Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sức mạnh 'pháo đài' mang tên Syria (kỳ 2): Cạm bẫy trên bộ

Khả năng không kích gặp khó khăn, một thách thức lớn nữa với Mỹ và đồng minh là phương án tấn công trên bộ dường như là nhiệm vụ bất khả thi.

Sức mạnh 'pháo đài' mang tên Syria (kỳ 2): Cạm bẫy trên bộ

Khả năng không kích gặp khó khăn, một thách thức lớn nữa với Mỹ và đồng minh là phương án tấn công trên bộ dường như là nhiệm vụ bất khả thi.

Thực lực quân sự của Syria không hề yếu kém, quân đội Syria cũng dày dạn kinh nghiệm tác chiến (Syria tham chiến đầy đủ trong 5 cuộc chiến tranh giữa thế giới Arab và Israel). Hơn nữa, họ lại có Nga và Iran đứng sau lưng. Iran sở hữu kho vũ khí hóa học khổng lồ với nền tảng công nghệ còn cao hơn cả Iraq. Vì vậy, Tổng thống Assad không hề bốc đồng khi để ngỏ khả năng sử dụng vũ khí sinh, hóa. Mặc dù Mỹ và NATO không thiếu các trang bị kiểm định vũ khí hóa học. Trên thực tế, từ kiểm định đến tiêu hủy là một vấn đề phức tạp, trong cuộc chiến khốc liệt họ không thể yên tâm tác chiến khi thảm họa vũ khí sinh, hóa lúc nào cũng lơ lửng trên đầu và đâu phải lúc nào cũng kè kè bên mình kho thuốc tẩy rửa, tiêu độc?

Xét về lí thuyết, quân đồng minh có thể tiến công trên bộ vào Syria từ 4 hướng: ở phía Bắc, sử dụng bàn đạp từ Thổ Nhĩ Kỳ để tiến xuống, phía Tây - Tây Bắc có thể đổ bộ quân từ biển Địa Trung Hải, phía Tây Nam có thể vượt cao nguyên Golan với các bàn đạp ở Israel, còn ở phía Đông thì tiến vào từ phía Iraq, đặt Syria vào tình thế “tứ diện thụ địch”. Thế nhưng trên thực tế mọi việc không hề đơn giản như vậy. Với địa hình đặc biệt của mình, khu vực trung tâm kinh tế, chính trị Syria ở phía nam với thủ đô Damacus được “bảo vệ tự nhiên” nhờ biên giới giáp với Jordan và Lebanon, chỉ có duy nhất mũi tấn công ở giữa 2 nước này từ Israel qua cao nguyên Golan với bình diện tấn công nhỏ, hẹp, địa hình phức tạp, khó cơ động và triển khai hỏa lực hạng nặng. Còn mũi tấn công từ Iraq (tính theo điểm giáp biên giới gần nhất) xa gấp hơn 3 lần, còn từ hướng Thổ Nhĩ Kỳ xuống lên tới hàng chục lần tính theo đường chim bay.

Khi đó, Syria chỉ cần cố gắng cầm chân các mũi tấn công từ xa, rồi tập trung lực lượng quân sự rất mạnh ở phía nam đối phó với mũi tấn công của Isael. Đồng thời họ chỉ cần cung cấp vũ khí và tiền bạc cho các tổ chức hồi giáo Hezbollah ở Jordan và Lebanon đẩy mạnh hoạt động tiến công 2 bên sườn phía sau lưng cách quân của Israel và biên giới phía tây nam Iraq thì việc đánh lui cánh quân này là không khó, thậm chí còn có thể thu hồi lại cao nguyên Golan. Thực tế cũng chứng minh, năm 1967, mặc dù Tel Aviv giành được thắng lợi nhưng họ cũng không đủ lực đánh chiếm toàn bộ cao nguyên Golan, cho đến giờ Syria vẫn còn giữ được 1/3 cao nguyên và xây dựng căn cứ phòng thủ vững chắc tại đây.

Ảnh: bản đồ địa lý Syria và các nước lân cận. (AFP)

Về phía Israel, việc xâm chiếm nhiều vùng lãnh thổ của các nước khác và gây hấn với hầu hết các quốc gia Ả-rập trong khu vực đã đem đến cho họ quá nhiều rắc rối. Vấn đề bán đảo Sinnai, các vùng đất chiếm đóng của Palestine, xung đột biên giới với Lebanon và Jordan cùng với nguy cơ bị khủng bố diễn ra hàng ngày. Hơn nữa, nếu họ tập trung quân tiến sâu vào lãnh thổ Syria, các lực lượng phiến quân ở Dải Gaza nhân cơ hội này trỗi dậy tấn công phía sau lưng thì họ sẽ giải quyết thế nào? Những vấn đề này khiến Israel khó có thể tập trung toàn lực đối phó với Syria.

Còn hướng tấn công từ phía Bắc và phía Đông thì vấp phải trở ngại rất lớn từ Iran. Việc có chung đường biên giới với Tehran làm cho Ankara và Baghdad luôn có cảm giác bất an. Hơn nữa, ở thời điểm hiện tại, Iraq đang quá đau đầu để giải quyết vấn đề xung đột sắc tộc, giáo phái, khủng bố, hầu như không có ngày nào đất nước này im tiếng súng, tiếng bom. Thổ Nhĩ Kỳ tuy bề ngoài có vẻ yên ổn nhưng thượng tầng của họ luôn tiềm ẩn nguy cơ bất ổn chính trị kéo dài. Từ đầu năm đến nay, ở Thổ Nhĩ Kỳ xảy ra liên tiếp 3 vụ việc liên quan đến các âm mưu đảo chính quân sự. Vào tháng 4, Ankara bắt giữ 10 quan chức quân sự, trong đó có 4 tướng lĩnh dính líu đến vụ lật đổ chính quyền năm 1997. Đầu tuần trước, Thổ Nhĩ Kỳ xét xử 2 tướng lĩnh tham gia đảo chính năm 1980. Gần đây nhất, ngày 04/08 Ankara cho nghỉ hưu 56 tướng lĩnh, 40 người trong số đó bị bắt giữ để điều tra âm mưu đảo chính  năm 2004 và 2008.

Với tình hình rắc rối như vậy, Thổ Nhĩ Kỳ và Iraq tự lo cho mình cũng chẳng xong, nói gì đến phối hợp với Mỹ đánh Syria. Nhưng ngay cả khi họ không cử quân đội tham chiến thì Iran cũng không chịu để yên khi họ cho phép Mỹ sử dụng nước mình làm bàn đạp tấn công Syria. Còn Mỹ cũng không thể để các đồng minh của mình làm mồi cho tên lửa đạn đạo tầm xa của Iran, ở đây còn chưa nói là khả năng Iran xua quân vượt biên giới tiến đánh 2 nước này để “chia lửa” cho Syria là không hề nhỏ nên Mỹ không thể không suy xét kỹ lưỡng.

Trong cuộc chiến vùng Vịnh, lục quân Mỹ và đồng minh hưởng lợi rất nhiều từ chiến dịch không kích mang tên “Bão táp sa mạc”. Khi bắt đầu tiến công trên bộ, ngoài việc làm tê liệt toàn bộ hệ thống phòng không và máy bay chiến đấu của Iraq, không quân đồng minh đánh tan các trận địa hỏa lực và các công trình phòng thủ kiên cố để lục quân đồng minh triển khai mà không gặp phải sự ngăn trở hỏa lực nào đáng kể. Khi triển khai “Chiến dịch cát sa mạc”, với địa hình chủ yếu là sa mạc bình địa, chiến trường Iraq rất thuận lợi cho Mỹ triển khai các trang bị tấn công cơ động nhanh như xe chiến đấu bộ binh, xe thiết giáp chở quân để tiến hành các mũi thọc sâu tấn công nhanh làm tê liệt trung tâm chỉ huy phòng ngự của Iraq.

Tại chiến trường Syria, với địa hình cao nguyên núi đá, đan xen sa mạc, rừng núi, đồng bằng và sông ngòi, với hạ tầng đường sá và cầu cống yếu kém của Syria, khả năng cơ động của trang bị hạng nặng của lục quân đồng minh sẽ bị hạn chế rất nhiều. Khi đó, trang bị chủ chiến hạng nhẹ dễ cơ động của Syria bao gồm hơn 2.100 xe thiết giáp và trên 5.000 xe tăng (chủ yếu là T-72 của Nga, trong đó có hơn 1.000 chiếc được trang bị vỏ thép đặc biệt chống các loại hỏa lực chống tăng) lại tỏ ra có ưu thế. Syria còn sở hữu hàng trăm bệ phóng cơ động tên lửa đất đối đất tuy cũ nhưng khá mạnh là Scud-C với tầm bắn 500 km mua từ Triều Tiên và Scud-D với tầm bắn nâng lên 700 km được Syria tự phát triển với sự hỗ trợ của Iran, Triều Tiên. Để đối phó với nó, NATO sẽ phải triển khai rất nhiều hệ thống tên lửa đánh chặn Patriot, điều đó sẽ rất khó với địa hình phức tạp ở Syria.

Ảnh: Syria được cho là sở hữu hàng nghìn tăng T-72.

Hơn nữa, không gian tác chiến trên bộ sẽ chủ yếu diễn ra trong thành phố với địa hình phức tạp, khoảng cách ngắn trong tầm nhìn thấy, thuận lợi cho tác chiến kiểu du kích hoặc tác chiến quy mô nhỏ. Khi đó, máy bay tàng hình, tên lửa hành trình hoàn toàn mất ưu thế, với tác chiến kiểu cài răng lược thế này, khả năng triển khai hỏa lực lớn là điều không thể, mọi khó khăn chỉ có thể được giải quyết bằng nắm đấm của bộ binh. 

Rút kinh nghiệm từ cuộc chiến Iraq nên trong các cuộc diễn tập tháng 12/2011 và tháng 7/2012, Syria chú trọng thực hiện các bài tập tấn công mặt đất kết hợp giữa trực thăng tấn công tiên tiến Mi-25 với pháo mặt đất, pháo hỏa tiễn, pháo cối và đặc biệt là dàn pháo phản lực 40 nòng BM-21 Grad do Nga sản xuất. Một tiểu đoàn tên lửa thường được bố trí 18 dàn phóng với tổng cộng 720 quả tên lửa, thời gian xác định mục tiêu và khai hỏa chỉ trong vòng 3 phút. Trong điều kiện tác chiến, trong vòng vài chục giây một tiểu đoàn có thể đồng loạt phóng tất cả 720 quả rocket về phía trận địa đối phương.

Với sự chuẩn bị kỹ càng của Damacus, đối chọi với quân đội NATO đa quốc gia với những tiêu chuẩn chiến, kỹ thuật khác nhau lại không còn những ưu thế vượt trội về hỏa lực, chắc chắn quân đồng minh sẽ bị cuốn vào một cuộc chiến dằng dai và có thể sẽ bị sa lầy, không lối thoát. Như vậy cả trên không, trên bộ quân đồng minh đều gặp những khó khăn không nhỏ từ phía Iran và Syria, còn trên hướng biển thì sao?

Kỳ 3: "Bộ ba" lá chắn biển

Theo Đất Việt

Theo Đất Việt

Bạn có thể quan tâm