Trên bảng tỷ số, không có nhiều thông tin về một quả phạt đền được thực hiện ngoài thành công hoặc thất bại. Tuy nhiên, không phải là không có gì để phân tích ở một quả phạt từ chấm 11 m.
Ngược lại, không có sự kiện hoặc tình huống nào khác trong bóng đá được tổ chức chặt chẽ như một quả phạt đền.
Do đó, về nhiều mặt, những cú sút này là đối tượng hoàn hảo cho việc phân tích thống kê.
Tỷ lệ sút phạt đền cao nhất mọi thời đại
Vòng 28 Premier League đã tạo nên một cột mốc đáng nhớ ở mùa giải này. Cụ thể, cú sút vọt xà ngang của Dominic Solanke là quả đá phạt đền đầu tiên ở mùa này đi chệch hoàn toàn khỏi khung thành.
Đây chính là minh chứng cho thấy các quả phạt đền về tổng thể đã tốt như thế nào ở Premier League mùa giải 2023/24.
Pha sút phạt đền thảm họa của Dominic Solanke. Ảnh: Reuters. |
Chỉ sau đó một ngày, ở trận cầu tâm điểm của vòng đấu khi Liverpool đối đầu Man City, từ cự ly 11 m, Alexis Mac Allister tung cú đá tự tin, gỡ hòa 1-1.
Cú đá này cũng giúp Allister lọt vào danh sách những cầu thủ thực hiện phạt đền tốt nhất Premier League với 9/10 lần đá vào từ chấm 11 m.
Giá trị bàn thắng kỳ vọng (xG) của mỗi quả phạt đền là 0,78, vì trung bình khoảng 78% trong số đó được chuyển hóa thành bàn thắng.
Trong cộng đồng phân tích bóng đá, đó là kiến thức phổ biến. Tuy nhiên, rất có thể mùa giải này của Ngoại hạng Anh sẽ khiến các trang thống kê phải suy nghĩ lại về tỷ lệ này.
Trung bình 4 trận của Ngoại hạng Anh mùa này sẽ có một quả phạt đền được thực hiện thành công. Đây cũng là tần suất cao thứ hai từ trước đến nay ở Premier League, chỉ sau mùa giải 2020/21.
Tuy nhiên, tỷ lệ sút phạt đền thành công của mùa giải năm nay lại đang ở mức cao nhất lịch sử, với 88,5% cầu thủ được hưởng quả phạt đền chuyển hóa thành bàn thắng.
Đây rõ ràng là một kết quả bất thường, đặc biệt là nếu so sánh với mùa trước, Premier League chỉ ghi nhận tỷ lệ sút phạt đền thành công là 74,75%.
Mặt trái của tỷ lệ sút phạt đền thành công đang ở mức rất cao này là khả năng cản phá của các thủ môn. Hiện tại, chỉ có Alphonse Areola là thủ môn duy nhất cản phá nhiều hơn một quả phạt đền trong mùa giải 2023/24.
Thống kê chi tiết về các quả phạt đền tại Premier League theo từng mùa giải. Ảnh: Opta. |
Theo thống kê, các thủ môn chỉ cản phá được 6/78 quả phạt đền ở mùa này, đồng nghĩa tới tỷ lệ cứu thua chỉ là 7,7%, thấp nhất trong toàn bộ lịch sử giải đấu.
Đây rõ ràng là một sự sa sút đáng ngạc nhiên về khả năng cứu thua trên chấm phạt đền. Kể từ mùa giải 1998/99 đến nay, chưa bao giờ các thủ môn có tỷ lệ cản phá phạt đền ít hơn 10%. Thậm chí, ở mùa giải trước, những người gác đền đã từ chối 17/99 cú sút, đạt tỷ lệ hơn 17%.
Thủ môn không còn được bảo vệ
Opta Analyst nhận định những thay đổi của Ủy ban Hiệp hội Bóng đá Quốc tế (IFAB) có thể là một trong những nguyên nhân chính.
Trước mùa giải 2019/20, IFAB công bố luật yêu cầu các thủ môn phải để ít nhất một chân trên vạch vôi khi đối thủ thực hiện cú đá phạt đền. Các thủ môn sẽ không được di chuyển, hoặc chạm vào xà, cột, lưới trước khi đối thủ thực hiện cú đá từ chấm 11 m.
Đến năm 2022, luật càng gắt gao hơn khi các thủ môn phải đứng cả hai chân trên vạch vôi trong thời điểm đối thủ thực hiện quả đá phạt đền, cả trong thời gian thi đấu chính thức, hiệp phụ lẫn loạt luân lưu.
Trước mùa giải 2019/20, IFAB công bố luật yêu cầu các thủ môn phải để ít nhất một chân trên vạch vôi khi đối thủ thực hiện cú đá phạt đền. Sau đó, luật tiếp tục yêu cầu các thủ môn phải đứng cả hai chân trên vạch vôi trong thời điểm đối thủ thực hiện quả đá phạt đền. Ảnh: IFAB. |
Cộng với sự áp dụng rộng rãi của công nghệ VAR, các thủ môn gần như không có cơ hội "lách luật" để thực hiện các hành động tâm lý có thể khiến đối thủ phân tâm khi đá phạt đền.
Hệ quả là trong 4 mùa giải sau đó, trung bình chỉ có khoảng 11,7% số quả phạt đền được cản phá mỗi mùa. Đây rõ ràng là một sự sụt giảm đáng kể so với mức 19,1% trong khoảng thời gian 4 năm trước đó.
Tất nhiên, một số điều chỉnh về quy tắc và sự xuất hiện của VAR hơn 4 năm trước không phải là lý thuyết duy nhất được đưa ra để giải thích khả năng chuyển đổi phạt đền tăng đột biến trong mùa giải này.
Đầu mùa giải này, The Athletic cho rằng số quả phạt đền được thực hiện bởi những cầu thủ thuận chân trái đang ngày càng tăng.
Điều này cũng được kiểm chứng bởi theo thống kê, tỷ lệ các cầu thủ thuận chân trái sút phạt đền trong mùa giải chiếm là 39,7%, cao hơn so với bất kỳ mùa giải Premier League nào trước đó.
Nên nhớ, ở mùa giải 2019/20, chỉ có 7 quả phạt đền được thực hiện bởi những cầu thủ thuận chân trái. Trong khi đó, mùa này, con số đã lên tới 31 và vẫn còn 101 trận đấu trong phần còn lại của Ngoại hạng Anh.
Đã có 5/9 cầu thủ ghi được ít nhất 3 bàn từ chấm 11 m ở mùa này bằng chân trái, bao gồm Cole Palmer, Mohamed Salah và Erling Haaland.
Việc có quá ít cầu thủ thuận chân trái sút phạt đền ở các mùa giải trước đã khiến các thủ môn quen thuộc với thói quen sút của các cầu thủ thuận chân phải. Do đó, khi số lượng cầu thủ thuận chân trái tăng lên đột biến, những người gác đền có vẻ đã bị động hơn bao giờ hết.
Việc ngày càng có nhiều cầu thủ thuận chân trái sút phạt đền đã khiến các thủ môn phần nào bị bất ngờ. Ảnh: AP. |
Từ thống kê này, Opta Analyst cho rằng có một lý thuyết hoàn toàn hợp lý rằng sự gia tăng đáng kể về số lượng người thực hiện thuận chân trái, kết hợp với những thay đổi luật trong năm mùa giải giải 2019/20 là một phần đằng sau sự cải thiện chung của tỷ lệ sút phạt đền.
Ngoài ra, đối với những cầu thủ thực hiện, các quả phạt đền liên quan nhiều đến tâm lý hơn là kỹ thuật vì thực tế là không có quá trình luyện tập nào có thể giúp họ tái tạo kịch bản tương tự, với áp lực trước mặt là hàng nghìn cổ động viên đang la hét.
Do đó, khi tiêu chuẩn của một cầu thủ trung bình ở Premier League đang ngày càng được cải thiện, điều này cũng góp phần giúp họ tự tin hơn trên chấm 11 m.
Những nhà khoa học tiên phong
"Những nhà khoa học tiên phong" là một cuốn sách thú vị về lịch sử của những phát minh nổi tiếng. Để có được những đóng góp vĩ đại cho nhân loại, các nhà khoa học nổi tiếng đã làm việc với lòng say mê và tinh thần học hỏi không ngừng.