Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

TL;DR

Super League - một cuộc ly khai thú vị

18/4/2021, có lẽ nhiều người hâm mộ bóng đá rồi sẽ nhớ ngày này. Chỉ từ một thông cáo báo chí, về cái gọi là European Super League, cả thế giới bóng đá chấn động.

Super League anh 1

Tiền. Tiền. Và tiền.

Đó chính là cơ sở cơ bản nhất cho một cuộc ly khai được xách động bởi 12 CLB lớn nhất của Anh, Italy, Tây Ban Nha. Họ có tiền và muốn được nhận tiền xứng đáng hơn với đầu tư của mình, mà theo họ cho là, đang bị UEFA chia chác không tương xứng tầm vóc.

Cơ sở nào cho một cuộc ly khai?

Thực chất, kể từ khoảng năm 1998, bóng đá đã thay đổi một cách chóng mặt, với sự tham góp của công nghiệp truyền thông. Nó không còn là cuộc chơi thể thao đơn thuần nữa, mà thay vào đó, nó nâng tầm trở thành một ngành công nghiệp giải trí hái ra tiền.

Nếu Real Madrid ở thời đoạn thập niên 1950s với chủ trương Galacticos 1.0 để tăng tính cạnh tranh, để bán được nhiều vé vào sân hơn, để chinh phục đỉnh cao thể thao đơn thuần thì chỉ nửa thế kỷ sau đó, các thế hệ Galacticos kế tiếp của họ còn để phục vụ mục đích khác nữa: Khai thác thương quyền.

Mùa giải 2019/20, giá trị từ quyền khai thác truyền thông của Champions League khoảng 2.4 tỷ USD. Các CLB tham dự giải đấu nhận được khoảng 51% số tiền này, và việc chia chác dựa trên số trận đấu, giá trị bản quyền từng vòng đấu... Khoảng 1.3 tỷ USD chia cho các CLB nghe có vẻ to, nhưng thực tế nó không thỏa mãn những ông lớn vốn dĩ phải chi hàng chục triệu USD tiền lương mỗi mùa cho mỗi ngôi sao. Và giới chủ CLB, vốn dĩ toàn tài phiệt tay to, não phủ đầy sạn, chắc chắn nhận ra sự phi lý ấy của UEFA. Họ chắc chắn không hài lòng.

Chúng ta hãy nhìn vào Bayern Munich. Họ vô địch Champions League và nhận được 19 triệu euro tiền thưởng. Bản quyền truyền hình ở Bundesliga mang lại cho Bayern khoảng 71 triệu euro nữa. Bản quyền truyền hình Champions League thì ít hơn, vì số lượng CLB chia chác cũng đông hơn và vị thế của Bayern ở Champions League cũng không lấn át như ở Bundesliga. Tính tổng lại số tiền giải thưởng và bản quyền truyền hình, rõ ràng chúng ta nhận thấy nếu không có các hoạt động thương mại khác, Bayern chắc phá sản mất.

Trong khi ấy, UEFA vẫn rất giàu.

Chủ tịch Perez của Real Madrid rất nghiêm túc với Super League. Ảnh: Getty.
Super League anh 2
Super League anh 2

Chủ tịch Perez của Real Madrid rất nghiêm túc với Super League. Ảnh: Getty.

Mâu thuẫn này là không thể chấp nhận bởi mô hình độc quyền kinh doanh nhưng đánh lẫn dưới tấm áo phi kinh doanh (thể thao). Quyền lực của UEFA thực tế là vô đối suốt nhiều thập niên qua, và nó khiến các CLB luôn mang ẩn ức của kẻ bị bóc lột, bị “xỏ mũi”.

Chính Greg Dyke, cựu chủ tịch FA (giai đoạn 2013-2016) từng tuyên bố về ngành công nghiệp bóng đá rằng: “Tôi có thể làm ăn với một thằng ngu. Tôi cũng có thể làm ăn với một kẻ lừa đảo. Nhưng tôi không thể làm ăn nổi với một thằng ngu cố trở thành kẻ lừa đảo”. Greg Dyke, trước khi trở thành chủ tịch FA, từng làm ở ITV và hồi cuối thập niên 1980s, ông ta từng đề xuất (và thành công) chi trả 1 triệu bảng Anh tiền bản quyền truyền hình (BQTH) cho mỗi 5 CLB lớn nhất của giải đấu. Tổng số tiền ITV trả cho tất cả đội thời điểm đó chỉ là 12 triệu bảng mà thôi.

Và nhắc lại khi đó, Greg Dyke kể rằng: “Khi nhắc đến tiền, ông chủ CLB nào mắt cũng lồi hết cả ra”. Còn bây giờ, giới chủ đã khác. Một triệu bảng Anh cho một ông chủ CLB như Man Utd chẳng hạn sẽ chỉ đủ để ông ta mở một bữa tiệc chúc mừng thành công của mùa giải cho nội bộ cầu thủ, ban huấn luyện (BHL), nhân viên mà thôi.

Giới chủ các CLB hôm nay không lồi mắt vì tiền. Ngược lại, đôi mắt họ nhìn về phía UEFA sâu hoắm, với đầy đủ sự tinh thông của những người lão luyện thương trường. Thông điệp của họ rất rõ: “Hãy cùng kiếm tiền, thật nhiều tiền. Nhưng quan trọng hơn, hãy chia chác nó để không ai thấy phiền”.

Cơ sở thứ hai để có cuộc đại ly khai này chính là khách hàng. Khách hàng là ai trong thế giới bóng đá? Đó chính là những người hâm mộ. Chỉ cần những cái tên Barca, Real, Man Utd, Milan, Juve, Liverpool thôi chứ chưa nói đến toàn bộ 12 CLB ly khai, chúng ta sẽ nhìn thấy lượng CĐV cơ sở của họ phải lên đến con số hàng tỷ. Các CLB đang nắm hàng tỷ khách hàng trong tay. Do đó, họ tự tin để tuyên bố về European Super League.

Hãy nhìn ở Việt Nam thôi, chúng ta sẽ hiểu. Muốn xem Champions League, Europa League và Premier League, bạn sẽ phải trả 119.000 đồng/tháng cho gói thuê bao rẻ nhất.

Đấy là Việt Nam. Mở rộng ra toàn cầu, với nhiều vùng có mức tiêu dùng cao hơn, bạn sẽ hiểu một người hâm mộ có thể chi bao nhiêu cho việc xem bóng đá qua truyền hình. Tất nhiên, không phải tất cả hàng tỷ CĐV của các CLB kể trên sẽ cùng mua thuê bao, nhưng con số chắc chắn là khổng lồ.

Tiền nhiều như thế. Chia chưa ưng ý thì bảo sao không ly khai?

Nhưng thực chất, đó không hẳn là một cuộc ly khai. Đó là một yêu sách cải cách Champions League sang hình thức mới, nhưng không được UEFA đồng ý nên nó có thể diễn biến từ cuộc cách mạng sang một đợt ly khai thực sự. Và UEFA, dù cứng rắn đến mấy cũng sẽ phải run. Đơn giản, CĐV trong tay CLB dù vẫn có vài ý kiến yếu ớt phản đối Super League. Họ sẽ làm bóng đá theo kiểu Mỹ đúng nghĩa, tương đồng với cách ngành công nghiệp bóng chày, bóng bầu dục, bóng rổ đang vận hành ở bên kia Đại Tây Dương.

Man United cũng nằm trong nhóm CLB dự Super League. Ảnh: Getty.
Super League anh 3
Super League anh 3

Man United cũng nằm trong nhóm CLB dự Super League. Ảnh: Getty.

Cái thế của UEFA

UEFA nắm trong tay một thứ vũ khí tối thượng là các khế ước bóng đá đã tồn tại cả thế kỷ nay rồi. Trên UEFA là FIFA, dưới UEFA là các liên đoàn thành viên ở châu Âu. Các giải vô địch quốc gia (VĐQG) là tài sản của LĐBĐ thành viên thật đấy, nhưng nó vẫn nằm dưới sự chi phối của UEFA. Đó là một hệ thống chặt chẽ thực sự. Và sự cứng rắn của UEFA lẫn FIFA đến từ chính sự chặt chẽ này.

Các giải đấu lớn đều là của chúng tôi: Từ Wold Cup, EURO, Champions League, Europa League cho tới các giải VĐQG. Nếu các anh manh động, chúng tôi khai trừ các anh chứ chẳng cần các anh phải ly khai. Đó chính là lý lẽ vững chắc mà UEFA đưa ra. Và FIFA, tất nhiên ủng hộ, sẽ tiện tay cấm luôn cầu thủ nếu anh tham gia các giải đấu bị coi là “trái phép”.

Đây là một đòn thực sự rất nặng mà các CLB sáng lập Super League phải đối phó. Chúng ta hãy tính toán sơ sơ thế này. Nếu có một cuộc ly khai thực sự, bất tuân thực sự, với tối đa là 20 CLB tham gia Super League theo thể thức chia 2 bảng, mỗi bảng 10 đội đá lượt đi, lượt về sân nhà sân khách, mỗi CLB sẽ đá khoảng bao nhiêu trận mỗi mùa? Kể cả vòng 16 đội, tứ kết, bán kết, chung kết, họ chơi đúng 26 trận. Bản quyền truyền hình, vé vào sân sẽ tính theo trận. Vậy thì so sánh với 52 trận đá ở giải VĐQG và Champions League (đó là còn chưa kể Cúp quốc gia...), số lượng “nội dung được sản xuất” mỗi mùa sẽ thụt giảm hẳn. Đây chính là bất lợi lớn mà các đội ủng hộ Super League chưa hề nói tới hoặc cố tình phớt lờ.

Và cơ bản nhất, hệ thống của thế giới bóng đá hiện nay là một hệ thống quyền lực tập trung và độc quyền. Những CLB Super League dường như đang là những nhà cách mạng tiên phong chống lại một thế lực độc quyền đã có những suy vi và hủ hóa suốt nhiều năm qua. Rõ ràng, FIFA và UEFA không có những cải cách đáng kể nào cho thấy sự tiến bộ của mình cũng như trách nhiệm xã hội thực sự mà họ cần gánh vác. Đơn cử như câu chuyện nghi vấn sử dụng lao động như nô lệ để xây dựng các sân bóng đá phục vụ Wold Cup 2022 chẳng hạn. Mọi thông tin đưa ra đều như đá ném ao bèo.

Tôi không thể làm ăn nổi với một thằng ngu cố trở thành kẻ lừa đảo

- Cựu chủ tịch Liên đoàn Bóng đá Anh Greg Dyke -

Cái thế của UEFA được tạo dựng từ cơ sở họ sở hữu các giải đấu, họ đặt ra luật chơi và giám sát theo luật từ cấp cao hơn (FIFA). Chính vì vậy, ở vụ Super League này, họ nhận được sự ủng hộ tuyệt đối của các liên đoàn thành viên. Thậm chí, vài CLB số má, vốn từng ở trong nhóm yêu sách với UEFA trong quá khứ, cũng đang ngập ngừng trong cuộc đại ly khai này bởi sự e dè. Đó là PSG, là Bayern, là Dortmund... Bản thân sự e dè của các ông lớn ấy cũng đủ điều kiện để UEFA càng cân nhắc hơn việc cứng rắn tuyệt đối với nhóm do Florentino Perez dẫn đầu.

Tuy nhiên, không hẳn cái thế của UEFA có sức mạnh tuyệt đối. Tính độc quyền của họ khiến họ dễ bị kháng cự trong hoàn cảnh thế giới tân tự do này. Chúng ta hình dung những giải đấu như Champions League, Europa League như những con đường mòn chẳng hạn. UEFA muốn đường ấy phải thành cao tốc. Và nhà thầu tham gia đầu tư dạng BOT cho cao tốc ấy chính là các CLB, với các khoản chi rất cụ thể cho truyền thông, cho tuyển trạch ngôi sao, cho huấn luyện, đào tạo... Ấy vậy mà khi xa lộ trở nên khang trang, cái trạm thu phí được đặt ra trên xa lộ đó lại không được quyền vận hành, giám sát bởi các nhà thầu, tức các CLB. Ở trong bối cảnh ấy, sự độc quyền của UEFA trở nên tàn bạo thực sự và do đó, những tiếng nói phản kháng, chống lại áp bức là vô cùng cần thiết.

Thêm vào đó, nói tới bản quyền, chúng ta sẽ nghĩ ngay rằng bóng đá hiện nay là một ngành kinh doanh nội dung. Trận đấu là nội dung, giải đấu cũng là nội dung. Vậy thì ai là người tạo ra nội dung? UEFA không tạo ra nội dung. Họ chỉ tạo ra nền tảng để nội dung được phát huy hết ưu thế của mình. Nói thẳng, UEFA rất giống YouTube, Facebook và các CLB chẳng khác gì những người dùng. Họ đóng góp nội dung cho sự phồn thịnh của nền tảng nhưng phải chấp nhận luật chơi không công bằng, có phần ngang ngược, của người chủ nền tảng, Và theo vận động của tự nhiên, có áp bức tất có đấu tranh; có đấu tranh bền bỉ, ắt có thành công cách mạng.

Song, vượt trên hết, người tham gia tạo nội dung lớn nhất chính là cầu thủ. CĐV là trọng tâm của thị trường, thì cầu thủ là trọng tâm của đơn vị sản xuất sản phẩm. Cầu thủ chơi bóng ở đâu, như thế nào, mới chính là yếu tố cả UEFA lẫn nhóm Super League chưa thể lường tới được.

Điều gì sẽ xảy ra nếu các CLB tham gia Super League bị cấm và các cầu thủ nếu muốn tiếp tục sự nghiệp không biến động gì thì phải rời khỏi các CLB ấy. Nghe thì rất dễ nhưng mường tượng xem một CLB như Everton có thể trả lương cho Pogba hay không nếu anh ta rời Man Utd chỉ vì lệnh cấm kia? Pogba có sẵn lòng đánh đổi một nơi lương cao ngất ngưởng để tới một nơi anh ta chỉ nhận được phân nửa, nếu không nói là kém hơn? Sẽ chỉ có thể tồn tại điều đó nếu có một sự tháo chạy hàng loạt với đồng thuận về chuyện điều chỉnh lương thấp xuống hơn nhiều lần của các siêu sao mà thôi.

Nhưng ở chiều ngược lại chẳng hạn, sẽ có những cầu thủ sẵn sàng bỏ các giải đấu truyền thống để đến với các CLB Super League vốn dĩ đang khan hiếm nhân sự ở thời điểm tháo chạy (nếu có) kia bởi sức hấp dẫn của đồng tiền. Cả hai xu hướng này hoàn toàn có thể xảy ra. Nó là khả năng bỏ ngỏ như vô vàn khả năng khác. Và chúng ta cần nhớ, bóng đá là một nghề. Cầu thủ hành nghề vì cái gì? Tiền, danh vọng, danh hiệu. Chấm hết.

Nếu không có ngôi sao, Super League có còn “super”? Nếu không có cầu thủ, CLB không còn là CLB. Nếu không còn CLB, giải đấu cũng không còn. Do đó, phía các CLB Super League sẽ cần lưu ý trước mắt chuyện giữ chân ngôi sao. Đơn giản, kể cả ngôi sao còn hợp đồng 3 năm, 5 năm với CLB đi nữa, thì họ hoàn toàn có quyền tự do phá vỡ hợp đồng ấy bởi lệnh cấm của UEFA là một dạng bất khả kháng.

Tương lai nào cho Super League?

Super League có diễn ra được hay không? Super League (nếu diễn ra được) có hấp dẫn hay không? Tất cả đều là câu hỏi bỏ ngỏ. Nhưng chắc chắn, vụ rùm beng này là một cuộc đại ly khai cực kỳ lý thú, bởi kết quả của nó là bất khả tiên đoán đối với chúng ta.

Thực tế, nếu các CLB lớn kia hướng tới xây dựng một liên đoàn bóng đá quốc tế độc lập, có tính cạnh tranh với FIFA và UEFA kiểu như các liên đoàn trong quyền anh, kết cục có thể sẽ rất khác, và UEFA cũng như FIFA sẽ đau đầu vô cùng. Khi ấy, tài sản lớn nhất của họ chỉ là tính lịch sử của các giải đấu trong tay họ mà thôi. Mà lịch sử thì cũng dần phôi pha nếu cái mới hấp dẫn hơn và tự tạo ra lịch sử mới với hàng loạt thế hệ khán giả mới mẻ sau này. Nhưng dường như chưa thấy một động thái ly khai quyết liệt tới mức đó của nhóm Perez cầm đầu.

Vậy thì có khả năng Super League vẫn nghiễm nhiên diễn ra hay không? Có thể lắm nếu các CLB sáng lập giải quyết được hàng loạt nan giải kể trên. Nhưng có lẽ, hướng đi sẽ là đối thoại, như hướng đi của thế giới hiện nay. Khả năng UEFA phải thỏa hiệp là cao nhất. Đơn giản, bản thân Champions League và Europa League cũng mất sức hấp dẫn đi rất nhiều trong những năm qua. Cải cách giải đấu là việc UEFA cần phải làm, kể cả là khi không tồn tại một nguy cơ Super League.

Nếu hợp nhất Champions League với Super League để thành một dạng như UEFA Elite League chẳng hạn, điều đó sẽ là hợp lý hơn cả. Nó vừa thỏa mãn được CLB, vừa thỏa mãn quyền thống trị của UEFA. Nhưng vượt trên hết vẫn phải là tiền. Dù có cải cách giải đấu hấp dẫn đến mấy đi nữa, nó phải đáp ứng được vấn đề ăn chia. Và rất có thể, sẽ hình thành một loại đàm phán một đối một giữa UEFA với từng CLB về số tiền CLB nhận được cho mỗi trận cầu. Đó là cách chơi sòng phẳng nhất, thị trường nhất song cũng vất vả cho UEFA nhất.

Quan trọng, UEFA có “chăm làm” hay không mà thôi. Từ lâu rồi, họ tồn tại như một vương triều độc đoán với sức mạnh hoàng quyền tuyệt đối. Trong khi đó, các CLB không phải các lãnh chúa mà thực sự đang là những nhà tư bản muốn thay đổi cái bộ máy hoàng quyền ấy. Nếu Super League làm được điều thay đổi đáng chờ đợi này, nó sẽ là quả bom thay đổi hoàn toàn diện mạo bóng đá vượt tầm quả bom Bosman năm nao tới nghìn lần.

Bài liên quan

Super League học theo mô hình NBA?

Super League học theo mô hình NBA?

Ngay sau khi Super League được thành lập, giới chuyên môn đã nghĩ đến mô hình hiện tại của giải Bóng rổ Nhà nghề Mỹ (NBA).

Super League phản bội để sinh tồn

Super League phản bội để sinh tồn

Việc chia phe ở sự kiện như Super League là điều dễ hiểu, song nếu nhìn nhận vào bản chất, UEFA và 12 CLB đòi lập giải đấu riêng đang nói và làm những vấn đề khác nhau.

Hà Quang Minh