Sự tích về kho báu cổ trên quần đảo Hải Tặc (đảo Hà Tiên, TP. Hà Tiên, Kiên Giang) lần đầu tiên được nhắc tới cách đây 31 năm. Theo những người dân, tháng 3/1983, hai người đàn ông ngoại quốc bí mật đáp ca nô, mang theo tấm bản đồ và những dụng cụ định vị lên đảo.
Ngay trong đêm đó, người dân và cơ quan chức năng đã bất ngờ “tập kích” và bắt tại chỗ hai người đàn ông lạ này khi họ đang lẩn trốn trong rừng.
Hậu duệ băng cướp biển tiết lộ kho báu bí ẩn
Nhà nghiên cứu Nam Bộ Trương Minh Đạt (78 tuổi, TP. Hà Tiên, Kiên Giang) khẳng định: “Trong quá khứ, vùng biển tận cùng Tây Nam nước ta từng tồn tại một băng cướp mang tên Cánh Buồm Đen. Băng cướp này là tập hợp của dân “giang hồ tứ chiếng” và rất giỏi võ nghệ.
Cánh Buồm Đen lấy đại bản doanh là nhóm đảo thuộc Hòn Tren (nay thuộc xã Tiên Hải, TP. Hà Tiên) nằm khuất trong Vịnh Thái Lan và chuyên chặn đường các tàu buôn để cướp tài sản”.
Bà Mười Bầu kể lại về chuyện cha mình từng là thành viên cướp biển. |
Nhà nghiên cứu Trương Minh Đạt tiết lộ, cái tên Hải Tặc được đặt địa danh hành chính cho quần đảo Hòn Tre ngày nay, xuất hiện từ thời Pháp và tồn tại trong thời chế độ Sài Gòn cũng khởi nguồn từ nhóm cướp biển này. Ông còn cho biết, hiện nay trên đảo, nhiều thế hệ con cháu của băng hải tặc khét tiếng này vẫn còn sinh sống.
Từ lâu, ngư dân vẫn truyền tai nhau câu chuyện về một kho báu khổng lồ chứa đầy vàng bạc, được băng cướp Cánh Buồm Đen chôn giấu trên đảo. Bằng chứng là nhiều ngư dân đảo đi lặn vẫn hay bắt được những xâu tiền cổ bám đầy hàu ở một eo biển ở phía Tây Nam đảo.
Những thông tin đầy tò mò trên đã thôi thúc bước chân chúng tôi lên đường tìm hiểu kho báu cổ. Xuất phát từ TP. Hà Tiên, con thuyền cao tốc dong thẳng hướng Nam ra những chấm đảo xa mờ. Hơn một giờ đồng hồ xé sóng, con thuyền đưa chúng tôi cập đảo.
Khung cảnh đảo Hải Tặc những ngày tháng 7 đẹp ngỡ ngàng. Biết chúng tôi ra đảo tìm hiểu câu chuyện về kho báu, một người dân nhiệt tình hướng dẫn tìm đến nhà cụ Mười Bầu (81 tuổi). Người này còn cho biết, cụ Mười Bầu chính là hậu duệ của thành viên băng cướp Cánh Buồm Đen.
Hiện cụ là một trong số ít người nắm giữ những bí mật về một thời “khủng khiếp” trong quá khứ ở vùng biển Tây Nam này. Cụ Mười Bầu tên thật là Nguyễn Thị Gái, cha ruột cụ người gốc huyện Kiên Lương (trong đất liền), vốn là một giang hồ nghĩa hiệp, rất giỏi võ nghệ.
Theo lời cụ Mười kể thì băng Cánh Buồm Đen tồn tại đến đầu thế kỷ 20 và cha cụ là thế hệ cuối cùng của băng nhóm này. “Hồi còn sống ổng (cha cụ) đi hoài à, lâu lâu mới về thăm má con tôi. Ổng giỏi võ lắm. Tui nghe nói ổng tham gia băng nhóm cướp biển, nhưng cướp ở đâu chứ về nhà thì ổng rất thương má con tôi.
Hồi đó, tui từng nghe ổng bảo rằng trên đảo có một kho báu do băng Cánh Buồm Đen để lại, nhưng ở đâu thì ngay cả ổng cũng không biết chính xác”, cụ Mười kể. Theo cụ Mười Bầu thì cha và các đồng bọn vẫn sống bằng nghề chặn tàu thuyền cướp bóc.
Đến cuối đời, có lẽ vì ám ảnh tội lỗi nên ông thoái ẩn giang hồ, quy y Phật pháp rồi qua đời. Sau này cũng vì mặc cảm quá khứ gia đình, bà cụ cũng tự gánh đá lập ngôi chùa duy nhất trên đảo để ngày ngày tụng kinh niệm Phật cho đến nay.
Bí ẩn tấm bản đồ kho báu của hai người ngoại quốc
Chúng tôi tiếp tục men theo con đường phía Nam đảo tìm đến cột mốc khắc ghi hai chữ Hải Tặc. Nhưng chừng ấy chứng tích về cướp biển vẫn chưa thuyết phục bằng câu chuyện kho báu. Người dân truyền tai nhau rằng, trong quá khứ, băng Cánh Buồm Đen còn cất giữ một kho báu ở một vịnh giữa đảo.
Đến nay, dân đi lặn biển còn hay bắt gặp những xâu tiền cổ cách đây khoảng 200 năm. Cách đây khoảng 30 năm, từng có một vụ thâm nhập đảo để tìm kho báu của 2 người đàn ông ngoại quốc.
Câu chuyện được người dân trên đảo kể lại như sau: Vào một buổi chiều tháng 3/1983, người dân ở đảo Hải Tặc phát hiện một chiếc ca nô lạ chạy từ hướng đảo Phú Quốc chở hai hai người đàn ông cao lớn bí mật đáp lên bờ. Người dân thấy lạ nên báo lực lượng dân quân.
Vịnh Tây Nam - nơi phát hiện những đồng tiền cổ |
Đêm cùng ngày, lực lượng chức năng và dân đảo đã bất ngờ tập kích và bắt quả tang hai người ngoại quốc đang lẩn trốn trong bìa rừng. Quá trình xét hỏi, danh tính của hai người ngoại quốc cũng được làm rõ. Một người tên là Richard Charles Knight (quốc tịch Anh) và người còn lại tên Frederick Kurt Graham (Mỹ).
Lực lượng chức năng của ta còn thu hai máy bộ đàm, hai máy chụp hình, một máy quay phim, một ống nhòm, hải đồ. Đặc biệt trong hành lý của hai vị “khách không mời” có một số tấm bản đồ cổ vẽ đảo Hải Tặc. Ông Lương Văn Tâm, người dân trên đảo Hòn Tre vẫn còn nhớ như in sự kiện này.
Ông Tâm là thành viên của “nhóm du kích” vây bắt hai người nước ngoài trên. Ông Tâm kể: “Sớm hôm đó, người dân đi đánh cá thấy có bobo (loại xuồng cao tốc) chạy về hướng đảo rồi ghé vào mũi Minh Kiến. Nhận được nguồn tin quần chúng, công an, dân quân xã chia làm 3 mũi tuần tra.
Nhóm của tôi được giao kiểm tra cắt ngang hướng núi. Theo mùi thuốc xịt muỗi, chúng tôi tìm thấy hai ông Tây đang nằm trần phơi bụng trong rừng với dụng cụ là bản đồ đảo Hòn Tre, leng đào đất, máy rà kim loại… Lúc đưa hai người này về trụ sở, cả đảo không ai biết tiếng Anh nên không hỏi được gì.
Những người nước ngoài chỉ vẽ trên giấy hình 3 ngọn đồi trên đảo, ở giữa là thung lũng có chiếc gương.
Chúng tôi lờ mờ đoán họ đi đào kho báu
Sau đó, lực lượng chức năng bàn giao hai người ngoại quốc cho công an tỉnh. Rồi qua vài tháng điều tra, công an tỉnh lại bàn giao hai người này cho chính quyền đảo. Lúc này, ông Tâm mới nghe kể lại, hai người này khai tình cờ tìm được trong kệ sách của gia đình tờ bản đồ kho báu cướp biển chôn giấu. Kho báu được xác định nằm dưới thung lũng ở giữa 3 ngọn đồi trên đảo Hòn Tre.
Từ lời khai và tấm bản đồ của hai người này, lực lượng công an đã đưa họ trở lại hiện trường để chỉ dẫn vị trí kho báu. Ông Tâm nhớ lại: “Theo chỉ dẫn trên bản đồ, ông cùng lực lượng địa phương đào kiếm dưới lớp đất đá cứng. Nhưng mới chỉ đào xuống khoảng 3 tấc đất thì mọi người được lệnh dừng lại. Hai người nước ngoài sau đó bị phạt vì tội nhập cảnh trái phép rồi trục xuất khỏi đảo.
Những đồng tiền vàng dưới đáy biển
Theo chỉ dẫn của ông Tâm, chúng tôi tìm đến vị trí 3 ngọn đồi, nhưng thung lũng trước kia có con lạch chảy ra biển, tàu bè có thể vào được, nay đã bị bồi lấp, dấu tích không rõ ràng.
Ngay gần dòng chảy của con lạch này, ở phía Tây đảo, vào đầu năm 2009, cánh thợ lặn tìm ốc, hải mã vô tình tìm thấy một số lượng khá lớn tiền đồng cổ với nhiều loại mệnh giá khác nhau. Chúng tôi gặp anh Anh Hóa, một thanh niên ở đảo Hòn Tre, người tình cờ mò được những đồng tiền có màu vàng hoa văn lạ mắt được xác định là tiền của cướp biển bỏ lại.
Anh Hóa cho biết: “Tôi cũng không biết những đồng tiền này ở đâu mà cứ lặn mò trong cát là thấy. Mò hoài có hoài, nhiều lắm”. Anh Đông, một người hàng xóm của Hóa cho biết thêm: “Còn tôi thì mò được cả đồng tiền vàng cỡ lớn, cỡ nhỏ và những đồng tiền màu bạc rất đẹp, rất lạ. Tôi đều giữ lại làm kỷ niệm”.
Anh Hóa cho biết, khi mới lặn mò được những đồng tiền vàng, nhiều người giàu có trên đảo hay tin đã tìm đến hỏi mua với giá 10.000 đồng/đồng, nhưng mẹ anh không chịu bán.
Hiện nay, gia đình Hóa chỉ còn giữ được 8 đồng tiền lạ, trong đó có những đồng tiền có lỗ, có đồng một mặt in nổi chữ bằng tiếng Trung Quốc, mặt sau chạm nổi hình rồng hoặc hình một người đàn ông đội vương miện như hoàng đế.