Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Nick Ut: 'Thế giới vẫn đang hỏi tôi về Kim Phúc'

Chia sẻ với Zing.vn, nhiếp ảnh gia Nick Ut cho biết, sau loạt ảnh ông chụp quá trình chữa trị vết thương bằng laser của “Em bé Napalm”, rất nhiều tờ báo đang hỏi ông về Kim Phúc.

Kim Phúc hội ngộ cùng ông Nick Ut, tác giả bức ảnh Em bé Napalm, trong một sự kiện. Ông cũng là người đã giúp làm mát cho các vết thương và đưa cô đến bệnh viện sau khi vụ nổ xảy ra. Ảnh: Getty

Suốt hành trình hơn 40 năm kể từ bức ảnh Em bé Napalm và hành trình chữa lành vết thương chiến tranh cho cô Kim Phúc, kỷ niệm nào đằng sau những bức ảnh khiến ông nhớ nhất và muốn kể lại nhất?

- Khi nhận giải Pulizer cho bức ảnh Em bé Napalm, tôi chỉ ước mình đã phải không nhìn thấy những điều từng chứng kiến. Hơn 40 năm đã trôi qua, nhưng tôi vẫn còn nhớ rất rõ thời điểm chụp bức ảnh như thể mọi chuyện chỉ vừa mới xảy ra. Tôi nhìn thấy máy bay thả bom Napalm vào ngôi làng kèm theo những tiếng nổ khủng khiếp. Tất cả xảy ra rất nhanh, đột ngột nhưng kinh khủng. Rồi sau đó là khói, đằng sau làn khói, tôi nhìn thấy những con người run rẩy chạy ra từ đám lửa bốc cao, và Kim Phúc hiện ra trong số người đó, hoàn toàn trần truồng giữa đám lửa của bom Napalm…

Từ đó đến nay, tôi luôn giữ liên lạc với Kim Phúc. Cô ấy giống như gia đình của tôi. Tôi luôn lo lắng cho Kim Phúc kể từ ngày tôi chụp bức ảnh ấy.

Tháng 9 vừa rồi, Kim Phúc bắt đầu được chữa trị những vết bỏng do bom Napalm tại Miami, Mỹ. Tôi đã đáp ngay đến Miami để được theo dõi, được ở bên Kim Phúc trong quá trình cô ấy chữa trị tại đây.

- Đằng sau những bức ảnh, báo chí còn kể về sự gắn kết giữa ông và 'Em bé Napalm' Kim Phúc. Theo ông, đó là mối duyên, là số phận hay là sự giằng xé, nặng lòng của một nhiếp ảnh gia?

- Sự kết nối giữa chúng tôi quả thật đặc biệt. Có một không hai. Và thực sự tuyệt vời. Cô ấy là gia đình của tôi. Tôi quan tâm, lo lắng cho Kim Phúc kể từ khoảnh khắc tôi bấm máy chụp cô bé, đưa cô bé đến bệnh viện và nhìn thấy cô bé ấy tỉnh lại như thế nào.

Từ bức ảnh Em bé Napalm, tôi và Kim Phúc chưa bao giờ xa nhau cho dù chúng tôi sống ở những nơi khác nhau. Chúng tôi thường xuyên gọi điện cho nhau. Cô ấy đến thăm tôi, tôi đến thăm cô ấy. Chúng tôi cùng nhau đến nhiều nơi trên thế giới và cùng nhau kể cho mọi người nghe câu chuyện về cô ấy.

- Những bức ảnh chữa trị vết thương cho Kim Phúc khiến rất nhiều người Việt Nam xúc động. Có ý kiến cho rằng, những vết thương ấy đã khiến Kim Phúc đau đớn quá lâu trước khi được chữa lành, và thực sự, liệu có thể chữa lành hoàn toàn được không?

- Tôi luôn hy vọng sẽ giúp được Kim Phúc điều gì đó để cô ấy có thể thoát ra được những tổn thương đau đớn. Tôi luôn ước cho cô ấy có lại được cuộc sống bình thường và không còn bị những vết thương chiến tranh đày đọa. 

Tôi không biết cô ấy có thể hàn gắn được hoàn toàn những vết thương hay không, những vết thương quá sâu… Nhưng Kim Phúc luôn mạnh mẽ. Cô ấy vốn là một phụ nữ mạnh mẽ. Tôi tin rằng, Kim Phúc sẽ hàn gắn được những vết thương trong tâm hồn mình, và cô ấy sẽ làm được.

Kim Phúc đã đến nhiều nơi trên thế giới kể cho mọi người nghe về những điều cô ấy đã trải qua, những vết thương cô ấy phải chịu đựng, những góc tối trong tâm hồn, những nỗi đau trong trái tim. 

Kim Phúc là một người tuyệt vời, cô ấy có thể một mình chịu đựng những nỗi đau. Cô ấy đã cố gắng để không ôm mãi vết thương trong tim. Kim Phúc đã tha thứ cho những người gây ra vết thương cho mình và muốn chia sẻ đến mọi người trên thế giới câu chuyện về tình yêu, sự bao dung, lòng nhân hậu.

Kim Phúc trong quá trình điều trị laser tại Mỹ. Ảnh: Nick Ut/AP

- Sau bộ ảnh ông chụp về việc Kim Phúc chữa lành vết thương chiến tranh bằng laser, báo chí thế giới hỏi ông những gì?

Quả thật, sau khi bộ ảnh đăng trên AP, rất nhiều tờ báo gọi cho tôi, nhiều phóng viên hẹn phỏng vấn. Những ngày này, tôi rất bận và có phần hơi mệt vì lịch làm việc dày kín. Báo chí thế giới hỏi tôi nhiều câu giống như bạn đã hỏi. 

Họ muốn biết tất cả mọi thứ về tôi và Kim Phúc, về việc tôi đã chụp bức ảnh đầu tiên về Em bé Napalm và hơn 40 năm sau tôi chụp bộ ảnh hành trình chữa trị vết thương chiến tranh của Kim Phúc. Họ muốn biết những câu chuyện đằng sau hành trình chữa trị vết thương chiến tranh của Em bé Napalm mạnh mẽ, can đảm. Và họ cũng hỏi nhiều điều khác nữa.

- Sau hơn 40 năm, phóng viên chiến trường Nick Ut ngày nào không còn trẻ nữa. Trong cuộc đời cầm máy, ngoài câu chuyện về 'Em bé Napalm', còn có câu chuyện nào khác đã ám ảnh ông trong suốt thời gian dài?

- Đúng là tôi không còn trẻ nữa. Tôi đã già và chuẩn bị về hưu vào năm tới. Nhìn lại cuộc đời mình, tất cả những bức ảnh chiến tranh đều khiến tôi ám ảnh. Tôi đã cố sử dụng chúng cho những điều tốt đẹp hơn.

- Trong khi ông thấy mình không còn trẻ nữa và đang già đi, thế giới vẫn đầy biến động, đầy bất ổn. Nếu có được sức trẻ trở lại, ông sẽ muốn đến đâu để tiếp tục tác nghiệp? Có thể là Iraq, Afghanistan, Syria, hay nơi nào khác…? 

- Tôi chưa bao giờ nghĩ đến việc trẻ lại. Ai cũng chỉ có một lần tuổi trẻ trong đời. Tuổi trẻ của tôi và bước ngoặt của tôi đã có ở Việt Nam. Chiến tranh là khủng khiếp. Tôi vẫn cầu nguyện những điều tốt đẹp nhất cho các phóng viên chiến trường trẻ tuổi hiện đang tác nghiệp ở những nơi có chiến sự trên khắp thế giới. Chiến tranh không tử tế với bất cứ ai. Chiến tranh không đối xử khác biệt với bất cứ ai.

Tôi vẫn hy vọng chiến tranh trên những vùng chiến sự sẽ sớm kết thúc trong một ngày gần nhất.

Phan Thị Kim Phúc được cả thế giới biết đến qua câu chuyện về bức ảnh Em bé Napalm. Bức ảnh do phóng viên chiến trường Nick Ut của hãng thông tấn AP chụp vào ngày 8/6/1972 tại Trảng Bàng, Tây Ninh. 

Làng của Kim Phúc bị dội bom Napalm trong một cuộc giao tranh khốc liệt. Bức ảnh được chụp khi Kim Phúc và một số trẻ em Việt Nam vừa khóc vừa chạy tại ngay ngã ba Trảng Bàng. Cô bé bị bỏng nặng và cháy hết quần áo. Sau đó, cô bé bất tỉnh. 

Chính phóng viên chiến trường Nick Ut đã đưa bé Kim Phúc đi cấp cứu tại một bệnh viện gần đó. Và cũng kể từ khoảnh khắc chụp bức ảnh, Nick Ut và Phan Thị Kim Phúc đã luôn liên lạc và trở thành những người bạn thân thiết của nhau suốt hơn 40 năm qua.

Với bức ảnh Em bé Napalm, Nick Ut đã đoạt giải Pulizer danh giá. Hiện ông sống tại Mỹ và vẫn làm việc cho hãng thông tấn AP. 

'Em bé Napalm' chữa trị những dấu vết chiến tranh

Nhân vật chính của bức ảnh "Em bé Napalm" chấn động thế giới đang chữa những vết bỏng trên cơ thể bằng phương pháp laser để xoa dịu nỗi đau thể xác hàng chục năm sau chiến tranh.

Phóng viên AP kể về bức ảnh lịch sử 'Em bé Napalm'

Nhà báo chiến trường Nick Út đã hồi tưởng lại khoảnh khắc ghi lại hình ảnh cô Phan Thị Kim Phúc bị trúng bom napalm, trần truồng chạy ra…

Hiền Hương (thực hiện)

Bạn có thể quan tâm