Sửa luật thuế giá trị gia tăng: Khó cho doanh nghiệp
Nếu định mức tiền thuế đầu vào tối thiểu để được hoàn thuế đối với đầu tư và xuất khẩu trong dự thảo nâng lên cao gấp 2,5 lần so với hiện tại sẽ gây thêm khó khăn về vốn cho doanh nghiệp...
Chiều 28/5, tại phiên thảo luận về dự án sửa đổi, bổ sung một số điều Luật thuế giá trị gia tăng, hai vấn đề chính được các đại biểu lên tiếng nhiều nhất là đề xuất tăng định mức hoàn thuế và mở rộng đối tượng thuộc nhóm không chịu thuế.
Đại biểu Dương Quang Sơn phát biểu tại phiên thảo luận ở hội trường chiều 28/5. |
Đại biểu Dương Quang Sơn (Bắc Kạn) cho rằng, nếu nâng mức tối thiểu được hoàn thuế là 500 triệu đồng thay vì 200 triệu đồng như trước đây sẽ có rất ít doanh nghiệp được hoàn thuế và có những doanh nghiệp rất lâu mới được hoàn thuế.
"Thuế giá trị gia tăng là thuế gián thu, càng có nhiều nhóm đối tượng không chịu thuế thì doanh nghiệp càng gặp khó. Nên giảm tối đa nhóm đối tượng này" - theo đại biểu Dương Quang Sơn. |
Đại biểu Trần Văn Huynh (Kiên Giang) đề nghị giữ mức hoàn thuế tối thiểu là 200 triệu đồng, vì định mức tiền thuế đầu vào tối thiểu để được hoàn thuế đối với đầu tư và xuất khẩu trong dự thảo được nâng lên cao gấp 2,5 lần so với hiện tại sẽ gây thêm khó khăn về vốn cho doanh nghiệp.
Đây cũng là quan điểm được đưa ra trong báo cáo thẩm tra dự thảo Luật thuế giá trị gia tăng (GTGT) của Ủy ban Tài chính - ngân sách của Quốc hội: trong bối cảnh hiện nay, việc nâng mức hoàn thuế tối thiểu với mức nâng khá lớn (gấp 2,5 lần) sẽ gia tăng khó khăn về vốn cho doanh nghiệp do chậm được hoàn thuế. Do đó, đề nghị giữ như hiện hành hoặc quy định mức tiền thuế tối thiểu được hoàn thấp hơn so với mức Chính phủ trình.
Mở rộng đối tượng không chịu thuế, doanh nghiệp thiệt
Đại biểu Nguyễn Thanh Hải (Hòa Bình) cho rằng, dự thảo luật đã đưa ra 25 nhóm đối tượng vào diện không phải chịu thuế là nhiều và không phù hợp với chiến lược cải cách thuế theo hướng giảm bớt nhóm hàng hóa dịch vụ không chịu thuế. Vậy là ta đi ngược lại chiến lược cải cách thuế 2011-2020.
“Bản chất thuế GTGT là đánh trên sự tiêu thụ do người mua phải chịu chứ không phải người bán. Do đó càng mở rộng nhiều đối tượng không chịu thuế thì càng gây khó khăn cho doanh nghiệp bán hàng hay nhà cung cấp dịch vụ chứ hoàn toàn không mang lại ưu đãi cho doanh nghiệp, bởi vì doanh nghiệp sẽ mất quyền khấu trừ thuế đầu vào của hàng hóa, dịch vụ khi mua vào, cụ thể như hóa đơn tiền thuê văn phòng, tiền điện, tiền nước, tiền điện thoại, Internet, văn phòng phẩm...” - bà Hải nói.
Các đại biểu cũng đề xuất đưa nhóm “sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản khai thác chưa chế biến thành sản phẩm khác” ra khỏi nhóm không chịu thuế và chuyển qua chịu thuế với mục tiêu để bảo vệ tài nguyên, hạn chế xuất thô.
Quên các tập đoàn kinh tế?
Sáng cùng ngày, thảo luận về điều 170 Luật doanh nghiệp, đa số đại biểu Quốc hội thành phố Hà Nội nhất trí sửa đổi, bổ sung điều 170 theo hướng bỏ thời hạn đăng ký kinh doanh của doanh nghiệp nước ngoài, cho phép các doanh nghiệp này đăng ký lại để tiếp tục sản xuất, kinh doanh hoặc mở rộng sản xuất kinh doanh.
Tuy nhiên, không ít đại biểu khác cho rằng Luật doanh nghiệp có nhiều vấn đề phải sửa còn quan trọng hơn cả điều 170. Như đại biểu Nguyễn Hồng Sơn (Hà Nội) phân tích: “Hôm nay đặt lên bàn Quốc hội đề nghị sửa điều 170, vậy hôm sau sẽ tiếp tục đặt lên đề nghị sửa điều gì nữa? Tôi đề nghị không thông qua luật này, chờ nghiên cứu sửa căn bản Luật doanh nghiệp bởi nội dung luật này đang tồn tại nhiều vấn đề bất cập. Tôi lấy ví dụ như đang có tình trạng doanh nghiệp lập ra mà không làm gì cả, chỉ để lấy hóa đơn, mua bán hóa đơn rồi hoàn thuế. Đấy là lỗ hổng của luật chứ còn gì nữa”.
Bức xúc, Phó chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp Nguyễn Đình Quyền phát biểu: “Liên quan đến Luật doanh nghiệp, tôi xin đề nghị lần thứ ba tại diễn đàn Quốc hội: theo chủ trương của Đảng, Chính phủ cho thành lập các tập đoàn kinh tế. Đã quá lâu rồi, các tập đoàn này hoạt động dựa trên một văn bản của Chính phủ. Tôi tha thiết đề nghị tổng kết, đưa vấn đề này vào luật. Không biết các đồng chí có đọc những bức thư kêu cứu của các thủy thủ trên các con tàu Vinashin, Vinalines đang phiêu dạt khắp nơi không? Có người nói rằng họ đang phải ở trên những con tàu mà thà chết còn hơn sống. Hậu quả mà các tập đoàn để lại là rất nặng nề. Tôi nghĩ vấn đề pháp lý cho các tập đoàn kinh tế còn quan trọng hơn cả việc sửa điều 170, vậy mà điều 170 được đặt lên bàn còn vấn đề với tập đoàn kinh tế thì không”.
Theo Tuổi trẻ