Bên ngoài trụ sở SVB tại Santa Clara, bang California, Mỹ. Ảnh: Reuters. |
Bất chấp tên gọi của ngân hàng, sự sụp đổ của Silicon Valley Bank không chỉ tác động tới các doanh nghiệp ở thung lũng Sillicon - mà còn tới nhiều lĩnh vực khác, từ các trang trại trồng nho ở California (Mỹ) tới một số công ty khởi nghiệp ở bên kia Đại Tây Dương.
Không chỉ giới chủ doanh nghiệp phải đau đầu: Các nhân công cũng đứng trước nguy cơ không được trả lương đúng hẹn, AP cho biết.
Nỗi lo xuyên biên giới
Phía bên kia Đại Tây Dương, nhiều công ty khởi nghiệp bị đặt vào thế khó khi chi nhánh SVB tại Anh (SVB UK) tuyên bố sẽ ngừng dịch vụ thanh toán và nhận tiền gửi. Ngân hàng Trung ương Anh (BoE) hôm 10/3 cho biết họ đã khởi động quy trình làm thủ tục phá sản với chi nhánh.
“Chúng tôi biết rằng có nhiều doanh nghiệp khởi nghiệp và nhà đầu tư trong hệ sinh thái khởi nghiệp giao dịch nhiều với SVB UK. Họ sẽ rất quan ngại”, ông Dom Hallas, Giám đốc điều hành Coadec, tổ chức đại diện cho các công ty khởi nghiệp Anh, viết trên Twitter.
BoE tuyên bố các tài sản của SVB UK sẽ bị bán đi để trả nợ, theo Financial Times.
Sự sụp đổ của SVB không chỉ tác động đến các công ty khởi nghiệp. Ngành công nghiệp sản xuất rượu vang tại California, vốn coi SVB là nguồn tài chính hàng đầu từ thập niên 1990, cũng bị ảnh hưởng.
“Đây là nỗi thất vọng lớn”, bà Jasmine Hirsch, Giám đốc công ty sản xuất rượu vang Hirsch Vineyards tại hạt Sonoma, California, nói.
Bà Hirsch tự tin rằng công ty của mình sẽ vượt qua khủng hoảng, nhưng lo ngại cho các doanh nghiệp nhỏ hơn - vốn cần vay vốn nếu muốn mở rộng sản xuất.
“Họ thực sự hiểu ngành công nghiệp rượu vang”, bà Hirsch ca ngợi SVB. “Nếu ngân hàng này - một trong những cơ sở cho vay quan trọng nhất với chúng tôi - biến mất, toàn bộ ngành công nghiệp rượu nho bị ảnh hưởng, nhất là khi lãi suất tăng cao”.
Thống đốc bang California Gavin Newsom hôm 11/3 tuyên bố ông đang trao đổi với giới chức liên bang nhằm “ổn định tình hình nhanh nhất có thể, bảo vệ việc làm, sinh kế của người dân, cũng như toàn bộ hệ sinh thái đổi mới sáng tạo”.
Các khách hàng gửi ít hơn 250.000 USD tại ngân hàng có thể được hoàn trả tiền gửi dựa trên dịch vụ bảo hiểm tiền gửi liên bang tại Mỹ, theo Reuters. Giới chức Mỹ đang tìm kiếm một doanh nghiệp sẵn sàng mua lại ngân hàng để các khách hàng khác cũng được bảo đảm quyền lợi.
Giới khởi nghiệp đau đầu
Tại Seattle (Mỹ), Giám đốc điều hành Stefan Kalb của công ty khởi nghiệp Shelf Engine đang đau đầu để tìm cách trả được lương cho nhân viên.
“Đây là một ngày tồi tệ. Mọi tiền bạc của chúng tôi đều gửi tại Silicon Valley Bank”, ông Kalb nói hôm 10/3, cho biết doanh nghiệp mình có hàng triệu USD tại ngân hàng.
Ông Kalb đang nộp đơn để có thể nhận được 250.000 USD bảo hiểm tiền gửi. Tuy nhiên, con số này sẽ là không đủ để trả lương cho nhân viên của Shelf Engine. Công ty có thể sẽ phải sa thải bớt nhân sự trước khi tình hình ổn định.
“Tôi hy vọng ngân hàng sẽ được bán trong cuối tuần này”, ông Kalb nói.
Trong khi đó, bà Tara Fung, nhà sáng lập kiêm Giám đốc điều hành công ty khởi nghiệp công nghệ Co:Create, cho biết doanh nghiệp mình có tài khoản ở nhiều ngân hàng khác nhau nên có thể tạm thời thanh toán cho nhân viên và đối tác qua các ngân hàng khác.
Bà Fung gọi SVB là “tiêu chuẩn vàng cho quan hệ đối tác giữa các công ty công nghệ và ngân hàng”. Đây là lý do ngân hàng này được Co:Create lựa chọn.
Ảnh minh họa: Reuters. |
Một số công ty khác đã cố gắng rút tiền khỏi ngân hàng trước khi giới chức Mỹ nắm quyền kiểm soát, như nền tảng theo dõi nhân viên Confirm.com. Những động thái như vậy phần nào đó đã đẩy nhanh quá trình sụp đổ của SVB.
“Tôi nghĩ nhiều nhà sáng lập doanh nghiệp tin rằng việc rút tiền tới nơi an toàn không có gì sai”, ông David Murray, đồng sáng lập công ty, nói. “Do đó, chúng tôi đều làm vậy, gây ra tình trạng rút tiền hàng loạt”.
Ông Martín Varsavsky, một doanh nhân người Argentina đầu tư vào nhiều công ty công nghệ tại thung lũng Sillicon, cho rằng chính phủ Mỹ cần hành động nhanh chóng hơn để giảm thiểu tác động tiêu cực tới giới doanh nghiệp.
“Nếu chính phủ cho phép người dân rút ít nhất một nửa số tiền họ gửi tại SVB trong tuần tới, tôi nghĩ mọi thứ sẽ ổn”, ông Varsavsky nhận định. “Nhưng nếu họ vẫn giữ hạn mức 250.000 USD, nhiều công ty sẽ không thể trả lương. Đó là thảm họa”.
Tuy nhiên, nhiều người Mỹ vẫn tương đối lạc quan. Ông Andrew Alexander, giáo viên toán tại một trường cấp ba tư thục ở San Francisco trả lương qua SVB, tin rằng vấn đề sẽ được giải quyết trong hai tuần tới, trước khi ông đến hạn nhận lương.
Dù vậy, ông lo lắng hơn cho những người bạn làm việc trong lĩnh vực công nghệ. “Nhiều bạn bè của tôi đang làm trong các công ty khởi nghiệp và thực sự sợ hãi”, ông Alexander nói. “Tôi thực sự thông cảm với họ”.
Đọc để hiểu rõ hơn lịch sử nước Mỹ
Mục Thế giới giới thiệu cuốn sách "Lẽ thường" - cuốn sách của tác giả Thomas Paine được xuất bản lần đầu vào năm 1776 và đã có vai trò quan trọng trong thời kỳ lập quốc của Mỹ. Cho đến hôm nay, cuốn sách vẫn còn nguyên giá trị lịch sử đối với những ai quan tâm đến lịch sử nước Mỹ.