Syria-Thổ Nhĩ Kỳ chỉ 'đấu khẩu' chứ không 'đấu súng'?
Syria tuyên bố, máy bay dân sự của họ không chở vũ khí và cáo buộc giới chức Thổ Nhĩ Kỳ có hành vi bạo lực còn Thủ tướng Erdogan khăng khăng, chiếc máy bay đang cố tuồn vũ khí vào Syria.
Damascus đòi hàng, tố ngược Ankara
Bộ Ngoại giao Thổ Nhĩ Kỳ hôm qua giải thích quyết định chặn chiếc Airbus A320 của Syria với tuyên bố, hàng hóa trên chiếc máy bay dân sự này “chứa đựng các yếu tố vi phạm luật hàng không dân sự”. Ngay lập tức, truyền thông Thổ Nhĩ Kỳ suy đoán, các lực lượng an ninh nước này đã thu giữ các thiết bị thông tin liên lạc, các thành phần tên lửa và thiết bị đầu cuối vô tuyến.
Chiếc máy bay Airbus A320 của Syria bị chiến đấu cơ F-16 của Thổ Nhĩ Kỳ ép hạ cánh tại Ankara. |
Tuy nhiên, Bộ Giao thông vận tải Syria đã nhanh chóng khẳng định, hàng hóa trên chiếc Airbus A320 cất cánh ở Moscow và đang trên đường đến Damascus không hề vi phạm vào luật hàng không dân sự nào. Đồng thời, Syria cáo buộc chính Thổ Nhĩ Kỳ mới vi phạm luật hàng không dân sự với hành vi khám xét và thu giữ hàng hóa trên chiếc máy bay dân sự của Syria một cách bất hợp pháp.
“Các hành động của giới chức trách Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm luật hàng không dân sự. Họ đã thu giữ hàng hóa trên máy bay nhưng chúng tôi vẫn còn giữ các dữ liệu. Nếu có bất cứ điều gì mờ ám ở đây, giống như họ khẳng định, hãy cứ để họ chứng minh điều đó”, ông Mahmoud Ibrahim, Bộ trưởng Giao thông vận tải Syria thách thức.
Ngoài ra, phía Nga cũng khẳng định, cơ quan hải quan và an ninh tại sân bay nước này không hề tìm thấy bất cứ điều gì đáng ngờ từ hàng hóa mà chiếc Airbus A320 chuyên chở trước khi nó cất cánh. Hiện, tất cả các dữ liệu liên quan đều đã được chuyển tới cơ quan điều tra.
Do đó, Bộ Ngoại giao Syria hôm qua mạnh mẽ yêu cầu Thổ Nhĩ Kỳ phải trả lại “toàn bộ hàng hóa một cách nguyên vẹn”. Chưa hết, hãng hàng không Syrian Air, chủ quản chiếc Airbus A320 cũng lên tiếng cáo buộc, Thổ Nhĩ Kỳ vi phạm nghiêm trọng luật hàng không dân sự khi không một lời thông báo đã cử chiến đấu cơ F-16 cưỡng chế phi công của họ hạ cánh, đặt cuộc sống của toàn bộ hành khách trên chuyến bay vào vòng nguy hiểm.
“Công ước Chicago quả có cho phép kiểm tra các máy bay chở khách. Tuy nhiên, trong trường hợp phi công trưởng từ chối hợp tác, Thổ Nhĩ Kỳ mới có quyền điều máy bay chiến đấu để cướng chế. Tuy nhiên, trong trường hợp Thổ Nhĩ Kỳ chặn chiếc Airbus A320 hôm qua, phi công của chúng tôi cho biết, bất ngờ phát hiện các vật thể không xác định trên radar. Họ khẳng định, chiến đấu cơ của Thổ Nhĩ Kỳ đã bay quá gần Airbus A320. Điều này có thể dẫn đến thảm họa”, ông Ghaida Abd Al-Latif, Giám đốc hãng hàng không Syrian Air tuyên bố.
Ông Ghaida Abd Al-Latif còn cho biết, các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ đã từ chối cung cấp các chứng cớ chứng minh chiếc máy bay vi phạm luật hàng không dân sự theo luật pháp quốc tế nhưng bị từ chối. Đã thế, lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ còn có hành vi bạo lực với một số phi hành đoàn và hành khách.
“Người Thổ Nhĩ Kỳ từ chối đưa ra các chứng cứ khi phi hành đoàn yêu cầu. Sau đó, họ còn có hành vi bạo lực với một số phi hành đoàn và hành khách”, ông Al-Latif cho biết.
“Họ (các nhà chức trách Thổ Nhĩ Kỳ) ra lệnh cho chúng tôi ra ngoài và kiểm tra các kiện hàng. Sau đó, họ chĩa súng vào chúng tôi, còng tay, đánh và tống chúng tôi vào hai chiếc xe hơi”, Jasem Kaser, một kỹ sư trên chuyến bay cho biết và khẳng định, giới chức Thổ Nhĩ Kỳ đã không tìm thất bất cứ điều gì bất thường từ các kiện hàng trên chiếc Airbus A320.
Ngoài ra, các nữ tiếp viên hàng không trên máy bay cũng khẳng định, giới chức Thổ Nhĩ kỳ đã đe dọa bắt giữ phi công khi người này không chịu ký vào các biên bản.
Kỹ sư Jasem Kaser trên chiếc máy bay Airbus A320 chỉ ra vết thương do lực lượng an ninh Thổ Nhĩ Kỳ gây ra. |
Từ những chi tiết trên, Bộ Giao thông vận tải Syria tuyên bố họ đang nộp đơn phản đối lên tất cả các tổ chức quốc tế bao gồm cả “Hiệp hội Hàng không dân dụng quốc tế và Tổ chức hàng không vận tải Arab cũng như các cơ quan nhân quyền”.
Chưa hết, không chỉ Syria mà Nga cũng lên tiếng chỉ trích Thổ Nhĩ Kỳ về việc chặn chiếc Airbus A320, gây nguy hiểm cho 17 người Nga có mặt trên chuyến bay đồng thời yêu cầu một lời giải thích từ Ankara.
Trong khi đó, về phía Thổ Nhĩ Kỳ, Thủ tướng Recep Tayyip Erdoga vẫn khăng khăng rằng, chiếc máy bay dân sự Airbus A320, đang vận chuyển vũ khí đạn dược cho Bộ Quốc phòng Syria.
“Đã rõ người gửi hàng và người nhận hàng là ai. Đây là đạn dược được gửi từ Nga tới Bộ Quốc phòng Syria. Cuộc điều tra đang được tiến hành và cần thiết để làm như vậy”, ông Erdogan tuyên bố. Trước đó, Ngoại trưởng Thổ Nhĩ Kỳ, Ahmet Davutoglu cũng tuyên bố, Ankara quyết tâm chặn bất cứ phi vụ vận chuyển vũ khí nào tới Syria qua không phận nước này đồng thời khẳng định, theo luật hàng không quốc tế họ có quyền điều tra bất cứ máy bay dân sự nào bị nghi chở hàng quân sự.
Tuy nhiên, các nhà phân tích quân sự và các chuyên gia công nghiệp cho hay, có rất ít khả năng Moscow sử dụng máy bay dân sự để chuyển hàng hóa quân sự cho Syria. “Thậm chí, trong trường hợp thực sự cần thiết để gửi bất cứ trang thiết bị quân sự hay đạn dược, vũ khí cho Syria, thì việc đó sẽ được tiến hành theo đúng trình tự của luật pháp quốc tế chứ không cần phải sử dụng máy bay dân sự, vi phạm luật hàng không”, một quan chức Nga nhấn mạnh.
"Thậm chí nếu nó thực sự là cần thiết để gửi bất kỳ vật tư trang thiết bị quân sự, vũ khí, nó sẽ tuân thủ pháp luật. Hoàn toàn không có vũ khí, không có các hệ thống hay thiết bị quân sự nào trên máy bay", Interfax dẫn lời một quan chức cấp cao trong ngành công nghiệp xuất khẩu quân sự của Nga tuyên bố.
Lý do là, Nga không ký bất cứ lệnh cấm vận vũ khí quốc tế nào đối với Syria. Do đó, họ vẫn có quyền cung cấp vũ khí cho Damascus. Tuy nhiên, Moscow từng tuyên bố hồi tháng 7, họ sẽ chỉ tiếp tục hoàn thành các hợp đồng cung cấp vũ khí đã ký trước đó với Syria và sẽ không ký thêm bất cứ thương vụ mới nào trong thời điểm khủng hoảng Syria đang tiếp diễn và ngày càng trở nên phức tạp và nguy hiểm hơn.
Căng thẳng Ankara-Damascus dẫn đến chiến tranh?
Căng thẳng Thổ Nhĩ Kỳ-Syria leo thang kể từ khi 5 dân thường Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng vào tuần trước do bị trúng pháo cối bắn từ Syria sang. Vụ việc khiến Thổ Nhĩ Kỳ nã pháo đáp trả vào Syria lần đầu tiên kể từ khi cuộc nổi dậy chống Tổng thống Syria Assad bùng phát từ 19 tháng trước. Đồng thời, phía Thổ Nhĩ Kỳ còn mạnh mẽ cảnh báo, Ankara sẽ phản ứng bằng lực lượng mạnh hơn nếu Damascus tiếp tục nã pháo qua biên giới. Sự kiện Thổ Nhĩ Kỳ điều chiến đấu cơ F-16 chặn máy bay dân sự Syria lần này, càng làm quan hệ hai nước trở nên xấu đi.
Tuy nhiên, giới phân tích cho rằng, dù quan hệ đang rất căng thẳng, Syria và Thổ Nhĩ Kỳ sẽ không đi đến một cuộc chiến tranh. Lý do là, cả Damascus và Ankara đều quan ngại cuộc xung đột có thể lan rộng ra toàn bộ khu vực Trung Đông và các nguy cơ của một cuộc chiến tranh như vậy.
Hamdi al-Abdallah, một chuyên gia phân tích chính trị bính luận, Damascus và Ankarasẽ không khởi động một cuộc chiến tranh toàn diện, chủ yếu là vì "một cuộc chiến tranh như vậy sẽ tàn phá, hủy hoại không chỉ riêng hai bên mà là toàn khu vực".
"Cả hai nước đều sở hữu tiềm lực quân sự vô cùng lớn. Họ có thể hủy diệt lẫn nhau", ông Hamdi al-Abdallah nhấn mạnh.
Một nhà phân tích khác là George Gabbour, cũng bác bỏ kịch bản chiến tranh với lập luận, hiện tại Thổ Nhĩ Kỳ đang phải lo ứng phó với rất nhiều vấn đề trong nước và chính các vấn đề này sẽ ngăn họ khởi động chiến tranh với Syria đồng thời khẳng định: “Căng thẳng biên giới thời gian gần đây giữ hai nước sẽ không kéo dài lâu”.
Chưa hết, Farouq al-Hajji, một nhà hoạt động chính trị còn khẳng định, ông tin rằng, các quốc gia có khả năng ảnh hưởng đối với cả Thổ Nhĩ Kỳ lẫn Syria sẽ không cho phép hai nước này khởi động chiến tranh bởi cuộc chiến ấy sẽ không có người chiến thắng mà sẽ chỉ là một thảm kịch.
Ngoài ra, bất chấp việc Tổng thư ký NATO Anders Fogh Rasmussen tuyên bố họ có kế hoạch để bảo vệ Thổ Nhĩ Kỳ trong trường hợp cần thiết nhưng theo Giáo sư Bagci, người đứng đầu khoa Quan hệ Quốc tế, ĐH Kỹ thuật Trung Đông có trụ sở ở Thổ Nhĩ Kỳ khẳng định, NATO hoàn toàn không có ý định hỗ trợ quân sự cho Ankara.
Phương Đăng
Theo Infonet