Bình luận
Trong thành tích ấn tượng đó, Harry Kane là điểm sáng rực rỡ. Điểm sáng ấy không chỉ là phong độ của cá nhân đẳng cấp mà nó còn là bằng chứng cho sự xuất chúng của Jose Mourinho khi khiến Kane “tiến hóa” để trở nên toàn diện.
Mourinho thắng Pep một trận cờ vây
Nếu so sánh bóng đá như một môn cờ, có lẽ sẽ không môn cờ nào gần với nó hơn là cờ vây. Bởi đó là cuộc chơi của không gian. Mỗi quân cờ vây được đặt trên bàn cờ, nó phải giữ được 2 nhiệm vụ cơ bản. Thứ nhất, nó phải “sống” bằng cách còn không gian phát triển, tức là “khí”. Thứ hai, nó phải góp phần triệt hạ được “khí” của quân cờ đối phương.
Jose Mourinho thua Pep Guardiola quá nhiều lần. Và ông cũng có đôi lần thắng trận. Tuy nhiên, những chiến thắng của Mou trước Pep xưa nay vẫn bị cho là xấu xí, khi ông cố tình phá đối thủ bằng mọi cách, mà điển hình là ở chung kết Cúp nhà Vua 2011, trận cầu mà Mourinho khích lệ các cầu thủ Real đá rát, phạm tới 27 lỗi, nhận 5 thẻ vàng chỉ để đổi lấy một bàn duy nhất ở hiệp phụ.
Mourinho cho thấy bản thân chưa hết thời. Ảnh: Getty. |
Tuy nhiên, ở trận đấu vừa rồi, Mourinho đã thắng Pep theo cách khác hẳn. Đó là chiến thắng của Mourinho thông thái, hiểu rõ Guardiola sẽ triển khai như thế nào. Và dù Man City vượt trội Tottenham ở các chỉ số thống kê như tỷ lệ thời gian kiểm soát bóng, số lần dứt điểm, số lần hưởng phạt góc, nhưng thế trận trên sân lại phản ảnh điều ngược lại: Tottenham chơi hay hơn, thuyết phục hơn hẳn.
Trận thắng của Tottenham cũng chứng minh chân lý vĩnh cửu. Đó là để đánh giá một trận cầu, cần đánh giá bằng mắt chứ không phải chỉ bằng các dữ liệu thống kê. Nếu không xem trận cầu ấy và giả sử tỷ số là 0-0, chúng ta dễ bị các con số đánh lừa là Man City chơi hay hơn. Nếu xem tận mắt, kể cả là tỷ số có 0-0 đi nữa, ta phải gật gù: Tottenham hay thật.
Mourinho đã dàn xếp cuộc “cờ vây” đúng nghĩa khi đối diện Pep ở Tottenham Hotspur Stadium đêm cuối tuần vừa rồi. Ông hiểu quá rõ những đội bóng dưới tay Pep cần nhất những khoảng không gian nào. Đó chính là 2 hành lang trong từ khoảng cách 35 m trước mặt khung thành Tottenham. Và ông bố trí các khối nhân sự bọc kín các hành lang ấy. Nói thẳng, Mourinho đã khoá chặt đường vào của Pep.
Các cầu thủ tấn công của Pep khi bị chặn đứng ở khoảng không gian quen thuộc này trở thành những quân cờ vây mất “khí”. Họ không có cách nào luồn xuống nách giữa hậu vệ biên và trung vệ đối phương để có những đường căng ngang hoặc trả ngược quen thuộc và nguy hiểm. Và cho dù họ dứt điểm đến 22 cú đi nữa, đó cũng chỉ là các nỗ lực vô vọng khi có 2 pha dứt điểm được coi là cơ hội rõ rệt.
Tottenham cũng có 2 cơ hội rõ rệt, nhưng họ biến nó thành bàn thắng. Đó chính là trái ngược giữa họ và đội khách. Trái ngược này có thể được lý giải là bởi sự sắc bén của Son Heung-min và Lo Celso, nhưng cũng nên được nhìn nhận thêm điểm khác biệt nữa. Đó chính là không gian tấn công của Tottenham khơi mở hơn trong khi không gian tấn công của Man City lại bị phong kín hoàn toàn.
Mourinho đã thắng Pep như một trận cờ vây. Và ông sẽ còn có thể thắng Pep theo cách ấy thêm những lần khác nữa mà không cần trình diễn một lối chơi gây tranh cãi. Có con số đáng lưu ý ở trận đại chiến vừa rồi. Man City phạm lỗi nhiều gấp rưỡi Tottenham (19 lần so với 13) và 1/3 số lần phạm lỗi của họ diễn ra với Harry Kane, quân cờ chủ lực của Mourinho.
Kane đang chuyển hóa dưới thời Mourinho. Ảnh: Getty. |
Sự “tiến hóa” của Harry Kane
Thực sự, việc các cầu thủ Man City phạm lỗi nhiều với Harry Kane đủ cho thấy họ coi trọng đặc biệt đối thủ này như thế nào. Chuỗi trận ấn tượng của Tottenham cũng ghi dấu ấn của cặp Kane - Son Heung-min rất nhiều. Chưa bao giờ bộ đôi ấy chơi hay như thế, và điều kỳ lạ này chính là kết quả từ sự xuất chúng của Mourinho.
Kể từ khi chiếm vị trí chính thức ở Tottenham, Harry Kane đã gặt hái nhiều thành tựu cá nhân. Anh đã có danh hiệu Vua phá lưới. Anh phá vỡ những kỷ lục, nhưng bao giờ cũng vậy, anh mắc phải thói quen “xấu” là nhập cuộc mùa giải khá chậm. Tuy nhiên, ở mùa giải này, Kane không còn cái thói quen “xấu” kia nữa. Anh toả sáng ngay từ những vòng đấu đầu tiên và hứa hẹn sẽ là cầu thủ xuất sắc Premier League 2020/21.
Điểm đáng lưu ý nhất của Harry Kane chính là anh kiến tạo rất nhiều và đều từ đầu mùa tới giờ. 9 kiến tạo ở Premier League và một kiến tạo ở Europa League (tổng số 11 trận ở hai đấu trường) là con số minh chứng cho sự lột xác của Kane. Và sự lột xác ấy nên được gọi là một “tiến hóa” thì đúng nghĩa hơn. Đơn giản, cách chơi bóng của Kane dưới thời Mourinho khác hẳn chính anh dưới thời Pochettino.
Bản năng của Harry Kane là tiền đạo toàn diện (complete forward) đúng nghĩa nhưng dưới thời Pochettino, anh được chơi như thợ săn (poacher) và gần như trọng trách ghi bàn của Tottenham dồn toàn bộ lên vai anh cho dù Son Heung-min, Loucas Moura, Lamela hay Lo Celso cũng có những chia sẻ nghĩa vụ. Chính việc bị đặt quá nhiều áp lực trách nhiệm này khiến Kane không dễ dàng gì nhập cuộc nhanh ở các vòng đấu đầu mùa. Anh luôn cần khoảng thời gian chạy “rốt đa” để đạt đến điểm nóng máy cần thiết cho chặng đua dài dằng dặc.
Mourinho nhìn vào điểm mạnh bản năng của Kane, và ông yêu cầu anh biến đổi chính mình. Kane được Mourinho tạo điều kiện để trở thành “bản lai” giữa tiền đạo toàn diện với số 10 đúng nghĩa. Trong vai trò tiền đạo toàn diện, anh chơi rộng hơn, đảm trách cả nhiệm vụ của tiền đạo mục tiêu, tay săn bàn và cả tiền đạo ảo. Còn trong việc kiêm nhiệm của một số 10, Kane phát huy khả năng kiến tạo của mình để Son Heung-min trở thành một mũi nhọn đáng sợ nhờ vào tốc độ cúa mình.
Nếu nhìn vào bản đồ nhiệt của Kane từ đầu mùa giải tới nay, chúng ta sẽ thấy tầm hoạt động của Kane rất rộng. Anh bao quát khu vực từ vòng tròn giữa sân cho tới vòng cấm địa đối phương. Và khu vực anh xuất hiện nhiều nhất lại là ở phạm vi 30 m trước mặt khung thành. Đây chính là khu vực giao tuyến giữa hàng thủ và hàng tiền vệ của đối phương (between the lines).
Hoạt động ở khu vực này, Kane khiến đội hình của đối thủ rất dễ bị xáo trộn và từ đó, anh cũng có thể tung ra nhiều đường chuyền sát thủ hơn trong khi đồng đội của anh lại có nhiều khoảng không để xuyên phá hơn.
Nếu so sánh với bản đồ nhiệt của Kane ở các mùa giải trước, chúng ta sẽ nhận thấy mùa này anh ít thâm nhập vòng cấm hơn và cũng chơi xa cầu môn đối phương hơn. Anh như con cá lớn được thả vào vùng nước rộng và do đó hoạt động tự do hơn nhiều.
9 lần kiến tạo của anh ở Premier League tính đến nay là con số ấn tượng nhưng tỷ lệ 2,1 đường chuyền sát thủ mỗi trận mới là con số đáng nói. Dễ hiểu, với tỷ lệ này, nếu như đồng đội của anh dứt điểm tốt hơn, số kiến tạo của anh chắc chắn không dừng ở con số 9 như hiện thời.
Sự tiến hóa từ người chơi thuần ở vai trò săn bàn (poacher) thành bản lai giữa tiền đạo toàn diện và số 10 của Kane đến từ tiến hóa khác. Đó là tiến hóa về tư duy của Mourinho. Ông nổi tiếng với lối chơi kiểm soát chặt không gian, bóp vụn các cơ hội chơi bóng của đối thủ. Ở Tottenham, dường như Mourinho đã có những thay đổi. Vẫn kiểm soát không gian đấy; vẫn thủ chắc đấy, nhưng lối tấn công của đội bóng trực diện, thậm chí mềm mại hơn.
Mourinho xưa nay luôn thích mẫu trung phong kiểu tiền đạo mục tiêu (target man) trong đội hình của mình. Ở Chelsea từng là Drogba, Costa; ở Inter từng là Milito; ở Man United là Ibra, Lukaku. Và nhiều người lo ngại hoặc ông sẽ yêu cầu Kane chơi như tiền đạo mục tiêu, hoặc ông sẽ mang về cái tên phù hợp vai trò này. Tuy nhiên, Mourinho không làm điều đó. Ông thay đổi mình cho phù hợp hoàn cảnh và thời đại để khiến Kane chơi khác hẳn cũng như Tottenham mang sức sống mới mẻ hơn nhiều.
Nếu nhìn vào lối chơi của Inter, của Chelsea trước đây, chúng ta hẳn nhận ra Mourinho đang mềm mại hóa chính mình bằng thứ bóng đá giải trí hơn ở Tottenham. Câu nói “nếu gặp đội chơi tấn công thì kết quả sẽ còn thế nào nữa” mà Mourinho nói sau đại thắng 6-1 ngay trên sân Man United thực ra không phải để giễu nhại Man United hay những ai chê bai lối chơi của ông. Có thể nó mang ẩn ý “Thực ra Tottenham đang chơi thứ bóng đá chẳng kém cạnh đội bóng tấn công mạnh mẽ nào”.
Rõ ràng, Mourinho quá hiểu Premier League muốn thứ bóng đá gì, và ông đã chào hàng đúng nhu cầu bằng những gì Tottenham đang thể hiện. Tuy nhiên, ông vẫn cẩn trọng xây dựng thứ bóng đá ấy trên nền tảng của tinh thần thực dụng trong phòng ngự bởi ông hiểu, sự mạo hiểm khó mang lại danh hiệu.
Để chuyển biến chính lối chơi của mình, Mourinho đã biến chuyển Harry Kane và phần nào là Son Heung-min. Có thể nói, ông vô cùng hài lòng với Kane khi anh đáp ứng đúng đơn đặt hàng mà ông đã trao cho anh. Có lần Son Heung-min được bình chọn là cầu thủ hay nhất trận và khi anh đang trả lời phỏng vấn sau trận ấy, Mourinho đi ngang qua ghé mặt vào khuôn hình và mỉm cười nói “Kane hay nhất”. Câu nửa đùa nửa thật ấy cho thấy Mourinho kỳ vọng Kane đến nhường nào.
Tuy nhiên, đường vẫn còn dài và để tới với danh hiệu, Tottenham còn phải cải thiện hơn nữa. Hơn ai hết, Mourinho ý thức được những khó khăn sẽ bày ra trước mắt. Ông có đưa Tottenham lên đến đỉnh vinh quang mà họ đã chờ đợi 60 năm nay hay không vẫn còn là câu hỏi cực lớn.
9 vòng đấu vừa qua chỉ là thành tựu bé như hạt cát so với kỳ vọng của từng người hâm mộ cũng như của chính bản thân ông. Song, có một điều chắc chắn, đó chính là Mourinho đã chiến thắng được chính mình, chiến thắng được định kiến về lối chơi bóng đá của những đội bóng mà ông dẫn dắt khi biến đổi Tottenham trở thành một đội bóng dù thực dụng nhưng vẫn giàu thẩm mỹ.
Man City thực tế chơi không hề tệ chút nào đêm thứ 7 vừa rồi. Họ vẫn uyển chuyển, hấp dẫn, cống hiến và luôn mang lại đe dọa lớn.
Tuy nhiên, Tottenham đã chơi hay, nhờ vào một thứ bóng đá thông minh, bớt bị ám ảnh đè nặng hơn. Và trận thắng ấy khiến chúng ta nhớ về nhận xét của Cruyff dành cho Mourinho: “Đấy là một gã để đoạt cúp chứ không phải để làm bóng đá”.
Làm bóng đá có thể có nhiều mục tiêu, nhưng làm sao thoát khỏi mục tiêu danh hiệu. Mà muốn có danh hiệu thì phải biết chiến thắng, bắt đầu từ chính những chiến thắng chính mình.