Ngoại trưởng Syria Walid al- Moallem khẳng định, nước ông sẽ ngừng sản xuất vũ khí hóa học, tiết lộ địa điểm của các kho vũ khí mà nước này đang sở hữu, đồng thời cho phép các thanh sát viên của Liên Hiệp Quốc tới kiểm tra để phù hợp với Công ước về vũ khí hóa học.
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, giải trừ vũ khí hóa học ờ Syria sẽ chỉ được tiến hành khi Mỹ cam kết không sử dụng vũ lực. |
Theo một số chuyên gia, việc Syria đề xuất tham gia công ước có thể là động thái mở đường cho cam kết xóa sổ vũ khí hóa học mà quốc gia này bị cáo buộc sở hữu. Tuy nhiên, một trận chiến cam go đã lờ mờ hiện ra trong chính Liên Hiệp Quốc xung quanh thời gian biểu cụ thể để giải trừ toàn bộ vũ khí hóa học mà Chính phủ Assad đang sở hữu, nhất là khi nhiều quốc gia đang muốn sử dụng biện pháp can thiệp quân sự trên đất Syria.
Tổng thống Nga Vladimir Putin khẳng định, quá trình giải trừ quân bị trên đất Syria sẽ chỉ được tiến hành “khi Mỹ và các đồng minh cam kết từ bỏ sử dụng vũ lực bởi đó là rào cản, không chỉ với Syria mà bất kể quốc gia nào khác trên thế giới. Sẽ không ai chịu đơn phương giải giáp vũ khí nếu nước ngoài đang cân nhắc khả năng tấn công họ”.
Phía Moscow cũng cho biết, họ đang đề xuất làm việc với chế độ Assad và Ban thư ký Liên Hiệp Quốc để đặt ra một kế hoạch giải trừ vũ khí hóa học “hoàn toàn khả thi, chính xác và cụ thể” cùng với một thời gian biểu cụ thể. Tuy nhiên, cơ chế thực thi chưa được phía Nga nhắc đến.
Về phần mình, cả Mỹ, Anh và Pháp đều nhấn mạnh rằng, họ sẽ không để Nga hay Damascus cố tình kéo dài thời gian. Ngoại trưởng Mỹ John Kerry cho biết trong một phiên điều trần của Hạ viện Mỹ rằng, Washington đang đợi các đề xuất chi tiết của Nga “nhưng chúng ta sẽ không đợi chờ lâu”.
Thủ tướng Anh David Cameron cũng đưa ra thông điệp tương tự từ Wesminster, cho biết nước Anh không muốn đề xuất giải trừ vũ khí của Nga là “một sự trì hoãn chiến thuật, một chiêu thức để kéo dài thời gian cho chế độ [Assad]”. Thủ tướng Camaron cảnh báo “những hậu quả” nếu kế hoạch của Liên Hiệp Quốc không được thực hiện.
Tuy nhiên, đằng sau những lời lẽ mạnh mẽ của phương Tây là sự chia rẽ sâu sắc trong nội bộ. Quốc hội Anh đã bác bỏ khả năng can thiệp quân sự vào Syria trong khi Tổng thống Barack Obama đang gặp phải những phản đối mạnh mẽ trong Quốc hội.
Thượng viện Mỹ cũng đình chỉ kế hoạch bỏ phiếu thông qua việc ủy quyền quân sự sau cuộc gặp với Tổng thống Obama để bàn về đề xuất của Nga. Lãnh đạo phe đa số tại Thượng viện Mỹ Harry Reid khẳng định: “Điều quan trọng là chúng ta xử lý tốt vấn đề này và không quá vội vàng”. Ông Reid cũng gọi kế hoạch công khai kho vũ khí hóa học của Syria trước các thanh sát viên quốc tế “không phải là một mưu đồ”.