Những tù nhân hò reo khi quân đội Đồng minh tiến vào trại tập trung Mauthausen. Ảnh: Alamy |
Eva Clarke chào đời ngày 29/4/1945 tại trại tập trung tử thần khét tiếng thời Đức Quốc xã, Mauthausen. Mẹ của Eva, bà Anka Bergman, sinh con gái giữa hàng chục thi thể đang phân hủy xung quanh. Họ đều là những người bị phát xít Đức giết hại tàn nhẫn.
Nếu bà Anka sinh con sớm hơn 24 giờ, chắc chắn cả hai mẹ con sẽ bị giết ngay lập tức. Tuy nhiên, thời điểm bà Eva ra đời trùng với ngày Đệ tam Đế quốc sụp đổ. Thuộc hạ của trùm phát xít Hitler đã phá hủy những nhà giam và phòng khí ngạt ở Mauthausen trước khi chạy trốn.
Nhờ số phận may mắn, Eva trở thành người sống sót trẻ nhất qua nạn diệt chủng của phát xít Đức. Khi mới sinh, bà Eva chỉ nặng khoảng 1,3 kg. Người mẹ quấn con gái trong những tờ giấy báo cũ để giữ ấm.
Tuần qua, bà Eva bước sang tuổi 70. Một trong những mong muốn của bà là xuất bản quyết sách về sự dũng cảm vượt bậc của mẹ, bà Anka, khi đã bảo vệ an toàn cho đứa con trong bụng suốt thời kỳ đen tối của Thế chiến 2. Mẹ của Eva qua đời cách đây 2 năm ở tuổi 96. Quyển sách có tựa Born Survivors, do một nhà báo nổi tiếng chấp bút, dự kiến xuất bản vào tuần tới.
Chuyện tình dưới chế độ Đức Quốc xã
Theo ký ức của Eva, người mẹ Anka là một phụ nữ Czech vô cùng xinh đẹp và có thể nói thông thạo 6 ngôn ngữ. Ngày xe tăng của quân đội Đức tiến vào Prague năm 1939, Anka là một nữ sinh viên ngành luật 21 tuổi.
Khi quân đội Đức hoàn toàn kiểm soát Tiệp Khắc (nay là Czech và Slovakia), Hilter lập tức bãi bỏ mọi quyền tự do của người dân. Nhà máy nhỏ của gia đình Anka trở thành tài sản quốc gia.
Tại Prague, lính Đức cấm những người Do Thái đến các địa điểm công cộng, gồm cả trường đại học. Khi chế độ kiểm soát của Đức ngày càng siết chặt, nhiều người bạn của Anka tìm cách bỏ trốn. Tuy nhiên, Anka vẫn ở lại thành phố vì cô tin tưởng vào một tương lai tươi sáng. Phần quan trọng hơn, Anka đã yêu một kỹ sư Đức là Bernd Nathan.
Bernd lớn hơn Anka 10 tuổi, họ gặp nhau lần đầu tại một hộp đêm vào tháng 11/1939, rồi tiến tới hôn nhân vào tháng 5/1940.
Đám cưới giữa bà Anka và người chồng Bernd năm 1940. Ảnh: Daily Mail |
Tháng 11/1941, Bernd là một trong 140.000 người đầu tiên phải chuyển tới khu dành cho người Do Thái vừa thành lập ở ngoại ô Prague. Trên thực tế, Terezin chính là một điểm trung chuyển trong hành trình đến trại tập trung Auschwitz, trại lớn nhất trong các trại tập trung của Đức Quốc xã.
Không lâu sau khi chồng rời đi, Anka cũng nhận lệnh đến Terezin. Môi trường lao động nặng nhọc và điều kiện sống khắc nghiệt tại Terezin khiến nhiều người nhanh chóng bỏ mạng. Tuy nhiên, vợ chồng Anka đều còn trẻ nên họ có thể gắng gượng qua giai đoạn này.
Bernd làm việc trong xưởng gỗ, còn Anka thuộc bộ phận phân phát thực phẩm. Họ sống tại Terezin trong khoảng 3 năm. Ban quản lý Terezin ngăn cấm phụ nữ và đàn ông ở chung nhưng Bernd vẫn có thể lén lút gặp vợ. Anh còn xây một buồng kín trong một tòa nhà để làm nơi gặp gỡ Anka. Mùa hè năm 1943, Anka phát hiện cô có thai.
Đức Quốc xã không cho phép em bé gốc Do Thái nào chào đời. Lính Đức đe dọa Anka rằng họ sẽ đến cướp đứa bé để đem giết ngay sau khi em chào đời. Tháng 2/1944, Anka sinh non một bé trai. Cậu bé qua đời sau 2 tháng vì viêm phổi.
Tháng 9/1944, khi quân Đồng minh tiến đến gần, lính Đức buộc những người đàn ông phải chuyển đến trại tập trung Auschwitz. Lúc này, Anka đã mang bầu em bé thứ 2. Ba ngày sau khi Bernd rời đi, cô tình nguyện theo chồng vì nghĩ rằng họ sẽ có cơ hội đoàn tụ. "Đó là quyết định sai lầm nhất đời tôi", bà Anka kể lại. Họ không bao giờ còn gặp lại nhau.
Che giấu bụng bầu
Khi đến trại Auschwitz, Anka bị bắt trút bỏ quần áo, cạo đầu và trình diện trước "tử thần" Josef Mengele. Y là kẻ tiến hành các thí nghiệm dã man trên cơ thể tù nhân, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em.
Megele tra hỏi Anka rằng cô có đang mang thai không. Anka nói dối rằng "Không". Câu nói này giúp cô thoát khỏi việc bị đưa đến phòng hơi ngạt.
10 ngày sau, Anka nhận việc tại xưởng sản xuất đạn dược ở Freiberg, Đức. Khi cái thai trong bụng ngày càng to, cơ thể Anka teo tóp lại do suy kiệt.
Trong những ngày trước khi hoàn toàn đại bại, Đức Quốc xã đẩy nhanh tiến độ hủy diệt tận gốc người Do Thái. Lính Đức tiếp tục chuyển Anka và nhiều tù binh khác đến trại tập trung Mauthausen. Lúc này, Anka chỉ hơn 30 kg.
Bà Eva (phải), người trẻ nhất sống sót qua nạn diệt chủng, bên mẹ Anka khi bà Anka 90 tuổi. Ảnh: Daily Mail |
Anka và hàng trăm người khác trải qua 16 ngày trên tàu, không thức ăn và nước uống, để đến địa điểm sẽ trở thành mồ chôn của họ. Tuy nhiên, vào thời điểm Anka sắp lâm bồn, lính Đức đã thực hiện đợt xử tử tù nhân bằng khí ngạt cuối cùng trước khi chạy trốn quân Đồng minh.
Bọn lính đẩy Anka lên một xe kéo chất thi thể người chết và những người bệnh nặng, sau đó đưa tới một nhà thương của trại tập trung. Một thời gian sau, Anka vỡ nước ối và cô bắt đầu kêu la.
Đứa con trong bụng tự tìm cách ra khỏi bụng mẹ. Tuy nhiên, em bé (tức Eva) không khóc khoảng hơn 10 phút. Sau đó, một tù nhân người Do Thái vốn là bác sĩ đã đến kịp. Ông cắt dây rốn cho bé gái và tìm cách giúp em thở.
"Mẹ tôi luôn nói rằng, không ai có thể biết được giới hạn chịu đựng của bản thân tới đâu. Nhưng tôi tin chắc tôi sẽ không bao giờ sức chịu đựng mãnh liệt như mẹ", bà Eva nói.
Mùa hè năm 1945, bà Anka trở về quê hương Prague để tìm lại gia đình. Tuy nhiên, toàn bộ người thân của bà đều không còn sống. Bố của bà chết tại trại tập trung Auschwitz vì viêm phổi, còn mẹ và các anh, chị em bị đưa vào buồng khí ngạt. Người chồng Bernd đã chết dưới làn đạn của lính Đức Quốc xã. "Mẹ gần như tuyệt vọng khi hay tin. Tuy nhiên, bà nói việc tôi ra đời an toàn là nguồn sống duy nhất còn lại", Eva kể trong quyển sách.