Khoảng 5-6h sáng mỗi ngày, vỉa hè đường Đinh Tiên Hoàng, ngay sát hồ Gươm, trở thành nơi tập kết, sắp xếp báo trước khi được chuyển đi các sạp báo, các thư viện trên địa bàn thành phố Hà Nội.
|
Trải qua nhiều năm, điều này đã trở thành một nét văn hoá của thủ đô, điểm xuyết nét phong phú vào văn hoá đọc của người Hà Nội
|
Anh Vượng, 46 tuổi, làm nghề giao báo cho biết: cứ 4h là tôi lại đi từ Hà Đông đến nhà in để lấy báo rồi ra đây ngồi phân loại trước khi chuyển đến các cơ quan, trường học.
|
Những người đi tập thể dục quanh hồ Gươm mỗi sáng có thói quen dừng lại tại đây mua báo đọc những tin tức mới nhất.
|
Sau khi sắp xếp, phân loại, báo từ “trung tâm phát hành báo vỉa hè” sẽ toả đi khắp thành phố Hà Nội để đảm bảo báo đến tay người đọc trước 7h.
|
Dù không còn đông khách như xưa nhưng ông chủ sạp báo ở 71 Hàng Trống vẫn duy trì cái nghiệp đã gắn bó 30 năm nay.
|
Bởi nơi đây ông có những người khách quen mà chỉ cần nhìn mặt cũng biết họ sẽ mua tờ báo nào.
|
Với nhiều người, đọc báo giấy vẫn là món ăn tinh thần không thể thiếu.
|
Trên phố Hàng Bồ, ông Hải đã làm nghề bán báo hơn 40 năm. 10 năm nay, do tuổi cao nên ông để con trai tiếp nối sự nghiệp. Tuy vậy, mỗi ngày ông vẫn có thể đọc hàng chục tờ báo mà không cần dùng kính.
|
Báo giấy cũng là nguồn thông tin cho những người lao động phổ thông. Chị Nhật, làm nghề bán bánh trên phố Hàng Bạc ngày nào cũng phải đọc hết 2 tờ trong khi chờ khách.
|
Ông Lý Tuấn Phong(trái, 59 tuổi) ngày nào cũng đạp xe 4km lên hồ Gươm để đọc báo ở bảng tin. Ông cho biết: Báo in dễ đọc và có cảm giác tin tưởng hơn. Mặt khác, tôi không biết dùng công nghệ nên không đọc được báo điện tử.
|
Với lượng độc giả trung thành, sức sống của báo in vẫn còn mạnh mẽ. Những tờ báo giấy sẽ vẫn còn hiện diện trong đời sống của người dân.
|