Hiển nhiên, các bệnh của đám đông không thể tự mình tồn tại ở những bộ lạc săn bắt, hái lượm và những quần thể làm nông theo lối đốt rừng làm rẫy. Như những chuyện bi thảm từng xảy ra với người Anh-điêng vùng Amazonia và dân đảo Thái Bình Dương ngay ở thời nay xác nhận, hầu như toàn bộ một bộ lạc có thể bị quét sạch vì một trận dịch do một người lạ từ bên ngoài đến, bởi không ai trong bộ lạc đó có sẵn kháng thể chống lại vi trùng kia.
Chẳng hạn mùa đông năm 1902, một trận dịch kiết lị do một thủy thủ trên con tàu đánh cá Active mang lại đã giết 51 trong số 56 người Eskimo Sadlermiut, một bộ tộc người sống rất biệt lập trên đảo Southampton ở vùng Bắc cực của Canada.
Ngoài ra, sởi và một số “bệnh của đám đông” khác có xu hướng giết chết những người lớn nhiễm bệnh hơn là trẻ em, thế mà tất cả người lớn trong bộ tộc đó đều nhiễm bệnh.
Ngược lại, người châu Mỹ hiện đại hiếm khi nhiễm bệnh sởi nếu là người lớn bởi hầu hết hoặc từng mắc bệnh sởi đã được tiêm vaccine sởi khi còn nhỏ. Sau khi giết chết hầu hết người dân trong bộ lạc, trận dịch biến mất.
Dân số ít ỏi của bộ lạc không chỉ là nguyên nhân (các quần thể người ấy) không thể duy trì các trận dịch từ bên ngoài đến trong một thời gian dài, mà còn là nguyên nhân tại sao họ không bao giờ có khả năng tự tạo ra những căn bệnh truyền nhiễm của chính mình đặng lây nhiễm trở lại cho những kẻ từ xa đến.
Tranh The Triumph of Death của Pieter Bruegel il Vecchio. Ảnh: Viện bảo tàng Prado. |
Tuy nhiên, nói thế không có nghĩa là những quần thể ít người chẳng bao giờ mắc bất cứ bệnh truyền nhiễm nào. Họ cũng bị lây nhiễm, song chỉ nhiễm một số căn bệnh nhất định. Một số được gây ra bởi những vi trùng có khả năng sống trong các loài vật hoặc trong đất, hệ quả là bệnh không biến mất mà vẫn thường xuyên có khả năng nhiễm cho người.
Chẳng hạn, virus bệnh sốt hoàng nhiệt được mang trong mình các con khỉ hoang châu Phi. Chính vì vậy, nó luôn luôn có thể lây cho các quần thể người sống ở nông thôn tại châu Phi, từ đó chúng được mang theo những con tàu buôn nô lệ xuyên đại dương mà lây nhiễm cho khỉ và người ở Tân thế giới.
Lại có những căn bệnh truyền nhiễm khác lây cho các cộng đồng ít người, ấy là những bệnh kinh niên như bệnh phong và bệnh ghẻ cóc. Do bệnh phải mất thời gian rất lâu mới giết chết người bệnh nên người bệnh vẫn sống như một kho chứa vi trùng mà lây nhiễm cho các thành viên khác trong bộ lạc.
Chẳng hạn, vùng Karimui Basim ở vùng cao nguyên New Guinea nơi tôi làm việc vào thập niên 1960 có một cộng đồng dân cư biệt lập chỉ có mấy nghìn người sinh sống, nhóm người này có tỷ lệ mắc bệnh phong cao nhất thế giới, khoảng 40%!
Cuối cùng, các cộng đồng ít người cũng dễ mắc những bệnh truyện nhiễm không gây chết người mà chúng ta chưa được miễn dịch. Hậu quả là cùng một người có thể bị nhiễm lại sau khi đã phục hồi. Đó là trường hợp bệnh giun chỉ và nhiều bệnh ký sinh khác.
Tất cả căn bệnh đó, đặc trưng cho các quần thể nhỏ sống biệt lập, ắt phải là những căn bệnh lâu đời nhất của loài người. Đó là những căn bệnh mà chúng ta đã có thể tạo ra và duy trì trong suốt những triệu năm đầu tiên trong lịch sử tiến hóa của chúng ta, khi toàn bộ dân số loài người hãy còn ít ỏi và sống manh mún.
Những căn bệnh đó cũng đồng thời là hoặc tương tự những căn bệnh của họ hàng gần gũi nhất của chúng ta là loài đười ươi lớn châu Phi. Ngược lại, các căn bệnh của đám đông, mà chúng ta đã nói tới trên đây, chỉ có thể phát sinh cùng với sự hình thành những quần thể người đông đúc, dày đặc.
Sự hình thành đó khởi đầu cùng sự xuất hiện nền nông nghiệp vào khoảng 10.000 năm trước, sau đó thì tăng tốc cùng sự ra đời các thành thị vào mấy nghìn năm trước.
Trên thực tế, niên đại sớm nhất được kiểm chứng của nhiều căn bệnh truyền nhiễm quen thuộc đều gần ngày nay đến độ đáng kinh ngạc: Khoảng 1.600 năm trước Công nguyên với bệnh đậu mùa (suy ra từ những vết sẹo trên da một xác ướp Ai Cập), 400 năm trước Công nguyên với bệnh quai bị, 200 năm trước Công nguyên với bệnh phong, năm 1840 với bệnh bại liệt và năm 1959 đối với AIDS.