Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Surigae báo hiệu một mùa bão rất dị thường

Chuyên gia nhận định việc siêu bão Surigae xuất hiện giữa tháng 4 là sớm hơn thường lệ, báo hiệu một mùa bão rất dị thường.

sieu bao gan Bien Dong anh 1

Ngày 20/4, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia nhận định siêu bão Surigae đã giảm cấp nhanh chóng sau 2 ngày hình thành và quần thảo trên biển. Hiện, hình thái này duy trì sức gió mạnh cấp 15 và khó có khả năng di chuyển vào Biển Đông, cũng như ảnh hưởng tới thời tiết nước ta.

Dù vậy, chuyên gia nhận định siêu bão xuất hiện ở vùng biển Tây Bắc Thái Bình Dương vào tháng 4 là sớm hơn thường lệ. Trao đổi với Zing, bà Lê Thị Xuân Lan, nguyên Phó phòng Dự báo, Đài Khí tượng Thủy văn Nam Bộ, nhận định sự xuất hiện của siêu bão vào thời điểm này báo hiệu một mùa bão dị thường.

Siêu bão xuất hiện ngày càng nhiều

Theo bà Lan, cách đây 20 năm, mùa bão ở khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương thường bắt đầu từ tháng 6 và kết thúc vào tháng 10, số lượng siêu bão không nhiều. Nhưng nhiều năm gần đây, mùa bão kéo dài ra và ngày càng xuất hiện nhiều siêu bão hơn. Điều này xảy ra do biến đổi khí hậu.

"Bão là một hệ thống nóng, mặt nước biển ngày càng ấm lên thuận lợi cho sự hình thành và phát triển của những cơn bão", bà Lan nói.

Dù vậy, chuyên gia cho rằng việc xuất hiện một siêu bão ở vùng biển Philippines vào giữa tháng 4 là rất hiếm. Thông thường, siêu bão sẽ xuất hiện trong các tháng chính vụ của mùa bão, từ tháng 8 đến tháng 11.

sieu bao gan Bien Dong anh 2

Hình ảnh vệ tinh của siêu bão Surigae thời điểm đạt cường độ cực đại với sức gió mạnh cấp 17, giật trên cấp 17. Ảnh: NICT.

Theo dữ liệu bão của Cơ quan Quản lý Khí quyển và Đại dương quốc gia Mỹ, Surigae là cơn bão mạnh nhất từ trước đến nay từng xuất hiện trong tháng 4, vượt qua cường độ của cơn Maysak hình thành vào tháng 4/2015.

Thời điểm đạt cường độ cực đại, sức gió của Surigae gần bằng siêu bão Haiyan từng khiến hơn 6.300 người chết khi đổ bộ Philippines năm 2013. Lúc đó, Haiyan xuất hiện vào tháng 11.

Do đó, bà Lan cho rằng với xu thế biến đổi khí hậu đang diễn ra cộng với việc siêu bão xuất hiện sớm, mùa bão năm nay trên khu vực Tây Bắc Thái Bình Dương, thậm chí là Biển Đông, sẽ diễn biến dị thường.

Mùa bão dị thường

Theo chuyên gia khí tượng, trạng thái mặt nước biển năm nay diễn biến ngược so với năm 2020. Mùa bão năm ngoái, bề mặt nước biển ở trạng thái La Nina. Đây là hiện tượng mặt nước biển lạnh đi một cách bất thường và là nguyên nhân gây ra mùa bão cực đoan trên Biển Đông.

Năm nay, La Nina đang chuyển sang pha trung tính. Do đó, mùa bão sắp tới khả năng ít cực đoan hơn, các cơn bão không dồn dập cùng thời điểm như năm trước. Tuy nhiên, chuyên gia cho biết không loại trừ khả năng xuất hiện các cơn bão mạnh, nguy hiểm.

Bà Lan phân tích trước đây, các cơn bão ở Biển Đông thường có cường độ yếu vì sau khi quét qua Philippines, việc ma sát với đất liền sẽ khiến bão giảm cấp. Tuy nhiên, nhiều năm gần đây, bà quan sát thấy những cơn bão mạnh trở lại sau khi vượt qua Philippines để vào Biển Đông, do gặp điều kiện thuận lợi như mặt biển ấm.

"Với xu hướng chung của biến đổi khí hậu, mùa bão năm nay ở Tây Bắc Thái Bình Dương và khu vực Biển Đông sẽ xảy ra những điều bất thường", chuyên gia nói.

sieu bao gan Bien Dong anh 3

Tháng 10-11/2020, 7 cơn bão và áp thấp nhiệt đới nối nhau vào Biển Đông gây mưa lớn, lũ lụt lịch sử ở miền Trung. Ảnh: Đoàn Nguyên.

Ông Nguyễn Văn Hưởng, Trưởng phòng Dự báo Khí hậu (Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia), cho biết năm nay, số lượng xoáy thuận nhiệt đới trên Biển Đông xấp xỉ trung bình nhiều năm, khoảng 10-13 cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới.

Tháng 6-7, phía bắc Biển Đông có thể đón cơn bão hoặc áp thấp nhiệt đới đầu tiên trong năm. Những tháng tiếp theo, xoáy thuận nhiệt đới gia tăng tần suất hoạt động, nhiều khả năng ảnh hưởng đến khu vực Bắc Bộ và Trung Bộ từ tháng 8 đến tháng 10.

Từ cuối tháng 8 trở đi, Bắc Bộ khả năng đón nhiều đợt mưa lớn diện rộng, có thể xảy ra mưa cực đoan. Đến tháng 9, theo quy luật, mưa dịch dần về phía các tỉnh miền Trung.

Ông Hưởng nhấn mạnh người dân cần đề phòng các cơn bão mạnh, có hướng di chuyển phức tạp và gây gió mạnh trên biển trong các tháng chính vụ của mùa mưa bão năm nay.

Nam Bộ bắt đầu mùa mưa

Theo chuyên gia Lê Thị Xuân Lan, siêu bão Surigae dù không tác động trực tiếp đến đất liền nhưng là nguyên nhân kích hoạt cho gió mùa Tây Nam hoạt động. Đây có thể là lý do mùa mưa ở Nam Bộ bắt đầu sớm hơn so với cùng kỳ nhiều năm.

Ngày 21-23/4, khi cơn bão Surigae đi vào gần miền trung Philippines, gió Tây Nam sẽ hoạt động mạnh hơn, gây mưa cho TP.HCM và nhiều nơi ở Nam Bộ. Sau đó, khi bão đi ngược ra Thái Bình Dương khiến gió Tây Nam yếu đi, mưa sẽ giảm.

sieu bao gan Bien Dong anh 4

Mùa mưa ở Nam Bộ năm nay bắt đầu sớm vào cuối tháng 4. Ảnh: Chí Hùng.

Nhận định thêm về mùa mưa ở Nam Bộ, bà Lan cho biết thời gian qua, nhiều nơi ở TP.HCM cũng như các tỉnh lân cận đã xuất hiện mưa lớn kèm theo dông. Dù vậy, lượng mưa này không đồng đều, có nơi hơn 100 mm, nhưng có nơi chỉ mưa nhỏ.

Nguyên nhân mưa lớn thời gian qua là Nam Bộ đang vào giai đoạn chuyển mùa. Sau 5-6 tháng mùa khô, thời tiết nắng nóng khiến hơi nước bốc lên cao và hình thành mây dông, gây mưa rào cho nhiều nơi.

Chuyên gia dự báo mùa mưa sắp tới, Nam Bộ có thể hứng chịu những cơn mưa lớn. Đặc biệt, những cơn bão xuất hiện trên Biển Đông sẽ khiến gió mùa Tây Nam thổi mạnh hơn, khiến mưa nhiều hơn. Khi đó, mưa sẽ trải trên diện rộng, không còn mưa ở vài điểm như vừa qua.

Sáng 20/4, Trung tâm Dự báo Khí tượng Thủy văn Quốc gia cho biết tâm bão Surigae cách đảo Luzon (Philippines) khoảng 425 km về phía đông nam. Sức gió mạnh nhất cấp 15 (165-185 km/h), giật trên cấp 17. So với 24 giờ qua, bão giảm đi 2 cấp.

Trong vòng đời còn lại, cứ sau 24 giờ, cơn bão có khả năng giảm 1 cấp. Cơ quan khí tượng nhận định bão Surigae rất ít có khả năng đi vào Biển Đông và hầu như không ảnh hưởng đến thời tiết đất liền Việt Nam.

Siêu bão Surigae di chuyển chậm, sức gió vượt 210 km/h

Với sức gió mạnh trên cấp 17, siêu bão Surigae đang đi chậm theo hướng tây tây bắc. Dù vậy, hình thái này khả năng sớm suy yếu.

Siêu bão ảnh hưởng như thế nào tới thời tiết TP.HCM?

TP.HCM thường xảy ra mưa vào buổi chiều. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của siêu bão Surigae, TP.HCM và các tỉnh, thành Nam Bộ có thể mưa bất kỳ lúc nào trong ngày.

Sieu bao Surigae suy yeu nhanh hinh anh

Siêu bão Surigae suy yếu nhanh

0

Surigae đã suy yếu nhanh xuống cấp 15, giật cấp 17, không còn mang đặc tính của một siêu bão. Cơn bão này rất ít khả năng đi vào Biển Đông và hầu như không ảnh hưởng đến nước ta.

Mỹ Hà

Bình luận

Bạn có thể quan tâm