Việt Nam đáng được biểu dương vì tỷ lệ sống của mẹ sau sinh đã tăng thêm 2/3 so với năm 1990, đồng thời tỷ lệ tham gia lực lượng lao động của phụ nữ được duy trì ở mức trên 70% - vượt trên phần lớn các nước OECD.
Diễn đàn Kinh tế Thế giới hiện xếp hạng Việt Nam đứng thứ 33 trên toàn cầu về cơ hội và tham gia kinh tế trong Chỉ số Khoảng cách Giới Toàn cầu năm 2018 (đáng buồn cho một đồng tác giả là Australia đứng thứ 46).
Ông Ousmane Dione là Giám đốc Quốc gia của Ngân hàng Thế giới tại Việt Nam. Ảnh: Quỳnh Trang. |
Việt Nam cũng là quốc gia dẫn đầu trong việc đưa phụ nữ tốt nghiệp đại học có trình độ chuyên môn tham gia lực lượng lao động, và còn rất nhiều ví dụ về sự năng động của phụ nữ Việt, đơn cử như danh sách 50 người phụ nữ có tầm hưởng nhất do tạp chí Forbes Việt Nam bình chọn mới công bố tuần này.
Chính Việt Nam sẽ hưởng lợi từ việc duy trì và mở rộng các điều kiện thuận lợi giúp phụ nữ, và rộng ra là quốc gia, phát triển thịnh vượng. Bản thân các tổ chức quốc tế như chúng tôi cũng có động lực để hỗ trợ các sáng kiến bình đẳng giới và tăng cường cơ hội cho phụ nữ Việt Nam.
Trách nhiệm của người phụ nữ còn lớn
Tuy nhiên, cần dừng lại để suy ngẫm một số điều. Thứ nhất, trách nhiệm chăm sóc gia đình của người phụ nữ vẫn còn rất lớn, và vì dân số Việt Nam đang già đi, việc chăm sóc người già sẽ gia tăng trách nhiệm cho người phụ nữ ngoài việc nuôi dạy con cái.
Đã thế không giống phụ nữ ở các nước Đông Á khác, phần lớn phụ nữ Việt Nam tham gia lao động. Việc này sẽ dẫn đến việc họ phải nhượng bộ trong các lựa chọn nghề nghiệp khi xem xét các yếu tố như thăng tiến trong công việc và các vị trí lãnh đạo, điều kiện làm việc và lương bổng.
Phụ nữ Việt Nam tham gia sâu rộng vào lực lượng lao động. Ảnh: Reuters. |
Thứ hai, vẫn còn khoảng cách trong việc tiếp cận các nguồn lực thiết yếu và cơ hội cho phụ nữ dân tộc thiểu số và nông thôn. Sự bất bình đẳng này cũng tương tự như hiện tượng “Hai nước Australia”. Điều này rất đáng lưu tâm vì mặc dù tỷ lệ đô thị hóa của Việt Nam đang tăng, người sống ở nông thôn vẫn chiếm 65% tổng dân số.
Thứ ba, mặc dù Việt Nam đã tăng điểm trong báo cáo mới nhất của Ngân hàng Thế giới về Phụ nữ, Kinh Doanh và Luật pháp năm 2019, vẫn còn rất nhiều hạn chế về công việc với phụ nữ trong các ngành nghề chính như nông nghiệp, xây dựng, năng lượng, giao thông và nước. Bên cạnh đó, tư tưởng trọng nam khinh nữ vẫn còn phổ biến, đặc biệt là ở các địa phương giàu có. Điều này đi vào điểm mấu chốt về giá trị của người phụ nữ, và đặt ra câu hỏi về những cơ hội bị bỏ lỡ cho phụ nữ. Nhưng quan điểm xã hội có thể thay đổi.
Trong bối cảnh như vậy, “Suy nghĩ bình đẳng, Kiến tạo thông minh và Sáng tạo để thay đổi”, chủ đề toàn cầu cho ngày Quốc tế Phụ nữ năm nay rất phù hợp với Việt Nam.
Nữ giới thu nhập ít hơn nam
Suy nghĩ Bình đẳng – Để hiểu về bình đẳng cần có thông tin về bất bình đẳng. Trên toàn cầu, không có nhiều thông tin về tài sản và sở hữu đất đai của phụ nữ, tỷ lệ nghèo trong những người cao tuổi và thời gian phụ nữ chăm sóc trẻ em và người già mà không được trả lương.
Nghiên cứu chung của chúng tôi tại Việt Nam cho thấy mỗi năm phụ nữ kiếm ít hơn nam giới trung bình 3 triệu đồng mỗi năm, và họ từ bỏ những công việc được trả lương cao hơn để làm việc trong các ngành nghề có phúc lợi tốt hơn. Chỉ 25% các nhà quản lý là phụ nữ, và các nhà quản lý nữ giới chỉ có thu nhập bằng 91% thu nhập của nam giới.
Ông Craig Chittick là Đại sứ Australia tại Việt Nam. Ảnh: DFAT. |
Đây là những bằng chứng về những đánh đổi của người phụ nữ, và những chi phí của rào cản vô hình đối với phụ nữ Việt Nam. Bộ luật Lao động quy định không phân biệt đối xử dựa trên giới tính khi tuyển dụng lao động, nhưng thực tế lại không phải lúc nào cũng như vậy.
Chương trình đối tác chiến lược giữa Nhóm Ngân hàng Thế giới và Australia đang phối hợp với Tổng cục Thống kê để cập nhật bộ chỉ số giới quốc gia. Cùng với Nhóm Ngân hàng Thế giới và Australia, lần đầu tiên Việt Nam thực hiện cuộc khảo sát về sử dụng thời gian trên quy mô toàn quốc và nghiên cứu bổ sung về chăm sóc gia đình không được trả lương của phụ nữ, nhu cầu mới phát sinh do thay đổi về cấu trúc dân số đối với ngành nghề chăm sóc và các chính sách cần thiết cho ngành này.
Nghiên cứu của chúng tôi cũng sẽ cập nhật dữ liệu về lợi ích - chi phí của việc cấp giấy chứng nhận sử dụng đất chung và chi phí kinh tế của sự khác biệt về độ tuổi nghỉ hưu – hiện là 60 với nam và 55 với nữ. Những dữ liệu này dự kiến sẽ đóng góp những cách nhìn mới vào nghị trình tăng trưởng kinh tế nhằm giải phóng vai trò của phụ nữ góp phần vào tăng năng suất và khả năng cạnh tranh của Việt Nam.
Nhiều cán bộ nữ nắm vị trí quan trọng trong bộ máy nhà nước. Ảnh: Globewomen. |
Cản trở khiến phụ nữ khó phát huy tiềm năng
Kiến tạo thông minh – Đảm bảo an toàn trong tương lai cần có vật liệu và nền tảng vững chắc. Tăng trưởng kinh tế của Việt Nam một phần nhờ đầu tư trực tiếp nước ngoài, và phụ nữ chiếm đa số người lao động trong các công ty nước ngoài – với 1,5 triệu lao động, chiếm 68% tổng số việc làm.
Điều đáng buồn là họ chủ yếu làm trong những ngành nghề được trả lương thấp, chẳng hạn như trên các dây chuyền lắp ráp và bán hàng, và ít có khả năng trở thành lao động có kỹ năng, dù trình độ học vấn cao.
Đặc điểm nghề nghiệp này đồng nghĩa với việc phụ nữ nông thôn và người di cư phải rời khỏi nhà máy mà không có kỹ năng gì ở độ tuổi 30, còn phụ nữ tốt nghiệp đại học ở thành thị đang đối mặt với những rào cản vô hình khiến họ khó thăng tiến và phát triển.
Cả hai đều cản trở phụ nữ phát huy hết được tiềm năng của mình và hạn chế khả năng cạnh tranh của Việt Nam đối với nhu cầu việc làm và kỹ năng trong tương lai.
Trong báo cáo “Tương lai việc làm Việt Nam – Khía cạnh giới”, chúng tôi khuyến nghị kết hợp các chính sách, bao gồm sửa đổi Bộ Luật Lao động để đảm bảo sự bình đẳng về cơ hội trên thị trường lao động; giảm bớt các khó khăn về hộ gia đình; thực hiện đào tạo kỹ năng và tư vấn để mở rộng cơ hội việc làm cho phụ nữ trong các lĩnh vực liên quan đến khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học (STEM) vốn chỉ phổ biến với nam giới; và sử dụng luật lao động và nơi làm việc để khuyến khích sự thay đổi các chuẩn mực giới.
Sáng tạo để thay đổi - Bình đẳng giới không thể đạt được chỉ qua phát triển kinh tế. Cần có các chính sách và hoạt động có mục tiêu, sáng tạo và quan hệ đối tác mạnh mẽ. Dưới sự lãnh đạo của Chính phủ Việt Nam, Australia và Ngân hàng Thế giới đã hợp tác và cùng làm việc một cách có hệ thống để đảm bảo những khoản vốn đầu tư mới sẽ giải quyết những hạn chế về giới, ví dụ như quy hoạch đô thị phải đảm bảo nhu cầu về các cơ sở chăm sóc trẻ em.
Vào tháng 10/2018, chúng tôi đã khai giảng khóa học qua mạng bằng tiếng Việt “Pháp luật và Bình đẳng giới ở Việt Nam" thông qua Học liệu mở của Ngân hàng Thế giới, dành cho những cán bộ soạn thảo và phân tích, đánh giá tác động của luật.
Mặc dù học trực tuyến là một khái niệm mới ở Việt Nam, nhưng cách tiếp cận sáng tạo này đã thu hút rất nhiều sự quan tâm, với sự tham gia của Quốc hội, các bộ chủ chốt, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam và Viện Hàn lâm Khoa học Xã hội Việt Nam. Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội, đơn vị chủ trì hoạt động này, cũng đã yêu cầu khóa học trực tuyến được điều chỉnh để phục vụ các cán bộ ở cấp tỉnh và xã, là những người giám sát việc thực thi pháp luật.
Trong quá trình hợp tác với Chính phủ Việt Nam, chúng tôi rất cảm ơn vì được trao cơ hội đóng vai trò góp phần xây dựng một quốc gia thông minh, bình đẳng, nơi phụ nữ và trẻ em gái có thể theo đuổi ước mơ và phát huy hết tiềm năng của mình. Hôm nay, chúng ta hãy chúc mừng những thành tựu của phụ nữ Việt Nam và thêm phần quyết tâm làm nổi bật quyền và lợi ích chính đáng của họ và bảo vệ chúng.