Sự thật tàn nhẫn nạn xâm hại tình dục trẻ em
Một chiến dịch truy quét xuyên quốc gia bọn tội phạm liên quan đến xâm hại tình dục trẻ em gây chấn động nước Mỹ với 123 trẻ em được giải cứu, 245 nghi phạm bị bắt giữ.
Chiến dịch truy quét này được đặt tên “Hoa Hướng Dương”, do Lực lượng Hải quan và xuất nhập cảnh Mỹ (ICE) thực hiện trong vòng năm tuần từ tháng 11 đến tháng 12/2012. Chiến dịch này giúp giải cứu trẻ em khỏi đường dây sản xuất và buôn bán phim ảnh khiêu dâm trên Internet.
Stephen Keating, 52 tuổi, một trong những nghi phạm bị bắt giữ hồi tháng 11/2012 trong “Chiến dịch Hoa Hướng Dương” . |
Một sự thật tàn nhẫn!
Giám đốc ICE John Morton mô tả chiến dịch này nhằm bảo vệ những nạn nhân không thể tự bảo vệ. Ông nói: “Sự thật tàn nhẫn là nạn xâm hại tình dục trẻ em trên mạng lại là một phần rất thật trong đời sống hiện đại của chúng ta và đang diễn ra tràn lan khắp thế giới với quy mô lớn”.
Trong số 123 trẻ em được giải cứu có 110 em ở Mỹ. Có 70 em gái và 53 em trai từ 4-17 tuổi. Đặc biệt có năm em dưới 3 tuổi, chín em từ 4-6 tuổi, 21 em từ 7-9 tuổi và 11 em từ 10-12 tuổi.
Năm 2012 là năm “kỷ lục” với 1.655 nghi phạm xâm hại tình dục trẻ em bị bắt giữ và 292 nạn nhân được xác định và giải cứu. |
ICE không nêu tên cụ thể nước nào liên quan đến chiến dịch quốc tế này vì tính nhạy cảm của việc điều tra, nhưng cũng tiết lộ một số vụ bắt giữ đã diễn ra ở Mexico. 222 nghi phạm bị bắt giữ là ở Mỹ, còn 23 nghi phạm khác là ở sáu quốc gia khác.
Để thực hiện chiến dịch này, ICE đã phối hợp chặt chẽ với Trung tâm Trẻ em bị mất tích và xâm hại tình dục (NCMEC) để nhận diện những trẻ bị xâm hại tình dục, bị quay phim, chụp ảnh trong những hành vi đồi trụy này. Giám đốc trung tâm John Ryan nhấn mạnh sự hợp tác quốc tế trong vấn đề này là rất cần thiết vì đa số các vụ đều liên quan đến người ở nước ngoài.
ICE rất thành công trong việc nhận dạng và tìm kiếm nạn nhân nhờ sự hỗ trợ của dân chúng, các mạng xã hội như Facebook, Twitter cũng như các tin tức trên báo chí địa phương. Đôi khi việc tìm kiếm nạn nhân qua các bức hình cũng khó khăn bởi nhiều bức không phù hợp để công bố rộng rãi và được chụp trong các khách sạn rẻ tiền, những nơi tối tăm.
Việc sử dụng Internet ngày càng tăng trong thời đại ngày nay đã giúp người ta dễ dàng tiếp cận hơn với các nội dung đồi trụy. Ông Morton cho biết nhiều vụ xâm hại tình dục trẻ em còn được truyền hình trực tiếp trên mạng Internet: “Bất cứ khi nào phát hiện việc đăng tải và phát tán hình ảnh khiêu dâm trẻ em trên mạng là chúng tôi lập tức tìm mọi cách để giải cứu nạn nhân và xử lý kẻ xâm hại cho dù có phải mất cả năm trời hay phải lùng sục khắp thế giới”.
Manh mối từ “Hoa Hướng Dương”
Tên của chiến dịch lần này cũng là “Hoa Hướng Dương”, được đặt theo một cuộc điều tra cách nay một năm để ngăn chặn vụ xâm hại tình dục được thông báo trên Internet đối với một bé gái 11 tuổi trong vụ án đầu tiên theo chương trình nhận dạng nạn nhân của ICE.
Vụ án Hoa Hướng Dương được khởi động vào đầu tháng 11/2011 khi các quan chức thi hành luật pháp Đan Mạch chia sẻ với Văn phòng điều tra an ninh nội địa (HIS) thuộc ICE những phát hiện của họ về các nội dung được đăng tải trên mạng. Những nội dung này cho thấy một thiếu niên 16 tuổi đang lên kế hoạch cưỡng hiếp một bé gái 11 tuổi.
Từ một bức ảnh do cảnh sát Đan Mạch tìm được, cho thấy một biển báo giao thông trên đó có hình một bông hoa hướng dương, các nhà điều tra đã tìm đến bang Kansas và nhà của cậu thiếu niên Mỹ này. Trong nhiều ngày liền, các điều tra viên của HIS đã lái xe qua lại dọc các đường cao tốc ở Kansas để đối chiếu hình ảnh trên mạng và các địa điểm thực tế. Chỉ trong vòng 13 ngày sau khi nhận được thông tin cùng với việc kết hợp các bức ảnh từ hiện trường, các nhà điều tra đã xác định được nghi phạm, kịp thời can thiệp và giải cứu cô bé.
Chiến dịch Hoa Hướng Dương năm nay cũng là dịp để kỷ niệm chuyến giải cứu thành công đầu tiên theo chương trình nhận dạng nạn nhân của ICE.
Theo Tuổi trẻ