Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự trỗi dậy và suy tàn của thiết giáp hạm

Máy bay, tên lửa chống hạm đã nhanh chóng kết thúc kỷ nguyên thống trị đại dương của những chiếc tàu vỏ thép ngay sau Chiến tranh Thế giới thứ 2.

Biểu tượng thống trị đại dương

Yamato
Yamato - đỉnh cao của các thiết kế thiết giáp hạm trong Thế chiến II. Ảnh minh họa: Militaryasset.

Theo Navy.mil, năm 1859, Hải quân Pháp đưa vào sử dụng chiếc tàu vỏ thép đầu tiên của thế giới mang tên Gloire. Sự kiện này đã đánh dấu một bước ngoặt lớn cho công nghiệp đóng tàu thế giới. Bên cạnh đó, công nghệ chế tạo vũ khí đạt được những tiến bộ vượt bậc cho phép chế tạo những khẩu pháo lớn hơn, bắn xa hơn.

Đến năm 1860, Hải quân Hoàng gia Anh đưa vào sử dụng tàu khu trục vỏ thép đầu tiên của họ mang tên HMS Warrior. Tàu có lượng giãn nước toàn tải tới 9.284 tấn. HMS Warrior đã tạo tiền đề cho sự phát triển của các tàu chiến có lượng giãn nước ngày càng lớn hơn về sau.

Hải quân Hoàng gia Anh tiếp tục dẫn đầu trong việc phát triển các tàu chiến ngày càng "khủng" hơn. Đến năm 1890, họ đưa vào sử dụng loại tàu chiến gọi là "tiền thiết giáp hạm" với lượng giãn nước dao động từ 15.000 đến 17.000 tấn. Vũ khí chính của tiền thiết giáp hạm là pháo chính cỡ nòng 305 mm. Chúng thực sự là những cỗ máy chiến tranh đáng sợ.

Những phát đạn bắn ra từ khẩu đại pháo có sức mạnh hủy diệt ghê gớm. Các nước lớn trên thế giới đua nhau xuất xưởng những chiến hạm mới với lượng giãn nước lớn và vũ khí mạnh hơn. Trong suốt thế kỷ 19, sức mạnh của một lực lượng hải quân quyết định bằng độ hoành tráng của những chiếc chiến hạm.

HMS Dreadnought (1906)
HMS Dreadnought (1906) thiết giáp hạm đầu tiên của thế giới, nó đã mở màn cuộc đua thiết giáp hạm mà đỉnh cao là những năm chiến tranh thế giới thứ 2. Ảnh: Wikipedia

Đến năm 1906, người Anh tiếp tục khẳng định sự thống trị đại dương với sự ra đời của chiến hạm HMS Dreadnought. Đây là chiếc thiết giáp hạm đầu tiên của thế giới. Nó đã tạo ra một cuộc cách mạng trong thiết kế tàu chiến khi kết hợp cả pháo cỡ nòng lớn, pháo cỡ nòng nhỏ cho phép tăng cường sức mạnh tấn công và phòng thủ.

HMS Dreadnought đã khơi mào cuộc đua thiết giáp hạm trong nửa đầu thế kỷ 20. Những năm chiến tranh thế giới thứ nhất, những thiết giáp hạm đã chứng tỏ sức mạnh làm chủ cuộc chiến. Cuộc đua thiết giáp hạm lên đến đỉnh điểm trong chiến tranh thế giới thứ 2.

Các thiết giáp hạm như: Bismarck của Đức, Iowa của Mỹ, King George V của Anh, Nagato của Nhật Bản là những cỗ máy chiến tranh đáng sợ trên biển. Chúng sử dụng pháo hạm cỡ nòng từ 360 đến 457 mm với sức mạnh tấn công ghê ghớm. Thiết kế thiết giáp hạm lên đến đỉnh điểm với sự ra đời của siêu thiết giáp hạm lớp Yamato của Nhật Bản.

Yamato có lượng giãn nước toàn tải tới 72.000 tấn, ngoại trừ tàu sân bay, nó là chiến hạm lớn nhất lịch sử từng được chế tạo. Siêu thiết giáp hạm lớp Yamato vũ trang với 9 pháo 460 mm, 12 pháo 155 mm, 12 pháo 127 mm, 24 pháo 25 mm và 4 súng máy 13,2 mm. Yamato ví như một pháo đài bất khả chiến bại trên biển.

5 chiến hạm hùng mạnh nhất mọi thời đại

Được coi là pháo đài trên biển, với hệ thống hỏa lực cực mạnh, USS Missouri là một trong 5 thiết giáp hạm mạnh mẽ nhất trong lịch sử.

Sự suy tàn

tr
Thiết giáp hạm Yamato như con mồi trơ trọi giữa bầy sói khi cố gắng thoát khỏi cuộc tập kích của các máy bay Mỹ. Ảnh: Wikipedia

Thiết giáp hạm là những cỗ máy chiến tranh không đối thủ trên biển nếu nhìn vào lượng giãn nước và hệ thống vũ khí. Tuy nhiên, sự hoành tráng về độ to và sức mạnh hỏa lực không giúp cho thiết giáp hạm an toàn hơn trái lại còn là điểm yếu chí tử.

Sự phát triển mạnh mẽ của các máy bay chiến đấu bổ nhào mang bom và ngư lôi biến những cỗ máy chiến tranh khổng lồ trên biển thành những miếng mồi ngon. Do kích thước quá lớn, các thiết giáp hạm trở nên nặng nề và chậm chạp. Số lượng lớn các pháo phòng không lắp trên tàu không giúp chúng ngăn cản được cuộc tấn công của các máy bay.

Bên cạnh đó, các tàu ngầm trang bị ngư lôi có thể dễ dàng nhấn chìm những thiết giáp hạm khổng lồ một cách đơn giản. Theo Warhistoryonline, ngày 21/11/1944, thiết giáp hạm khổng lồ IJN Kongo của Nhật Bản bị tàu ngầm USS Sealion của Mỹ đánh chìm ở eo biển Đài Loan đã cho thấy tính dễ tổn thương của nó.

Trong trận đánh Ten-Go ở mặt trận Thái Bình Dương, siêu thiết giáp hạm Yamato trở thành con mồi trơ trọi giữa bầy sói các máy bay Mỹ. Cỗ máy chiến tranh nặng 72.000 tấn của Nhật Bản đã cố gắng cơ động và chống cự nhưng vẫn trúng 6 quả bom cùng 11 ngư lôi. Nó phát nổ và chìm vào ngày 7/4/1945. Sự kiện này đã báo hiệu sự suy tàn của thiết giáp hạm.

Những năm cuối Chiến tranh Thế giới thứ 2, một thứ vũ khí khác cực kỳ nguy hiểm đang được phát triển là tên lửa chống hạm có điều khiển. Tên lửa chống hạm có tầm bắn xa, độ chính xác cao có thể tiêu diệt bất kỳ tàu chiến nào. Tên lửa chống hạm P-15 Termit phóng đi từ tàu chiến Ai Cập đánh chìm tàu khu trục Eilat của Israel đã báo hiệu sự thay đổi phương thức tác chiến hải quân.

Sau Thế chiến II, các thiết giáp hạm, tuần dương hạm hạng nặng dần rút khỏi biên chế hải quân các nước và không có thêm bất kỳ thiết mới nào ở thể loại này. Năm 1992, Iowa, lớp thiết giáp hạm cuối cùng của thế giới ngưng hoạt động đánh dấu sự kết thúc của "kỷ nguyên thiết giáp hạm".

Trận hải chiến lớn nhất chiến tranh thế giới thứ hai

9 hạm đội tàu sân bay, 867 tàu chiến, 1.800 máy bay đã được huy động trong trận chiến vịnh Leyte, một trong những trận hải chiến lớn nhất của lịch sử nhân loại.

Đức Hải

Bạn có thể quan tâm