Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Tác giả bài ‘Chùa Hương’ và mối tình với mỹ nhân nức tiếng Hà thành

Bên cạnh mối tình đơn phương với giai nhân áo đen Đỗ Thị Bính, tác giả bài “Chùa Hương” còn có một chuyện tình buồn với một cô gái áo đen bí ẩn khác.

Hà Thành tứ mỹ nhân, giai nhân Đỗ Thị Bính (người mặc áo dài màu đen, hàng ngồi). Ảnh tư liệu.

Tuy chỉ sống ở cõi tạm 24 năm, nhưng Nguyễn Nhược Pháp (1914-1938) đã để lại cho đời một khối lượng tác phẩm với nhiều thể loại khác nhau, qua đó khẳng định một tài năng phát lộ từ rất sớm.

Cũng giống như người cha là học giả Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Nhược Pháp là một người rất mực tài hoa và đào hoa. Bởi thế, trong các sáng tác của nhà thơ luôn phảng phất hình ảnh của một giai nhân (cô gái mặc áo đen) đầy mộng mị.

Ha Thanh tu my nhan anh 1
Nhà thơ Nguyễn Nhược Pháp. Ảnh: tư liệu.

Trong sách 35 chuyện tình nghệ sĩ (NXB Trẻ, 2017), tác giả Hà Đình Nguyên, cây bút chuyên viết về chuyện riêng tư của nghệ sĩ đã xác định người con gái áo đen ấy chính là giai nhân thứ 2 trong “Hà Thành tứ mỹ nhân”: Giai nhân ĐỗThị Bính ở phố Hàng Đẫy.

Thuở ấy, Hà Nội 4 người đẹp tuyệt trần, người đời xưng tụng là “Hà Thành tứ mỹ nhân” gồm: cô Phượng Hàng Ngang, Cô Bính Hàng Đẫy, cô Síu Cột Cờ và cô Nga Hàng Gai. Cô Bính Hàng Đẫy được cho là “bóng hồng”, hay người yêu trong mộng tưởng của thi sĩ Nguyễn Nhược Pháp.

Đỗ Thị Bính sinh năm 1915 là con đầu trong 3 người con của bà vợ lẽ của ông Đỗ Lợi, nhà tư sản thầu khoán lớn nhất Hà Thành khi đó. Với tư chất thông minh và sự ham học, cô Bính vừa thông thạo tiếng Pháp lại có thể chơi được đàn thập lục hay dương cầm.

Cô có khuôn mặt trái xoan thanh tú, tính tình lại đằm thắm. giản dị. Cô thường mặc áo dài đen làm nổi bật làn da trắng ngần nên người ta thường gọi là “giai nhân áo đen”. Hình ảnh của cô Bính luôn thấp thoáng trong các bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp, nhất là các bài trong tập thơ “Ngày xưa” cũng đủ để hình dung chân dung Đỗ Thị Bính (Đi chùa Hương, Tay ngà, Sơn Tinh, Thủy Tinh…).

Ha Thanh tu my nhan anh 2
Hà Thành tứ mỹ nhân, giai nhân Đỗ Thị Bính (người mặc áo dài màu đen, hàng ngồi). Ảnh tư liệu.

Nhiều tư liệu cho rằng Nguyễn Nhược Pháp có vóc người nhỏ bé thư sinh, tính tình dù rất năng động nhưng đứng trước phái nữ lại hay rụt rè, bẽn lẽn… Anh yêu cô Bính mà không dám nói, chỉ đem nỗi lòng trang trải vào thơ.

Dạo ấy, Nguyễn Nhược Pháp làm tại tòa báo L’Annam nouveau, gần nhà ông Đỗ Lợi, nên ngày nào chàng thi sỹ cũng kiếm cớ đi lại trước ngôi nhà của nhà tư sản thầu khoán để mong có cơ hội chiêm ngưỡng người đẹp. Mối tình đơn phương này cả 2 gia đình đều biết, nhưng với gia đình cô Bính thì… đã có quá nhiều “cây si” đem đến trồng trước cổng rồi nên thêm một nhà thơ trẻ “thả thơ” trước ngõ cũng là chuyện thường tình.

Chỉ đến khi căn bệnh lao quái ác cướp đi sinh mệnh của chàng trai tài hoa mới 24 tuổi (1938), thì họ mới giở lại tập thơ “Ngày xưa”, rồi nhận ra rằng Nguyễn Nhược Pháp đã dành cho cô Bính những bài thơ trong trẻo, lung linh như cổ tích, thần thoại mà giờ đây chỉ còn di cảo.

Sau khi Nguyễn Nhược Pháp mất được một năm, cô Bính lập gia đình với một chàng trai du học bên Pháp về. Đó là Bùi Tường Viên, một trong những kỹ sư đầu tiên của Việt Nam.

Bên cạnh mối tình đơn phương với giai nhân áo đen Đỗ Thị Bính, tác giả của bài thơ “Chùa Hương” còn có một chuyện tình buồn với một người con gái áo đen bí ẩn khác.

Trong cuốn Văn thi sĩ tiền chiến (NXB Văn học, 2007), nhà thơ Nguyễn Vỹ (1912-1971), bạn rất thân của Nguyễn Nhược Pháp kể lại rằng, trong một chuyến đi chơi xa bằng tàu hỏa từ Hà Nội lên Yên Bái, Nguyễn Nhược Pháp đã phải lòng cô gái mặc bộ áo dài đen ngồi ở hàng ghế đối diện. Hôm từ Yên Bái trở về, số phận run rủi lại cho Nguyễn Nhược Pháp đi cùng tàu hỏa với cô gái áo đen đó. Sau đó, chàng thi sĩ đã đeo đuổi cô gái đó có đến cả năm trời. Chàng đã kiên nhẫn, say sưa tìm cho được chỗ ở của nàng, làm quen rồi thân với nàng. Nàng là con của một giai đình trưởng giả ở Hà Nội. Năm ấy nàng 22 tuổi, nét mặt rất hiền lành, cử chỉ ngôn ngữ rất dịu dàng thùy mị.

Ha Thanh tu my nhan anh 3
Giai nhân Đỗ Thị Bính, bóng hồng trong nhiều bài thơ của Nguyễn Nhược Pháp. Ảnh: tư liệu.

Nhưng cũng thật lạ lùng, nàng đã cương quyết từ chối dứt khoát tình cảm nồng nàn của thi sĩ. Tuy nhiên nàng vẫn thích thơ và tư cách cao thượng của chàng. Là người duy nhất được làm quen với nàng, nhưng tình cảm của chàng luôn nằm trong thế tuyệt vọng.

Một ngày nọ, Nguyễn Nhược Pháp liều lĩnh viết lá thư mời cô gái đến để trò chuyện tại nơi ở riêng của Nguyễn Vỹ. Chàng thi sĩ đau khổ, quyết định một lần nữa, dồn tất cả sự liều lĩnh, sẽ nói thẳng lời cầu hôn với nàng. Chàng bấm bụng, đây là lần cuối cùng mình bày tỏ.

Khi gặp nhau, cô gái lặng lẽ nhìn chàng, rồi gục đầu xuống vai, vừa thổn thức, vừa nức nở khóc, và xin chàng tha lỗi... vì em không thể yêu anh được, dù anh là người duy nhất em yêu!

Nói xong, cô vụt chạy khi nước mắt vẫn rơi, mà vẫn không quên chào vĩnh biệt Nguyễn Nhược Pháp.

Ngay ngày hôm sau, báo đưa tin một thiếu nữ mặc áo đen, quần đen tự tử trên hồ Trúc Bạch, thi thể được vớt đã chở vào nhà thương Phủ Doãn. Như có linh cảm, Nguyễn Nhược Pháp rủ Nguyễn Vỹ cùng đến bệnh viện.

Nguyễn Nhược Pháp được phép vào nhận mặt nạn nhân, khi chàng quay ra, khuôn mặt chàng thất thần, với sự hoang mang đến tột độ, vì không hiểu tại sao giai nhân lại từ chối lời tỏ tình của mình, và bỏ chạy bằng việc nhảy xuống hồ quyên sinh.

Mấy tháng sau, Nguyễn Nhược Pháp cũng từ biệt cuộc đời tài hoa của mình, mang theo bao nỗi day dứt về trần thế, trong đó có cả mối tình với cô gái áo đen bí ẩn ngày nào.




Vi sao phu nu can di lam? hinh anh

Vì sao phụ nữ cần đi làm?

0

Ở góc độ xã hội: Một tập thể có sự đa dạng về giới, tức là nếu có thêm phụ nữ, thì sẽ giúp tập thể đó có được nhiều góc nhìn đa chiều hơn.

Minh Châu

Bạn có thể quan tâm