Bước sang tuổi 65, ông Nick Ut nói ông đã muốn nghỉ hưu. "Tôi đã chuyển tất cả các máy ảnh mà tôi dùng ở AP đến New York. Sau 51 năm, tôi đang có rất nhiều thời gian nghỉ ngơi trước khi nghỉ hưu", ông nói với tạp chí News Photographer.
Tuy nhiên, nhiếp ảnh gia kỳ cựu khẳng định, ông chỉ nghỉ hưu ở AP, chứ không nghỉ hưu với nghề nhiếp ảnh. "Tôi đã lên kế hoạch đi thật nhiều nơi, bất kỳ đâu, mở những lớp tập huấn".
Phóng viên ảnh Nick Ut bên bức ảnh Em bé Napalm đoạt giải Pulitzer. Ảnh: Vice |
Nick Ut nói ông rất yêu quý cơ quan mà ông đã gắn bó nhiều thập kỷ là hãng thông tấn AP. "Họ đã trở thành gia đình của tôi từ khi tôi còn là cậu bé 14 tuổi ở Việt Nam. Các đồng nghiệp Horst Faas và Eddie Adams từng đến gia đình tôi ăn tối".
Bình luận về quyết định nghĩ hưu của Nick Ut, Phó chủ tịch kiêm giám đốc nhiếp ảnh của hãng AP, Santiago Lyon, nói: "Bắt đầu từ những tác phẩm xuất sắc của ông tại Việt Nam, bao gồm bức ảnh Em bé Napalm, Nick tiếp tục theo đuổi công việc phóng viên ảnh của AP ở Los Angeles. Tại đây, ông theo đuổi nhiều chủ đề khác nhau, từ thời sự cho đến giải trí và người nổi tiếng. Ông luôn duy trì tinh thần làm việc tích cực trong suốt sự nghiệp".
"Chúng tôi rất may mắn khi có Nick trong đội ngũ. Chúng tôi chúc ông mọi điều may mắn trong tương lai", Lyon nói.
Hal Buell, người phụ trách hình ảnh toàn cầu của AP thập niên 1960, kể: "Nick có người anh trai là ông Huynh Thanh My, cũng là một phóng viên ảnh của AP. Sau khi ông My thiệt mạng, Nick đã đến văn phòng AP xin việc. Khi đó, cậy ấy chỉ mới 16 tuổi và chúng tôi cũng rất lưỡng lự trong việc có muốn tuyển hay không. Một mặt chúng tôi rất muốn giúp đỡ gia đình, mặt khác, AP không muốn lặp lại tình huống là một thành viên khác của gia đình họ có thể tiếp tục mất mạng".
Thoạt đầu, ông Faas và White quyết định Nick Ut sẽ được an toàn nếu làm việc trong phòng tối để rửa ảnh của AP. "Dần dần, Nick muốn học cách sử dụng máy ảnh, rồi sau đó cậu ta đi khắp Sài Gòn để chụp ảnh. Nick đã chụp được nhiều tấm ảnh tốt gây ấn tượng, và cậu ấy tiếp tục công việc này".
Một trong những đồng nghiệp đi trước của Nick Ut ở văn phòng AP tại Sài Gòn đã hết lòng hỗ trợ, sau này trở thành người bạn, người anh, người thầy và là người bảo vệ cho Nick Ut, là ông Eddie Adams. Mối quan hệ khăng khít của họ kéo dài suốt cuộc đời mỗi người. Trước khi ông Eddie qua đời vào năm 2004, ông đã tặng lại cho Nick một bản in đặc biệt về những tác phẩm tiêu biểu của mình.
Tiếp tục nói về Nick Ut, ông Buell cho biết: "Nick không tìm đến cuộc chiến, mà chiến tranh tự tìm đến với cậu ấy". Đó là vào chiến dịch nổi dậy Tết Mậu Thân 1968, một giai đoạn khốc liệt nhất của chiến tranh. "Khi đó, Nick Ut vẫn đang đi khắp Sài Gòn. Cậu ấy bỗng trở thành phóng viên ảnh chiến trường".
Nick Ut nhớ lại: "Khi đó, Horst đã cố ngăn cản tôi vì anh ấy muốn tôi ở yên trong phòng tối. Nhưng tôi kiên quyết muốn ra ngoài để chụp, rồi Horst đành phải đồng ý. Có lúc tôi bị thương do tên lửa. Horst đã rất lo lắng cho tôi. Anh ấy nói 'Nick, tôi không muốn cậu chết. Tôi không muốn ai trong gia đình cậu phải mất mạng nữa'. Nhưng rồi sau 2 tuần, anh ấy lại để tôi ra ngoài chụp ảnh".
Bức ảnh chấn động thế giới Em bé Napalm mang lại sự nổi tiếng cho Nick Ut cũng như giải thưởng Pulitzer danh giá. Khi đó, hình ảnh cô bé Phan Thị Kim Phúc chạy trên quốc lộ 1, trên đường không mảnh vải do đã bị cháy rụi do sức nóng của bom Napalm rơi ở nơi gia đình và hàng xóm đang trú ẩn, đã phơi bày sự thật tàn khốc của chiến tranh ở Việt Nam với cả thế giới.
Tuy nhiên, đằng sau bức ảnh, mọi người đều đã biết rằng những hành động kịp thời của Nick Ut đã cứu mạng của cô Kim Phúc. Khi trưởng thành, Kim Phúc xem ông như người trong gia đình, là ân nhân cứu mạng.
Kim Phúc ngày nay đã lập gia đình và trở thành mẹ của 2 người con. Bà đi khắp nơi, trên cương vị đại sứ hòa bình của Liên Hợp Quốc cùng Nick Ut, để kể về câu chuyện của mình cũng như những hậu quả chiến tranh.
Sau khi nghỉ hưu, Nick Ut cho biết ông sẽ thực hiện nhiều chuyến đi, bài nói chuyện và bài giảng. "Tôi rất yêu quý AP. Đó là gia đình của tôi, ở khắp thế giới này".