Sứ quán Mỹ khắp nơi bị tấn công không chỉ vì một bộ phim
Làn sóng người biểu tình bị kích động bởi một bộ phim phỉ báng đạo Hồi, cuồng nộ tấn công các Đại sứ quán Mỹ đã lây lan tới ít nhất 17 quốc gia Hồi giáo. Tuy nhiên, thực tế, nguyên nhân dẫn đến sự chống đối dữ dội này nhiều hơn một bộ phim.
Làn sóng chống Mỹ đang tiếp tục lan rộng trong cộng đồng người Hồi giáo khắp thế giới và chưa có dấu hiệu lắng dịu. Từ Cộng hòa Hồi giáo Mauritania cho đến cho tới Indonesia, những người biểu tình lũ lượt xuống phố cùng với sự phẫn nộ, họ “xả giận” vào các sứ quán Mỹ, đốt quốc kỳ nước này, không ngại đụng độ với các lực lượng an ninh. Nhiều người đã thiệt mạng và hàng trăm người khác bị thương trong các cuộc đụng độ.
Những người biểu tình ở Cairo, Ai Cập che mặt tránh hơi cay trong một cuộc đụng độ với lực lượng an ninh. |
Những bức tường cao ngút và kiên cố của các sứ quán Mỹ tại Sudan và Tunisia cũng không thể ngăn được người biểu tình ồ ạt leo vào xả giận. Họ phá phách, xé nát cờ Mỹ và thay vào đó những lá cờ đen.
Trong khi đó, từ Tehran tới Amman và Kuala Lumpur, cờ Mỹ thậm chí bị dỡ xuống và bị đốt cháy thành tro. Ở Ai Cập, người biểu tình đụng độ với các lực lượng an ninh trên phố.
Người biểu tình ở Tunisia leo vào sứ quán hạ cờ Mỹ, đốt cháy nó và thay vào đó một lá cờ đen. |
Ở Afghanistan, hình nộm của Tổng thống Obama bị thiêu cháy. Ở khu vực tự trị Kashmir của Ấn Độ, giới tu sĩ đạo Hồi cấp cao cảnh báo, tất cả người Mỹ nên “nhanh chóng cuốn gói” khỏi đây bởi các tín đồ Hồi giáo đã bị tổn thương.
Ở Khartoum, Sudan, các lực lượng an ninh đã bất lực để ngăn đám đông biểu tình tấn công các Đại sứ quán Anh và Đức trước khi ồ ạt chuyển sang náo loạn Đại sứ quán Mỹ. Ở dải Gaza, các lãnh đạo của Hamas và Hồi giáo cực đoan kêu gọi chống Mỹ mạnh mẽ với các khẩu hiệu như “Cái chết cho Mỹ” và “Cái chết cho người Do thái”.
Nguyên nhân khơi dậy sự phẫn nộ đối với Mỹ trong thế giới Hồi giáo ban đầu chỉ là một bộ phim có nội dung phỉ báng tín đồ Hồi giáo được sản xuất tại nước này. Tuy nhiên, theo một bài phân tích trên CS Monitor, cuộc biểu tình chống Mỹ rầm rộ đang lan rộng khắp thế giới Hồi giáo có nguyên cớ không chỉ bắt nguồn từ một bộ phim.
Những cuộc biểu tình phản ánh sự bất mãn sâu sắc và trên phạm vi rộng có gốc rễ không chỉ bởi cơn giận dữ đối với các chính sách của Mỹ như ủng hộ Israel, xâm lược Iraq và Afghanistan hoặc lạm dụng máy bay không người lái trong các cuộc truy quét khủng bố cũng như trong các mục đích quân sự khác.
Mỹ lạm dụng máy bay không người lái trong các chiến dịch truy quét khủng bố gây ra thương vong cho nhiều người vô tội là một trong những nguyên nhân khiến cộng đồng Hồi giáo tức giận. |
Theo CS Monitor, cuộc tấn công vào Lãnh sự quán Mỹ ở Benghazi xảy ra chỉ ít giờ sau khi lãnh đạo al-Qaeda Ayman al-Zawahiri kêu gọi những người ủng hộ “giết hết những kẻ thập tự chinh” để trả thù cho một lãnh đạo al-Qaeda người Libya đã thiệt mạng do máy bay không người lái.
Trong khi đó, ở Yemen, cộng đồng Hồi giáo vốn từ lâu cảm thấy khó chịu vì cho rằng Mỹ can thiệp quá sâu vào các vấn đề của Yemen. Ngoài ra, người dân ở đây cũng phẫn nộ trước các cuộc công kích nhầm bởi máy bay không người lái Mỹ khiến nhiều dân thường Yemen thiệt mạng oan. Mới đây nhất, 10 người vô tội ở Yemen thiệt mạng trong một vụ công kích nhầm của máy bay không người lái Mỹ.
Ngoài ra, theo CS Monitor, các cuộc tấn công sứ quán Mỹ lan rộng từ còn là biểu hiện cho nỗi thất vọng đối với tình hình chính trị trong nước của nhiều người khi các chính phủ mới không có khả năng để tạo ra những thay đổi nhanh chóng và ý nghĩa theo sau cuộc cách mạng Mùa xuân Arab.
“Người biểu tình bị tổn thương bởi một bộ phim phỉ báng đạo Hồi. Tuy nhiên, xét tổng thể và sâu xa trong toàn bộ thế giới Arab, thực tế, nhiều người bị kích động bởi tình hình chính trị trong nước. Họ thất vọng với các chính phủ liên quan đến việc xây dựng các tổ chức và hệ thống chính trị mới cũng như thiết lập một quốc gia mới”, ông Salman Shaikh, Giám đốc Trung tâm Brookings Doha ở Qatar nhấn mạnh.
Phương Đăng
Theo Infonet