Thủ tướng Billy Hughes chụp ảnh cùng những người lính Australia. Ảnh: The Courier Mail. |
Đầu năm 1918, khi cục diện chiến tranh dường như đang xoay về hướng có lợi cho phe Đồng Minh và triển vọng hòa bình đặt ra nhiều vấn đề mới cần giải quyết, đương kim thủ tướng Australia, Billy Hughes quyết định quay lại châu Âu.
Keith đã khuyên Hughes nên xúc tiến “các chương trình tuyên truyền phù hợp, các chuyến diễn thuyết tại nhiều địa điểm, các hoạt động quảng bá, và chương trình khôi phục thương mại” để giúp người Mỹ hiểu hơn về quan điểm của người Australia. Trong một nỗ lực nhằm khiến chặng dừng chân của Hughes ở Washington DC, thành công, Keith liên hệ với những nhân vật quan trọng trên chính trường và trong lĩnh vực tuyên truyền, bao gồm Northcliffe và Beaverbrook.
Anh thu xếp để Hughes gặp gỡ Tổng thống Woodrow Wilson, đồng thời chỉ ra cho Hughes những quan điểm mà ông nên trình bày khi trao đổi với tổng thống. Trước đó, Keith đã cảnh báo Hughes rằng nếu không chuẩn bị trước, ông sẽ gặp rắc rối với Wilson về vấn đề phân chia lãnh thổ trước đây của Đức ở Thái Bình Dương.
Nhằm đạt được lợi thế về chiến lược và phòng thủ, Hughes muốn giành quyền kiểm soát các đảo của Đức ở phía bắc đường xích đạo, bất chấp việc Nhật Bản cũng đứng ra tuyên bố quyền kiểm soát ở đó, và các đảo ở phía nam đường xích đạo xung quanh đảo New Guinea.
Trong cuộc gặp gỡ giữa hai người, lời đề nghị của Hughes về việc phân chia lãnh thổ Đức vấp phải thái độ lạnh lùng của Wilson, vị tổng thống Mỹ chỉ ngồi “lặng thinh như tượng Nhân sư ở sa mạc”. Hughes phải điều chỉnh lại nội dung các bài diễn thuyết về một nước Đức dã man mà ông thực hiện trước đó trước công chúng Mỹ.
Ở Anh, tình huống đang chờ Hughes cũng không triển vọng hơn. Keith đã chỉ trích ông rằng ở hậu trường, anh đã phải nỗ lực rất nhiều để hỗ trợ cho ông, và giờ đây anh đã chán việc đó. Trong khi Canada có thể vận hành một hệ thống quảng bá hình ảnh toàn diện ở nước Anh, thì hễ khi nào có việc cần phải làm cho nước Australia, Keith đều phải “tự mình làm, không có phần thưởng và cũng không được ghi nhận, lý do chỉ đơn giản là vì ngoài anh ra, không có ai khác buồn động tay động chân”.
Tuy vậy, anh cũng thừa nhận rằng các kênh chính thức có lẽ sẽ kém hiệu quả hơn, vì “công việc thực sự với báo giới” tốt nhất là nên “được thực hiện bởi một nhân vật bên ngoài báo giới, có mối quan hệ đặc biệt với các tổng biên tập và các chủ báo”, đây là một sự thừa nhận thẳng thắn về phương thức mà Keith đã tự phát triển riêng cho mình, đồng thời cũng là phương thức hoạt động mà anh đã rèn luyện thuần thục.
Trong một bài viết phân tích sắc sảo về chuyến công du trên, Keith tiết lộ với các độc giả lý do vị thủ tướng Australia lần này lại nhận được một “sự tiếp đón vừa phải”. Nếu là một năm trước, có lẽ ông sẽ được tiếp đón nồng hậu hơn, nhưng giờ đây, uy tín của ông đã suy giảm.
Những người ủng hộ nhiệt tình nhất trong chiến dịch vận động đưa Hughes trở thành thủ tướng Anh đã rút lui sau thất bại trong cuộc trưng cầu dân ý đầu tiên về việc triển khai chế độ tòng quân cưỡng bức, hoặc ít nhất cũng đã tỏ ra thờ ơ với ông.
Mặc dù không cho các độc giả biết liệu anh có tham gia chiến dịch đó hay không, nhưng Keith ủng hộ việc tiếp tục áp dụng chiến lược dân túy vốn từng phát huy hiệu quả: để “dùng các bài diễn thuyết và báo chí trực tiếp kêu gọi công chúng Anh... sau đó lợi dụng thịnh tình của họ dành cho mình nhằm xoáy sâu vào những cuộc thương lượng với Nội các”.
Và lần này sẽ có sự cạnh tranh từ các đại biểu của Dominion đang tới thăm London. Tuy vậy, Keith vẫn tự tin rằng Hughes sẽ đạt được thành công lớn bởi “ông ấy hiểu rõ công chúng Anh, và công chúng Anh cũng đã được huấn luyện để biết về ông ấy”.
Do vẫn còn tức giận về việc các bài báo của mình bị chỉ trích và về việc chiến lược tuyên truyền cho đợt trưng cầu dân ý lần thứ hai về chế độ tòng quân cưỡng bức bị phá hoại, Keith tìm cớ tránh xa Hughes lúc này đang như quả đại bác sắp khai nổ. Anh nói rõ rằng lần này anh sẽ không trực tiếp quản lý chiến dịch quảng bá hình ảnh cho vị thủ tướng, viện lý do anh đang gặp áp lực vì nhiều công việc khác.
Nhưng dẫu vậy, Keith cũng không thể không lao mình vào địa hạt chính trị. Anh đề xuất tổ chức một “bữa tiệc nhỏ” ngay sau ngày Hughes đến, với khách mời là Milner, Bonar Law và Tướng Henry Wilson vừa được bổ nhiệm làm Bộ trưởng Bộ tham mưu của Hoàng gia, như vậy Hughes sẽ có cơ hội “nắm chắc” được tình hình hiện tại.
Lloyd George cũng đến căn hộ của Keith để tham dự bữa tiệc “rất thú vị” đó. Cuối tháng tám, Bean viết trong nhật ký rằng Keith đang hành xử như thể “nghiễm nhiên là Cao ủy” của nước Australia. Hai tuần sau đó, trong một biên bản ghi nhớ của Văn phòng Thuộc địa có đoạn nhận định rằng: “Theo như hiểu biết lâu nay của chúng tôi, ông Murdoch là bản sao thứ hai của ông Hughes... là chiếc loa phát ngôn cho Thủ tướng”.
Vào giữa tháng bảy, Keith nói với Fink rằng anh vẫn tránh làm “bất kỳ điều gì to tát” cho Hughes nhưng không “làm sứt mẻ mối quan hệ với ông ấy”. Anh chỉ thuyết phục Northcliffe để ý một chút tới ông, và điều này góp phần khiến người bên tuyên truyền phải thực hiện những cam kết của họ. Tuy nhiên, những người này cũng chỉ “làm qua loa cho có, không thể so được với lần trước”.
Nhưng Keith đã nắm lấy cơ hội này để đưa Hughes tới Mặt trận phía Tây trong một chuyến thăm nằm trong chiến dịch quảng bá. Chuyến thăm này trở thành dịp để vị thủ tướng trực tiếp tai nghe mắt thấy các sĩ quan và binh lính bày tỏ lòng ngưỡng mộ của họ đối với Monash như thế nào, và bất mãn với âm mưu của Murdoch cùng Bean ra sao.
Trong bài tường thuật tràn đầy tinh thần phấn khởi về chuyến thăm chớp nhoáng này, Keith đưa ra một vài điểm chính, trong đó bao gồm chuyến cắm trại trong rừng, ở đó người Mỹ và người Australia được xếp chung nhóm, các cuộc hành quân, “và cuối cùng là phi đội của Australia cho máy bay lượn vòng quanh, nhào thẳng xuống, rồi tiếp đất ngay tại chân núi”.
Khi một chiếc máy bay chầm chậm đáp xuống, một nhiếp ảnh gia tháp tùng đoàn đã chớp được một hình ảnh hiếm hoi khi Hughes và Murdoch ở bên nhau: ngài thủ tướng và cố vấn hình ảnh cho ông cùng đứng dưới đôi cánh máy bay chằng chịt dây.
11 giờ sáng ngày 11 tháng mười một năm 1918, thỏa thuận đình chiến được phía Đức ký cũng vào buổi sáng hôm đó ngay lập tức có hiệu lực. Để ăn mừng sự kiện này, Isabel Law tổ chức một bữa tiệc lớn, và ngay khi tan học, cô em gái Kitty của cô nhanh chóng chạy về nhà trong tâm trạng háo hức. Tuy nhiên Bonar Law không phấn khởi hơn chút nào trước việc chiến tranh kết thúc, ông vẫn “hoàn toàn tuyệt vọng”.
[...]