Mỗi người một quan điểm, một cách nhìn và có cả những lý do riêng. Nhưng với cá nhân bác sĩ, sẽ luôn cố gắng để lại một hoặc nhiều đầu mối (số điện thoại, email, website, địa chỉ, hoặc thậm chí cả Facebook) giúp bệnh nhân có thể liên lạc được và cố gắng tối đa trong khả năng của mình để giải đáp khi bệnh nhân cần đến.
[…] Hầu hết bệnh nhân, đặc biệt là bệnh nhân ở xa đến khám, bác sĩ đều chủ động cho số điện thoại kèm theo lời dặn: “Có gì bất thường thì điện thoại báo bác sĩ, nếu không được thì nhắn tin, bác sĩ sẽ hồi âm và chỉ khi bác sĩ tư vấn cần xuống thì mới xuống, nếu không có thể theo dõi thêm hoặc vào bệnh viện địa phương để kiểm tra lại”.
Một lần, bệnh nhân đau nhức xương khớp rất nhiều vào khám, sàng lọc xét nghiệm chụp chiếu chưa tìm ra nguyên nhân, bác sĩ có chuyển đi khám ở các bệnh viện khác và dặn bệnh nhân hồi âm báo lại. Kết quả, bệnh nhân bị một loài sán có thời kỳ ấu trùng sán chu chuyển trong cơ gây đau nhức.
Nếu không giữ liên lạc với bệnh nhân, những kiến thức thực tiễn này làm sao bác sĩ có được, phải không các bạn?
Trong suốt quá trình thăm khám, điều trị, mổ xẻ, có nhiều bệnh nhân đã hồi âm và mang đến cho bác sĩ những kiến thức có giá trị. […]
Kiến thức là biển cả mênh mông, trong khi những gì ta biết và thu nhận được chỉ là những hạt cát bé nhỏ. Thêm nữa, mỗi bệnh nhân là một cá thể riêng biệt, mang trong mình những bệnh cảnh và đáp ứng với điều trị khác nhau.
Theo bác sĩ Trần Quốc Khánh, người làm nghề Y sau khi khám và điều trị cho bệnh nhân vẫn nên giữ liên lạc, gặp gỡ và trao đổi thường xuyên với họ. Ảnh: FBNV. |
Nếu không giữ liên lạc, không hội chẩn các chuyên khoa, không quan tâm và đặc biệt là cho bệnh nhân có cơ hội bộc bạch, hồi âm thì làm sao biết được liệu ta chẩn đoán đã đúng chưa, điều trị thế nào, bệnh nhân có tương tác thuốc hay tác dụng phụ gì không?
Phải chăng ta đang khám bệnh, chẩn đoán và điều trị một chiều mà không hề biết kết quả thế nào, khi gần như bệnh nhân không thể có cơ hội được hồi âm và trao đổi?
Bệnh nhân vào phòng mổ, 4-5 người nhà đưa tiễn đến cửa với tất thảy các khuôn mặt đều lo lắng, mong chờ. Cửa phòng đóng lại, người nhà “mất liên lạc” từ đó.
Bác sĩ mổ xong, hoặc tiếp tục mổ ca khác, hoặc sẽ về theo một lối riêng mà người nhà hầu như rất ít cơ hội gặp được để hỏi han tình hình ca mổ, tình trạng bệnh nhân.
May mắn với những ca mổ nhẹ thì sau một vài tiếng bệnh nhân được chuyển về khoa phòng. Nhưng với những ca mổ nặng, phải truyền máu, theo dõi, hồi sức… bệnh nhân có thể nằm phòng cách ly vài ba ngày, thậm chí lâu hơn.
Và chừng ấy thời gian, người nhà sẽ sống trong lo âu, thấp thỏm, chẳng biết hỏi ai để biết tình trạng bệnh nhân thế nào, ca mổ ra sao, gia đình có cần hỗ trợ gì thêm hay không.
Sao bác sĩ phẫu thuật không gặp gỡ hoặc ít nhất cũng điện thoại, nhắn tin báo cho người nhà một câu, dù chỉ một câu thôi, sơ qua về ca mổ và dự kiến liệu trình điều trị tiếp theo, để người nhà hình dung được tình trạng bệnh, trù liệu và thu xếp mọi việc?
[…]
Bác sĩ bận, có thể đó là lý do cơ bản nhất giải thích cho điều này. Tuy nhiên, sao không thể có vài phút gặp bệnh nhân một chút, xem cơ thể, thần thái người bệnh ra sao? Sao không gặp và nở một nụ cười thay cho nghìn lời động viên để bệnh nhân thấy an tâm, thấy có chỗ dựa?
Sao không gặp bệnh nhân dù chỉ 30 giây thôi, để trao cho bệnh nhân một cái nắm tay thật chặt? Sao không hỏi thăm bệnh nhân một câu trước khi gây mê để nhịp tim bệnh nhân được dịu lại?
Sao không nán lại vài phút để biết rằng bệnh nhân đang ở tận đáy của nỗi buồn và bất hạnh khi mình phải mổ mà chồng cũng đang bị ung thư hoặc đứa con thơ dại vừa mới mất?...
Mỗi ngành nghề có những đặc thù riêng nhưng có lẽ với nghề Y, sự thấu cảm, sẻ chia mới là liều thuốc chữa trị hữu hiệu nhất, giúp bệnh nhân có thêm niềm tin và chỗ dựa để vượt qua được những giai đoạn khó khăn nhất trong cuộc đời.