bản thân và đối mặt một thực tế không thể tránh khỏi, đó là một lần nữa sống dưới chế độ đã cho thấy sự bạo tàn cùng cực khi Taliban nắm quyền cuối thập niên 1990", ông Hossei nói.
Với việc nhanh chóng rút quân dẫn đến sự sụp đổ của chính quyền Afghanistan, Tổng thống Biden đã không thể giải thích "di sản" của cuộc chiến 20 năm qua là gì, ông Hosseini chỉ trích.
Đối với lực lượng an ninh Afghanistan, đội quân đã nhanh chóng tan vỡ và tháo chạy thay vì phản kháng khi Taliban càn quét khắp đất nước, ông Hosseini nói mình "không đồng tình nhưng thấu hiểu họ".
"Với một chính phủ tham nhũng tràn lan, không có khả năng cung cấp các dịch vụ cơ bản, và quan trọng nhất là thất bại trong bảo vệ thường dân trước các nhóm như Taliban, tính chính danh của chính quyền Afghanistan đã tiêu tan trong mắt nhiều người dân", ông Hosseini bình luận.
"Bởi vậy, khi quân đội Afghanistan đối mặt cuộc tấn công của một đội quân mạnh mẽ như Taliban, trong bối cảnh họ không được trả lương, trang bị yếu kém, không có đồ ăn, và chẳng có một cấu trúc nhà nước rõ ràng nào chỉ huy, không có gì ngạc nhiên khi họ bỏ chạy để tự cứu lấy bản thân", ông Hosseini nói.