Xuyên suốt các nền văn hóa, võ thuật có ba giá trị cơ bản: chiến đấu (đối đầu, đánh nhau trên đường phố), thể thao (quyền anh, các giải đấu MMA), và giải trí (các cuộc tỉ thí trên sân khấu, giải đô vật nhà nghề, các bộ phim về kung-fu). Nền võ thuật phương Đông còn góp thêm một hạng mục thứ tư: giá trị tâm linh. Kung-fu được hiểu như một phương pháp thiền chuyển động. Mục đích sâu sắc nhất của nó là hướng môn đồ đến sự khai sáng, giác ngộ.
Lấy nhu chế cương
Trong thời gian Bruce hoàn thiện những kỹ xảo võ nghệ kung-fu phương bắc vào buổi sáng, anh vẫn tiếp tục tập luyện Vịnh Xuân Quyền lúc chiều xuống. Wong Shun Leung chỉ dạy cho anh những chiêu pháp mới lợi hại còn Diệp Vấn lại truyền đạt cho anh những tư tưởng triết học và tâm linh sâu sắc. Chính những bài giáo huấn của đại danh sư Diệp Vấn đã dẫn anh đến con đường khai sáng tâm linh. Trong một bài viết sau đó hai năm, Bruce đã hồi tưởng lại những trải nghiệm quý báu ấy như sau:
"Trong suốt bốn năm trau dồi tập luyện nghệ thuật kung-fu, tôi đã dần chiêm nghiệm và thấu hiểu nguyên tắc dĩ nhu chế cương - đó là nghệ thuật hóa giải sức mạnh của đối thủ và hạn chế sự hao mòn sinh lực của mình. Tất cả những chiêu thức này phải được thực hiện khi tâm tĩnh mà không cần cố gắng mất sức.
Nghe có vẻ đơn giản nhưng khi thực hiện thì đầy khó khăn. Giây phút lâm trận, trí óc tôi sẽ hoàn toàn bấn loạn và không ổn định. Nhất là sau một loạt quyền cước tung ra giữa hai bên, mọi ý niệm về chữ nhu của tôi thường biến mất. Trong tôi lúc ấy chỉ còn nung nấu khát khao làm thế nào để đánh gục đối thủ.
Sư phụ tôi, đại võ sư Diệp Vấn, đã tới bên tôi và dạy rằng: “Con hãy thả lỏng người và thật tĩnh tâm. Con hãy quên chính mình để nương theo thủ pháp của đối phương. Hãy để tâm trí của con thực hiện các thế phản đòn mà không cần cân nhắc suy nghĩ. Trên hết thảy, phải học được nghệ thuật né tránh”.
Đúng là vậy! Tôi phải thả lỏng. Tuy nhiên, ngay lúc đó tôi đã vô thức làm điều ngược lại. Đó chính là khi tôi tự nhủ lòng mình phải thả lỏng, việc 'phải' cố gắng thả lỏng đã không còn là thả lỏng một cách tự nhiên. Khi tôi quá chú tâm tới mức rơi vào 'điểm mù', sư phụ lại gần và nói với tôi: 'Con hãy gìn giữ nguyên khí bằng cách nương theo mọi việc và không can thiệp. Hãy nhớ là không bao giờ tấn công trước mà phải lấy thủ để công, bất chiến tự nhiên thành. Con khoan hãy tập luyện trong tuần này. Cứ về nhà và suy ngẫm về triết lý đó'.
Hai thầy trò luyện võ. |
Tuần sau đó tôi ở nhà. Trải qua hàng giờ tập luyện và chiêm nghiệm, tôi bỏ cuộc và đi ra biển trên một chiếc thuyền con. Ngồi lênh đênh trên biển, tôi nghĩ về thời gian luyện tập vừa qua và bỗng thấy giận mình ghê gớm, tôi đấm mạnh vào mặt nước. Ngay phút giây đó, một ý niệm chợt lóe lên: Chẳng phải nước chính là bản chất của kung-fu đó sao? Tôi vừa đánh vào nó nhưng nó không hề bị tổn thương. Dẫu trông yếu đuối nhưng nước có thể khuất phục những chất liệu cứng rắn nhất thế gian. Đúng vậy! Tôi muốn trở thành tự nhiên như nước.
Tôi nằm trên thuyền và cảm thấy mình hòa quyện làm một với Đạo. Tôi đã trở thành một với tự nhiên. Cả thế giới trước mắt tôi là một thể thống nhất".
"Hãy là nước bạn nhé!"
Khoảnh khắc huyền diệu đó đã gây ảnh hưởng sâu sắc đến người trai trẻ. Kung-fu trở thành tôn giáo của anh, là con đường khai sáng. Anh trở nên quan tâm đặc biệt đến Đạo giáo, một hệ thống triết học Trung Hoa cổ xưa với quan niệm con người sống hài hòa với thiên nhiên vạn vật, trôi theo dòng nước, như cây sậy uốn cong theo chiều gió - “Hãy là nước, bạn nhé” là câu nói trứ danh sau này của Bruce.
Sách Lý Tiểu Long - Một cuộc đời phi thường. |
Anh tự biết mọi rắc rối của mình phát sinh do khát khao được thể hiện quyền lực, ý chí của mình. Anh là một con rồng, là mạng hỏa, sự giận dữ luôn bốc cháy quanh anh. Đạo giáo và kung-fu giờ là công cụ tâm lý hữu hiệu để anh tự sửa đổi bản thân, là dòng nước dập bớt ngọn lửa luôn sôi sục trong anh.
Ở Trung Quốc vốn có câu đùa rằng kung-fu là cách để khiến một thằng bé 13 tuổi trầm ngâm suy ngẫm. Bruce thuở ban đầu đến với võ thuật là một thiếu niên hư hỏng. Từ giây phút này trở đi, anh nói năng và suy nghĩ giống như một đạo sĩ. Sự phân đôi nhân cách và xung đột nội tâm trong anh giữa một bên là anh chàng ngang tàng nổi loạn với một bên là sự thấu hiểu về Đạo giáo sẽ định hình cuộc đời trưởng thành của Bruce Lee sau này.