Chiến dịch tìm máy bay Boeing 777 của hãng Malaysia Airlines (MAS) tiến triển không thuận lợi do thời tiết xấu và các dòng hải lưu mạnh. Nhưng cũng có thể sự bế tắc đến do sự không tin tưởng lẫn nhau giữa các nước và việc Trung Quốc thiếu kinh nghiệm hợp tác quân sự với quốc gia khác.
Jessica Trisko Darden, giáo sư bộ môn khoa học chính trị của Đại học Western Ontario tại Canada, đã nghiên cứu lịch sử hợp tác và xung đột giữa các nước tại châu Á. Bà nói với BBC rằng chiến dịch tìm máy bay mất tích cho thấy sự bất lực của các nước trong việc hợp tác.
“Ban đầu các nước không tương tác với nhau nhiều khi máy bay biến mất. Nhưng sau đó, chúng ta thấy sự xung khắc ngày càng tăng giữa Trung Quốc và Malaysia. Hiện giờ hầu như Trung Quốc hành động độc lập trong chiến dịch”, nữ giáo sư nói.
Một trực thăng trên tàu cứu hộ Haixun 01 của Trung Quốc chuẩn bị cất cánh để tìm máy bay Malaysia vào ngày 16/3. Ảnh: Tân Hoa Xã |
Trong một bài báo trên The Guardian, Darden nói rằng Trung Quốc chịu áp lực lớn từ những lời chỉ trích trên mạng xã hội, bởi nhiều người cho rằng Bắc Kinh không chủ động trong việc tìm máy bay. “Trung Quốc cũng muốn thể hiện sức mạnh quân sự trong bối cảnh căng thẳng trên Biển Đông đang tăng”.
Theo giáo sư, Trung Quốc thực sự đứng ngoài mạng lưới hợp tác đa quốc gia. Họ chỉ thường xuyên tập trận với Ấn Độ.
“Chính phủ Trung Quốc thông báo với phía Australia rằng họ sẽ triển khai các phương tiện hải quân. Việc đó chẳng khác so với hành động của Mỹ, bởi Washington đơn phương điều tàu chiến tới Ấn Độ Dương sau khi họ tin rằng máy bay rơi ở đó, chứ không phải ở vịnh Thái Lan như thông tin mà Malaysia cung cấp”, Darden giải thích.
“Bắc Kinh từng đồng ý tăng cường hợp tác hải quân với Malaysia, nhưng lời hứa đó chưa xảy ra trong thực tế”, bà nói.