Qua chặng đường 3 năm có mặt tại Việt Nam, ông Osamu Ikezoe - Tổng giám đốc Uniqlo Việt Nam - cho rằng bên cạnh sự yêu mến của khách hàng bởi chất lượng sản phẩm hàng đầu, điều Uniqlo hướng tới là những giá trị đóng góp tích cực và bền vững cho cộng đồng tại các địa phương mà thương hiệu đặt chân đến.
“Việt Nam là một trong những thị trường quan trọng của Uniqlo”
- Ở góc độ một nhà sản xuất thời trang, ông nhận xét thế nào về thị hiếu mua sắm của người tiêu dùng Việt?
- Việt Nam là một thị trường trẻ, năng động và có nhiều giá trị văn hóa độc đáo. Đặc biệt, người tiêu dùng Việt ưa chuộng những trang phục có tính ứng dụng cao, dễ dàng sử dụng trong nhiều hoạt động, tình huống. Nhu cầu đó vô tình phù hợp những gì mà Uniqlo hướng tới.
Ngoài ra, khách hàng có xu hướng lựa chọn những sản phẩm tiện lợi hàng ngày, phù hợp điều kiện sinh hoạt và đời sống. Ví dụ, người Việt Nam thường sử dụng xe máy trong đi lại, nên sẽ ưa chuộng những sản phẩm như áo chống nắng chống tia UV, áo Blocktech có khả năng chống được mưa nhẹ, áo giữ nhiệt Heattech... Đó cũng là cơ sở để Uniqlo nghiên cứu thị hiếu và cho ra đời những dòng sản phẩm đáp ứng nhu cầu người dùng.
- Với khẩu hiệu “Made for all”, Uniqlo mong muốn mang đến điều gì cho người dùng?
- Với Uniqlo, nhân tố con người đóng vai trò rất quan trọng. Nhiệm vụ tiên quyết mà thương hiệu đặt ra là làm sao để tạo ra những bộ trang phục phù hợp bất kỳ ai, được người mặc yêu thích, thoải mái trong nhiều hoạt động khác nhau.
Đó cũng là tinh thần làm nên khẩu hiệu “Made for all”. Để làm được điều đó và mang đến sự hỗ trợ cho ngày càng nhiều khách hàng ở khắp nơi, chúng tôi bám sát triết lý LifeWear. Với Uniqlo, trang phục không còn đơn thuần để mặc, mà trở thành phương tiện kết nối những giá trị xã hội đa dạng của con người và cộng đồng.
- Uniqlo là một trong những thương hiệu thời trang có bước phát triển mạnh mẽ nhất khi đặt chân vào thị trường Việt Nam. Sau 3 năm, cột mốc nào ông cảm nhận là đáng nhớ nhất mà thương hiệu đã đi qua?
- 3 năm là quãng đường dài để tóm gọn trong một vài cột mốc. Tuy nhiên, chúng tôi ấn tượng sâu sắc với ngày 6/12/2019 - cột mốc cửa hàng Uniqlo đầu tiên tại Việt Nam khai trương.
Từ sáng, hơn 2.000 khách hàng đã xếp hàng trải nghiệm. Tổng lượt khách hàng đến với Uniqlo trong ngày đầu tiên lên đến 10.000. Sau 3 năm, Uniqlo đã có 15 cửa hàng trên toàn quốc tại các thành phố lớn như TP.HCM, Hà Nội, Hải Phòng. Việt Nam cũng có đến 4 cửa hàng đặc biệt quy mô lớn diện tích dao động 3.000 m2 với thiết kế đặc biệt và đa dạng sản phẩm LifeWear - một con số khá ấn tượng so với các thị trường khác trong khu vực.
Đó là tín hiệu cho thấy người tiêu dùng Việt Nam đón nhận những sản phẩm của Uniqlo rất tích cực, trở thành động lực để chúng tôi lắng nghe và thấu hiểu nhiều hơn, xây dựng chất lượng dịch vụ tốt hơn cho người dùng.
Tôn trọng bản sắc, xây dựng giá trị bền vững dài hạn
- Những thành tựu của Uniqlo là sự kết hợp của nhiều yếu tố. Theo ông, đâu là 3 giá trị cốt lõi nhất tạo nên thành công của Uniqlo tại Việt Nam hiện nay?
- Đầu tiên là triết lý LifeWear - cốt lõi mà chúng tôi luôn theo đuổi. Chúng tôi mong muốn đưa giá trị LifeWear đến tất cả khách hàng.
Tiếp theo, những chiến lược hoạt động của Uniqlo luôn tuân theo tầm mình và sứ mệnh mà thương hiệu đã đặt ra, nhằm mang đến dịch vụ và trải nghiệm tốt nhất cho khách hàng. Lợi nhuận hay doanh thu cũng quan trọng, nhưng đó không phải yếu tố đầu tiên khi chúng tôi quyết định thực hiện kinh doanh, mà đó là sự hài lòng của khách hàng.
Cuối cùng, thương hiệu có thể làm được gì cho cộng đồng và xã hội nơi chúng tôi đặt chân đến là giá trị tiên quyết trong mọi quyết định của Uniqlo.
- Trong 3 năm qua, đâu là thách thức lớn nhất mà ông nói riêng và Uniqlo Việt Nam nói chung nhìn nhận trong quá trình phát triển tại Việt Nam?
- Thị trường Việt Nam phân chia thành 2 miền Nam Bắc với khí hậu, điều kiện thời tiết phân hóa rõ rệt, dẫn đến nhu cầu sử dụng quần áo, thời trang cũng có điểm khác biệt.
Phải thừa nhận rằng để đáp ứng sự đa dạng trong nhu cầu của mọi khách hàng tại hai miền là một thách thức lớn và Uniqlo vẫn đang cố gắng mỗi ngày để đạt được điều đó. Vì vậy, chúng tôi phải lắng nghe và thấu hiểu nhiều hơn để nắm bắt đúng nhu cầu của người dùng ở mức độ tinh tế nhất.
- LifeWear có thể xem là một trong những “ADN” nhận dạng các sản phẩm Uniqlo trên thị trường. Có gì đặc biệt trong triết lý LifeWear và Uniqlo mong muốn truyền tải thông qua thúc đẩy xu hướng này?
- Khởi nguồn từ những giá trị Nhật Bản, khái niệm “LifeWear” của Uniqlo mang đến các sản phẩm với thiết kế đơn giản nhưng được tạo nên với sự tinh tế, chất lượng và độ bền cao. Bản thân triết lý LifeWear cũng được lấy cảm hứng từ chính nhu cầu cuộc sống với trọng tâm là sự cải tiến công nghệ và ứng dụng các tính năng tiện ích cho người mặc.
LifeWear mang đến những thiết kế đẹp mắt, giản đơn, chất liệu chất lượng cao cùng sự chăm chút tinh tế đến từng chi tiết, giúp đem lại cảm giác thoải mái và một cuộc sống tốt đẹp hơn mỗi ngày. Song song đó, một yếu tố quan trọng không kém của LifeWear là giúp cuộc sống của mọi người trở nên tốt đẹp hơn. Đặc biệt, với định hướng từ Tập đoàn Fast Retailing, LifeWear đồng nghĩa với phát triển bền vững (LifeWear = Sustainability). Triết lý mang đến ý nghĩa về việc giảm tác động tới môi trường trong quá trình sản xuất, đồng thời vẫn đảm bảo phục vụ những nhu cầu thường ngày của người tiêu dùng.
Qua hành trình 3 năm có mặt tại Việt Nam, chúng tôi phần nào giúp khách hàng hiểu được các giá trị cốt lõi mà triết lý LifeWear muốn chia sẻ và kết nối với mọi người. Chúng tôi muốn khi nhắc đến Uniqlo, khách hàng sẽ liên tưởng ngay đến LifeWear và ngược lại.
- Trong tương lai 5-10 năm nữa, thương hiệu mong muốn người dùng nhìn nhận Uniqlo ra sao?
- Chúng tôi mong muốn đồng hành phát triển cùng người dùng Việt Nam và trở thành một phần không thể thiếu trong cuộc sống của khách hàng. Dù tương lai 5-10 năm hay xa hơn, tầm nhìn này vẫn sẽ không thay đổi.
Bên cạnh đó, Uniqlo nỗ lực để trở thành một doanh nghiệp uy tín, có thể thực hiện những cam kết mà thương hiệu đã đặt ra về chất lượng sản phẩm lẫn dựng xây cộng đồng, hỗ trợ xã hội như giảm lượng phát thải trong sản xuất, hướng tới chuỗi giá trị bền vững trong dài hạn.
Bên cạnh đó, chúng tôi thể hiện sự tôn trọng đa dạng bản sắc và tài năng trong công việc, thể hiện qua việc kết hợp cùng các tổ chức xã hội nhằm kiến tạo môi trường làm việc bình đằng và hòa nhập dành cho người khuyết tật; hay chiến lược đào tạo, cũng như trao quyền cho nhân lực trẻ thông qua chương trình tuyển dụng quản lý toàn cầu (UMC - Uniqlo Manager Candidate).
Hiện, có 75% quản lý các cửa hàng Uniqlo tại Việt Nam và 2 quản lý khu vực là nhân sự người Việt Nam, hay hơn 50% quản lý cấp cao của thương hiệu là nữ. Về khía cạnh phát triển nhân sự, đây là những con số ấn tượng thể hiện nỗ lực của đội ngũ Uniqlo.
Hơn hết, chúng tôi mong muốn người tiêu dùng nhìn nhận Uniqlo là một thương hiệu luôn khiến khách hàng có thể trọn vẹn đặt niềm tin với những đóng góp tích cực và có trách nhiệm với xã hội, cộng đồng.
Ông Osamu Ikezoe gửi lời cảm ơn đến bà Vũ Kim Hạnh - Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Hoa hậu H’hen Nie, doanh nhân - người mẫu Helly Tống đã đồng hành cùng Uniqlo mang đến những hoạt động gắn kết, hỗ trợ cộng đồng. |