Với bản chất của chiến tranh thương mại, sẽ không có nước nào tham gia được lợi. Mỹ và Trung Quốc hiểu rõ điều này và đều cố gắng trở thành nước chịu thiệt hại ít hơn.
Tuy nhiên, khi kinh tế thế giới đang ngày càng mở, các nền kinh tế có mối liên kết ngày càng chặt chẽ thì hậu quả của một cuộc chiến tranh kinh tế giữa Mỹ và Trung Quốc càng trở nên khó lường.
Mỹ "chấp nhận thương đau"
New York Times bình luận, Tổng thống Donald Trump hiểu rõ chiến tranh thương mại sẽ khiến các bên cùng thua, nhưng sẽ có những người chịu thiệt hại ít hơn trong cuộc chơi này.
Ông Trump mong muốn người dân Mỹ chịu thiệt hại kinh tế trước mắt để có được những lợi ích lâu dài. Ảnh: Reuters. |
Nước Mỹ có thể tách mình khỏi những hệ lụy từ sự hung hăng thương mại nhiều hơn đa số những đối thủ còn lại. Là một nền kinh tế lớn với nội lực mạnh, Mỹ có thể trông chờ vào tiêu dùng trong nước cho hàng hóa và dịch vụ một khi cơ hội xuất khẩu bị thu hẹp.
Đối đầu với Trung Quốc, đồng nghĩa Mỹ chấp nhận việc 545 mặt hàng Mỹ xuất khẩu sang quốc gia tỷ dân, trị giá 34 tỷ USD, sẽ bị Trung Quốc giáng thuế đáp trả.
Những mặt hàng này trải từ xe hơi, máy bay tới... đậu tương, một trong những sản phẩm nông nghiệp xuất khẩu chủ đạo của Mỹ. Đòn đáp trả của Trung Quốc đã chính thức có hiệu lực chỉ vài giờ sau khi Mỹ áp thuế với hàng hóa từ nước này.
"Sẽ có một chút đau đớn trong một lúc ban đầu. Tuy nhiên, những người bạn nông dân của tôi, những người yêu nước, về dài hạn thì cuối cùng các bạn sẽ có cuộc sống tốt hơn nhiều", ông Trump phát biểu trước cử tri tại Michigan vào tháng 4/2018.
Câu nói thể hiện rõ tinh thần của ông Trump với cuộc chiến tranh thương mại đang nổ ra. Ông mong muốn người dân Mỹ sẵn sàng tinh thần để chịu thiệt hại kinh tế trước mắt và kỳ vọng sẽ thu về những lợi ích lâu dài.
Năm 2017, theo số liệu của cơ quan chức năng Mỹ, nước này thâm hụt thương mại hơn 375 tỷ USD với Trung Quốc. Ông Trump không muốn điều đó tiếp diễn. Tuy nhiên, nếu chiến tranh kinh tế tiếp tục leo thang, khả năng cao con số các mặt hàng Mỹ bị đánh thuế sẽ không chỉ dừng ở 545.
Hơn thế nữa, Mỹ đang không chỉ chiến tranh thương mại với Trung Quốc mà còn cùng lúc chịu áp lực từ nhiều nền kinh tế khác như Canada, Mexico hay châu Âu.
"Trong trường hợp chiến tranh thương mại toàn diện, nhiều khả năng Mỹ sẽ lâm vào suy thoái trong năm 2019 với tỷ lệ thất nghiệp tăng gấp đôi", các nhà phân tích của Macquarie nhận định.
Trung Quốc yếu thế vì là nước xuất khẩu
Trong cuộc chiến tranh thương mại mới nổ ra, có thể thấy Mỹ luôn hành động trước còn Trung Quốc là bên đáp trả, phản ứng với mỗi động thái của Mỹ.
Phía Trung Quốc cũng nhiều lần khẳng định sẽ không phải là bên khơi mào chiến tranh thương mại. "Quan điểm của Chính phủ Trung Quốc đã nhiều lần được khẳng định. Chúng tôi sẽ không khơi mào và sẽ không áp thuế với hàng hóa từ Mỹ trước nếu Mỹ không làm điều tương tự", người phát ngôn Trung Quốc nhận định và từ chối bình luận thêm.
Với vị thế là nước xuất khẩu, về mặt lý thuyết, Trung Quốc đang là nước ở cửa dưới. Ảnh: AFP. |
Trung Quốc rõ ràng không muốn chiến tranh thương mại với Mỹ khi kim ngạch thương mai hai bên đang có lợi cho Trung Quốc và nước này đang tích lũy nhiều thành tựu công nghệ từ Mỹ trong quá trình giao thương.
Một cuộc chiến tranh thương mại với Mỹ sẽ khiến các doanh nghiệp Trung Quốc gặp nhiều khó khăn bởi Mỹ là bạn hàng lớn nhất của Trung Quốc, chiếm 18,4% kim ngạch xuất khẩu của nước này theo số liệu từ Santander.
"Phát súng" mở màn của Mỹ đã đưa 34 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu từ Trung Quốc vào nhóm bị đánh thuế 25%, bao gồm nhiều mặt hàng như máy móc, thiết bị điện tử và công nghệ cao.
Và với động thái đáp trả khi đánh thuế 34 tỷ USD hàng hóa xuất khẩu từ Mỹ, Trung Quốc sẽ phải chuẩn bị đón nhận đòn tiếp theo từ ông Trump như ông từng hứa trước đó.
"Nếu Trung Quốc có hành động trả đũa, sẽ có thêm 400 tỷ USD hàng hóa của Trung Quốc bị đánh thuế", Tổng thống Mỹ từng khẳng định.
Theo lý thuyết, trong một cuộc chiến tranh thương mại, nước nhập khẩu sẽ chịu ít thiệt hại hơn nước xuất khẩu. Điều này phần nào lý giải vì sao ngay sau khi chiến tranh thương mại nổ ra, đồng USD lên tục tăng giá nhẹ trong khi đồng Nhân dân Tệ lại mất giá.
Tờ Nam Hoa Nhật Báo cũng nhận định, Trung Quốc hiện chưa mua đủ hàng hóa từ Mỹ để có thể nắm lợi thế khi chiến tranh thương mại nổ ra. Hơn nữa, rất nhiều hàng hóa Trung Quốc áp thuế được các doanh nghiệp Mỹ thuê gia công ngay chính tại Trung Quốc nên trong nhiều trường hợp, Trung Quốc đang tự làm khó các doanh nghiệp nội địa.
Ở chiều ngược lại, các doanh nghiệp Trung Quốc không tạo quá nhiều ảnh hưởng trên đất Mỹ, do đó lợi thế trong chiến tranh thương mại vẫn đang nằm trong tay Mỹ. Theo nhiều chuyên gia, điều này giải thích vì sao Trung Quốc chỉ đáp trả chứ không muốn leo thang.
Tuy nhiên với vị thế là trung tâm sản xuất của thế giới, các doanh nghiệp Trung Quốc vẫn rất quan trọng trong chuỗi cung ứng của các doanh nghiệp Mỹ. Nhờ vậy, Trung Quốc vẫn có những lá bài nhất định có thể dùng đến khi chiến tranh thương mại xấu đi.