Bạn có thể chuyển sang phiên bản mobile rút gọn của Tri thức trực tuyến nếu mạng chậm. Đóng

Sự ra đời của cuốn tiểu thuyết lừng danh 'L'amante'

Ông Huỳnh Thủy Lê cưới vợ, còn nàng Marguerite Duras trở về Pháp và có chồng con. Cứ ngỡ câu chuyện tình vội vã và lãng mạn trên dòng sông Tiền từ đó mà kết thúc, trôi vào dĩ vãng.

Hơn 40 năm sau, khi cả hai đã già, chuyện tình năm cũ bỗng bừng sống dậy giữa Paris tráng lệ, bên dòng sông Seine. Nhờ đó, nền văn học Pháp có được cuốn tiểu thuyết lừng danh Người tình.

Anh đường anh, em đi đường em…

Sau buổi chia tay không hẹn trước trên bến Nhà Rồng, Huỳnh Thủy Lê trở về Sa Đéc cưới vợ, còn Marguerite Duras cùng mẹ lênh đênh hơn một tháng trời, trước khi tàu cập bến Marseille, đưa nàng trở về cố quốc. Trở về Paris, Duras theo học khoa Toán, rồi khoa Luật và Khoa học chính trị; ra trường, bà làm thư ký tại Bộ Thuộc địa từ 1935 - 1941.

Năm 1939, Duras kết hôn với nhà thơ Robert Antelme. Họ có một con trai nhưng bị bệnh và qua đời vào năm 1942. Hai vợ chồng Marguerite Duras và Robert Antelme từng tham gia kháng chiến chống sự xâm lược của quân Đức quốc xã. Một lần, trung đội của họ bị mai phục, Marguerite Duras thoát được nhờ sự giúp đỡ của ông Francois Mitterrand - người sau này là Tổng thống Pháp, nhưng chồng bà là Robert Antelme bị bắt vào trại tập trung. Chiến tranh Thế giới lần thứ II kết thúc, ông Antelme ra khỏi trại tập trung Dachau. Sau đó, họ đã ly dị vào năm 1946. Marguerite Duras sống với mối tình khác là ông Dionys Mascolo, nhưng cuộc hôn nhân kéo dài không lâu.

Bà Duras khi đã già.
Bà Duras khi đã già.

Lần đầu tiên, bà Marguerite Duras xuất hiện trên văn đàn nước Pháp vào năm 1950 với cuốn tự truyện Un barrage contre le Pacifique (tạm dịch là Đập chắn Thái Bình Dương). Khởi đầu thành công, Duras tiếp tục dấn thân vào thể loại tiểu thuyết, càng viết càng hay. Những trang viết của bà có hơi thở của cuộc sống ở xứ thuộc địa Đông Dương, nơi bà từng trải qua cả quảng đời thơ ấu. Những tác phẩm của bà đã góp phần làm mới cho thể loại tiểu thuyết hiện đại ở Pháp. Những tác phẩm đầu của Duras thường được viết theo một dạng nhất định, nhưng kể từ Moderato Cantabile (Giai điệu êm dịu, 1958) bà đã thử các lối viết mới, đặc biệt là cắt bỏ những đoạn văn dài để làm tăng phần quan trọng của những gì không được viết ra. Bà được xếp vào phong trào tiểu thuyết mới trong văn học Pháp.

Tác phẩm Duras gồm khoảng 40 tiểu tuyết và 10 vở kịch. Bà cũng đã thực hiện nhiều bộ phim, trong đó có India Song (Bài hát Ấn Độ) và Les enfants (Những đứa trẻ). Các phim của bà cũng mang tính chất thực nghiệm, thường tránh dùng âm thanh thu cùng hình ảnh mà dùng lời của người kể truyện, không phải để kể lại câu ​chuyện mà để ám chỉ đến một truyện có thể xảy ra với các hình ảnh đó.

Năm 1984, Duras đoạt giải thưởng Goncourt với Người tình (L'Amante) - cuốn tiểu thuyết viết về cuộc tình nồng nàn và lãng mạn giữa bà với điền chủ người Việt gốc Hoa giàu có tên Huỳnh Thủy Lê tại Sa Đéc. Người tình là một thành công lớn, được dịch ra hơn 40 thứ tiếng và được dựng thành phim vào năm 1992. Năm 1989, bà được trao Giải quốc gia Áo cho Văn học châu Âu. Marguerite Duras mất ngày 3​/3/1996 ở Paris, được chôn cất tại nghĩa trang Montparnasse. Trên bia mộ của bà khắc hai đóa hoa và hai chữ viết tắt M.D (Marguerite Duras) cùng hai tấm chân dung, một khi còn trẻ và một khi đã già.

Bốn mươi năm tình cũ…

Một ngày cuối năm 1971, giữa thủ đô Paris tráng lệ của nước Pháp. Nữ văn sĩ được độc giả nước Pháp và cả thế giới Pháp ngữ yêu mến Marguerite Duras đang ngồi soạn lại các tác phẩm trong một đời viết văn của mình. Nữ văn sĩ 57 tuổi này có thói quen sống lại với các tác phẩm của mình mỗi lần năm cũ sắp kết thúc, năm mới sắp đến. Trước mặt bà là những cuốn tiểu thuyết mà bà đã rút ruột viết ra trong gần 30 cầm bút. Bỗng chuông điện thoại nhà bà reo vang, chiếc điện thoại giả cổ theo kiểu Tướng Charles De Gaulle từng sử dụng phát lên những tiếng chuông như tha thiết, như giục giã. Bà Duras chợt thấy hồi hộp, tim đập mạnh, bà cũng không hiểu lý do tại sao, có lẽ tiếng chuông điện thoại trong một chiều cuối năm vang lên giữa tĩnh lặng đã làm rung động trái tim của người phụ nữ nổi danh là đa cảm này.

Nhấc điện thoại, bà Duras vẫn còn hồi hộp chờ nghe thông điệp từ bên kia đầu dây. Giọng người đàn ông có vẻ đã lớn tuổi, phát âm không thuật chuẩn giọng Pháp, có thể là người nước ngoài, cụ thể là vùng Đông Nam Á bởi đặc thù của cách phát âm theo lối ngôn ngữ đơn âm. Người đàn ông bên kia đầu dây cũng lịch sự hỏi thăm có phải bà là nữ văn sĩ Marguerite Duras, là câu hỏi mà bà rất thường nghe mỗi khi nhấc điện thoại. Thoạt đầu, bà Duras cũng nghĩ đó là một độc giả nào đó hâm mộ bà điện thoại thăm hỏi.

Sau khi biết chắc là bà Duras, giọng nói trong điện thoại bỗng trở nên thổn thức hỏi: “Bà có nhận ra ai đang nói chuyện điện thoại với bà không?”. Tất nhiên là bà Duras không thể nhận ra, vì đã hơn 40 năm bà không nghe lại giọng nói ấy, ngày trước là giọng sang sảng của một thanh niên trẻ trung, khỏe mạnh, giờ là giọng khàn đặc của một cụ già, thỉnh thoảng chen vào tiếng ho sù sụ.

Bà Duras bỗng thấy chân tay run rẩy, đứng không còn vững, khi từ đầu dây bên kia nói rành mạch: “Anh là Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc - Việt Nam 42 năm trước nè, em còn nhớ không?”. Là một nữ văn sĩ rất nhanh nhạy với từ ngữ, tế nhị trong ứng xử, nhưng trước tình huống quá bất ngờ và xúc động, bà Duras không biết phải nói gì, miệng chỉ ấp úng những lời thừa thãi: “Ôi, anh Thủy Lê, làm sao anh biết số điện thoại của tôi…”. Ông Thủy Lê trả lời: “Em là nhà văn nổi tiếng, có khó gì chuyện tìm xin số điện thoại của em”. “Thế anh đang ở đâu, anh từ Việt Nam gọi cho em phải không?”, bà Duras hỏi. Khi ông Huỳnh Thủy Lê trả lời rằng, ông đang gọi điện thoại ngay tại Paris, bà Duras chỉ còn biết thốt lên: “Ôi chúa ơi, cảm ơn chúa đã cho đời con còn có được ngày này, con còn có thể gặp được người đàn ông này!”.

Ngôi nhà của ông Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc.
Ngôi nhà của ông Huỳnh Thủy Lê ở Sa Đéc.

Đi bên sông Seine, nhớ về sông Tiền

Họ lặng lẽ đi bên nhau bên bờ sông Seine. Dòng sông thơ mộng chảy ngang qua Paris này thường dành làm nơi hẹn hò của những đôi tình nhân trẻ, còn người lớn tuổi ở Paris thường đi dạo trong những công viên dưới chân tháp Effel. Thế nhưng, bà Duras lại hẹn gặp ông Thủy Lê bên bờ sông Seine tình tứ, tất nhiên là có lý do của bà. Ngay khi vừa gặp nhau, ông Thủy Lê đã rưng rưng đôi mắt mờ đục của tuổi già và nói: “Anh vẫn yêu em, trọn cuộc đời anh vẫn yêu em”. Bà Duras cũng bất chợt thốt lên những câu nói tương tự. Họ đứng tựa vào nhau, hai mái đầu đã trắng màu sương tuyết nhưng hai trái tim vẫn nóng hổi, thổn thức.

Dòng sông Seine mùa đông mặt nước lặng lờ trôi, không một gợn sóng, nhưng trong tâm tưởng của đôi tình nhân già đứng trên bờ sông lại ào ạt sóng nước sông Cửu Long, sóng nước đập vào mạn phà Mỹ Thuận chạy ngang dòng sông Tiền, trong một ngày cuối năm nước đổ như thác từ phía thượng nguồn… Cô nữ sinh Marguerite Duras tuổi 15 rời chiếc xe đò Sa Đéc - Sài Gòn, bước xuống phà, đứng tựa vào lan can phà nhìn nước sông Cửu Long chảy siết mang theo những đám lục bình trôi tản mạn. Chàng trai Huỳnh Thủy Lê cũng bước ra khỏi chiếc limousine màu đen sang trọng tiến đến mạn phà nơi cô gái Tây đang đứng… Và rồi một mối tình dữ dội và lãng mạn đã đến với chàng thương gia người Việt gốc Hoa và cô nữ sinh người Pháp…

Họ đã có những buổi chiều thơ mộng bên dòng sông Seine trước ngày lập đông. Mỗi chiều chia tay với ông Thủy Lê trên bờ sông Seine, bà Duras trở về nhà cả đêm không thể ngủ, hình ảnh mối tình đầu của bà nơi xứ thuộc địa Đông Dương xa xôi cứ ào ạt tràn về như nước sông Cửu Long năm nào. Đối với những người cầm viết, nhất là những nhà văn nữ, những khoảnh khắc cảm xúc cao độ như thế thường cho ra những tác phẩm hay, và bà Duras cũng không bỏ qua cơ hội tuyệt vời này. Quyển tiểu thuyết Người tình (L'Amante, Nhà xuất bản Les Éditions de Minuit năm 1984) đã ra đời trong hoàn cảnh như thế và nhanh chóng chinh phục độc giả Pháp vốn rất tinh tế với văn chương. Ngay sau khi xuất bản, quyển sách đã trở thành cuốn “best seller” (bán chạy nhất) với 2,4 triệu bản, đoạt giải Goncourt - một giải thưởng danh giá của văn học Pháp. Quyển tiểu thuyết cũng nhanh chóng được phổ biến rộng rãi trong thế giới Pháp ngữ và trên toàn thế giới, nó đã được dịch ra 43 thứ tiếng, tất nhiên là có cả tiếng Việt, và được dựng thành phim cũng rất nổi tiếng.

http://laodong.com.vn/van-hoa/su-ra-doi-cua-cuon-tieu-thuyet-lung-danh-lamante-400343.bld

Theo Tô Châu/Lao Động

Bạn có thể quan tâm