T-34 - ‘cơn ác mộng’ Thế chiến 2 vẫn tung hoành
T-34 không chỉ là loại xe tăng phổ dụng thứ nhì trên thế giới, mà sự ra đời của nó còn tạo ra một cuộc cách mạng trong ngành công nghiệp chế tạo xe tăng thế kỷ 20.
Nhờ sự phối hợp hoàn hảo giữa khả năng bảo vệ với tính cơ động, cùng hỏa lực chính xác và độ bền cao, T-34 trở thành loại xe tăng hiệu quả nhất Thế chiến thứ 2. Ngoài ra, khả năng dễ bảo trì, sửa chữa cho phép gia tăng thời gian phục vụ của T-34. Tính tới thời điểm hiện tại, quân đội một vài quốc gia vẫn đang biên chế loại xe tăng này.
Xe tăng hạng trung T-34. |
Được Liên Xô sản xuất từ năm 1940 đến 1958, xe tăng hạng trung T-34 xuất hiện chủ yếu trong chiến tranh Xô-Đức (1941 - 1945) trên các chiến trường châu Âu. Tuy nhiên, những mẫu tăng ban đầu bị hạn chế khá nhiều, do tổ lái được huấn luyện kém cùng thiếu hụt hệ thống thông tin liên lạc, khiến T-34 không đạt được hiệu quả tương xứng với những ưu thế đang sở hữu.
Chiếc T-34 đầu tiên được hoàn thành vào năm 1939 và được đưa vào phổ dụng năm 1940, với tháp pháo cỡ nòng 76 mm. Lợi thế rõ ràng nhất của T-34 là khả năng di chuyển nhanh hơn 20% so với xe tăng đối phương. Khi được đưa vào sử dụng, mỗi chiếc xe tăng T-34 của Nga có thể di chuyển với tốc độ 50 km/h, trong khi xe tăng Tiger của Đức chỉ có thể di chuyển với vận tốc 40 km/h.
Một khả năng vượt trội khác của T-34 đã được ghi nhận là khả năng dễ sửa chữa và phục hồi ngay tại chiến trường. Không khó để các kỹ sư sửa chữa T-34 ngay tại các công sự chiến trường, dù chúng có bị hư hại tới hơn 30% hay bay mất tháp pháo. Hơn nữa, lớp vỏ thép dày 52 mm cho phép T-34 chống được nhiều vũ khí chống tăng.
Sử dụng động cơ diezel 12 xi-lanh mẫu V-2, những chiếc T-34 có khả năng hoạt động khá linh hoạt, trong khi độ bền của động cơ vượt trội hơn hẳn so với những loại xe tăng Liên Xô sử dụng thời bấy giờ. Ngoài ra, thiết kế làm mát bằng nước cho phép tăng tính hiệu quả của T-34 trong tác chiến, cũng như tăng độ ổn định của động cơ.
Một lí do khác khiến những chiếc T-34 được sản xuất với số lượng 84.000 chiếc, chỉ đứng thứ hai sau loại tăng T-54 huyền thoại, là do giá thành sản xuất rẻ cùng với những chi tiết dễ chế tạo. Các nhà máy nằm sâu trong dãy núi Ural của Liên Xô nhanh chóng sản xuất hàng ngàn chiếc T-34 để thay thế cho những chiếc bị hư hại trên chiến trường.
Được cải tiến trong suốt quãng thời gian chế tạo, những chiếc T-34 thế hệ sau khắc phục được hầu hết những nhược điểm mà những chiếc đầu tiên mắc phải. Chính vì lẽ đó, tính tới thời điểm hiện tại, vẫn còn hơn 20 quốc gia đang sử dụng xe tăng T-34 trong biên chế quân đội. So với những mẫu xe tăng hiện tại, hỏa lực của T-34 dù được nâng cấp pháo cỡ nòng 83 mm với tháp pháo 3 người vẫn bị coi là khá yếu. Tuy nhiên, không nhiều loại xe tăng có thể vượt mặt T-34, nếu so sánh độ kết hợp hoàn hảo của các khả năng tác chiến.
Với chiều dài 6,68 mét, chiều rộng 3 mét, trọng lượng 26,5 tấn, những chiếc T-34 là mẫu thiết kế lý tưởng được Liên Xô sử dụng để phát triển loại tăng T-54 huyền thoại. Ra đời sau và thừa hưởng những tính năng nổi trội của T-34 giúp T-54 nhanh chóng vượt mặt người đàn anh để trở thành loại xe tăng phổ dụng nhất thế giới. Đây là 2 loại xe tăng đứng đầu trong số những xe tăng được sản xuất nhiều nhất hành tinh.
Trịnh Duy
Theo Infonet.vn