Dường như có lời nguyền luôn vận vào những người hùng tuyển Đức tại World Cup. Ở tuổi 27, Goetze đang trải qua chương buồn nhất đời cầu thủ.
Goetze sẽ rời Dortmund sau khi mùa này kết thúc. Ảnh: Getty Images. |
Bóng tối của người hùng
10h, ánh nắng rực rỡ chiếu xuống đại bản doanh Bad Ragaz tại Thuỵ Sĩ, giữa những tiếng la hét của vài cái bóng áo vàng. Mario Goetze và đồng đội đang trải qua những bước chạy đà cần thiết cho mùa giải 2019/20. HLV Lucien Favre đã dành cho họ bài tập đặc biệt.
Một, 2, 3, 4 rồi 5 lần, Goetze không thể vượt qua Mats Hummels hay Thomas Delaney. Anh quay đi với vẻ thất vọng. Đó chỉ là vài trong nhiều lần tiền vệ người Đức thất bại ở bài tập rê bóng đối kháng của HLV Favre.
Các tiền đạo và những cầu thủ tấn công của Dortmund bị buộc phải đi bóng qua hậu vệ trong không gian hẹp. Họ không được chuyền, bật tường, không có gì để che giấu kỹ năng cá nhân của mình.
Hơn 200 CĐV Dortmund đã lặn lội đến xem buổi tập của đội bóng. Mọi con mắt hướng vào làn tập luyện bên phải Goetze, nơi hậu vệ kỳ cựu Marcel Schmelzer đang bị hành hạ bởi Jadon Sancho.
Khi người còn sót lại của kỷ nguyên Juergen Klopp bị Sancho xỏ háng đến lần thứ 2, tay cận vệ 31 tuổi chỉ biết tung bóng thật mạnh lên trời với sự thất vọng.
Sancho quay đi với tiếng cười khúc khích. Favre gật gù tỏ vẻ hài lòng.
Ánh hào quang mà tài năng trẻ người Anh toả ra tương phản hoàn toàn với cái bóng đang mờ dần của Goetze. Sinh năm 1992, lẽ ra đây phải là giai đoạn đỉnh cao nhất trong đời cầu thủ của Goetze. Thay vào đó, anh ngụp lặn giữa những sự hoài nghi và các màn trình diễn sa sút.
Hôm 23/5, Giám đốc thể thao Dortmund, Michael Zorc, xác nhận Goetze sẽ rời đội bóng nước Đức vào cuối mùa, sau khi hợp đồng của anh hết hạn.
“Chúng tôi sẽ kết thúc mối lương duyên với Mario vào cuối mùa này”, Zorc nói. “Đó là quyết định được đưa ra sau cuộc nói chuyện giữa hai bên. Mario thật sự là chàng trai tốt”.
“Một chàng trai tốt” - câu nói của Zorc giống như lời xoa dịu, sự an ủi với người đau khổ khi kết thúc cuộc tình. Giữa Dortmund và Goetze là mối lương duyên kỳ lạ và nhiều thăng trầm.
Ở tuổi 20, với danh xưng “Messi nước Đức”, anh bị coi là kẻ phản bội khi sang Bayern. Dortmund thất bại trước chính Bayern trong trận chung kết Champions League cùng năm 2013 đó, khi Goetze không ra sân.
3 năm sau, anh quay về CLB cũ giữa những lời nguyền rủa xen lẫn thương cảm. 4 năm sau, anh rời Dortmund với những tiếng thở dài.
Goetze tin bàn thắng ở chung kết World Cup 2014 không tốt cho sự nghiệp của anh. Ảnh: Getty Images. |
Bi kịch
Không ít người hâm mộ bóng đá Đức tin có một lời nguyền luôn ám vào các người hùng của họ, những người trực tiếp mang về chức vô địch World Cup.
Helmut Rahn, người ghi bàn quyết định mang về chức vô địch thế giới đầu tiên trong lịch sử bóng đá Đức vào năm 1954, chịu căn bệnh suy nhược quái ác sau khi giải nghệ và qua đời 2 ngày sau bữa tiệc sinh nhật.
Gerd Muller, người ghi bàn hạ Hà Lan ở World Cup 1974, chịu căn bệnh Alzheimer và đến nay chưa thể hồi phục bình thường. Andreas Brehme, người đá quả luân lưu quyết định mang về chức vô địch World Cup 1990, lâm vào cảnh phá sản, nợ nần và có cuộc sống vất vả nhiều năm sau.
Với Goetze, lời nguyền đó thậm chí đến sớm hơn. Tuổi 27 thông thường là độ tuổi đẹp nhất đời cầu thủ, nhưng Goetze đã không được Dortmund - đội bóng thường được xem là lò bán cầu thủ cho các CLB lớn khác, thay vì cạnh tranh cho các danh hiệu cao quý giữ lại.
Đó thật sự là đoạn kết buồn cho một cầu thủ từng được coi là hàng hiếm của bóng đá Đức. Người hâm mộ bóng đá Đức từng coi Goetze là nhân tài chỉ có một trong một triệu cầu thủ, người sở hữu tốc độ và khả năng kiểm soát bóng bậc thầy.
Năm 2017, Goetze trở lại sân cỏ sau nửa năm chữa trị căn bệnh rối loạn chuyển hoá, thứ từng khiến anh có nguy cơ phải giải nghệ. Căn bệnh ấy, cùng với nhiều chấn thương khác trong sự nghiệp có thể giải thích phần nào cho sự đi xuống của tiền vệ người Đức.
Tuy nhiên, Goetze lại có lý giải khác. “Một khi tôi dừng thi đấu, bàn thắng ở Maracana đêm hôm ấy có thể là thứ tôi luôn trân trọng, thứ tốt đẹp luôn xuất hiện đầu tiên trong tâm trí tôi”, anh nói về pha ghi bàn ở chung kết World Cup 2014. “Tuy nhiên, nó chẳng có gì tuyệt diệu. Bàn thắng ấy có lẽ chẳng tốt gì mấy cho sự nghiệp hiện tại của tôi”.
DW Sports từng lý giải sự kỳ vọng quá lớn sau bàn thắng lịch sử ấy đã khiến Goetze chịu áp lực. “Những xúc cảm lớn mà bàn thắng đem lại khiến tôi chịu nhiều kỳ vọng to tát”, cựu sao Bayern phân tích. “Lúc nào người ta cũng nghĩ tôi phải trở thành người hùng trong mọi trận đấu”.
Khi Goetze nói những lời đó, giọng anh không buồn. Cầu thủ này không có ý đổ lỗi hay than trách cho ai. Tình cảnh hiện tại của anh là tổng hoà của nhiều thứ. Goetze đã có sự nghiệp không tồi. Anh 5 lần vô địch Bundesliga, giành vô số các danh hiệu cá nhân khi còn trẻ và tất nhiên, là chức vô địch World Cup.
Tuy nhiên, luôn là cảm giác không dễ chịu khi thấy cái bóng của Goetze cứ mờ dần theo năm tháng. Khi loại Goetze khỏi danh sách dự World Cup 2018, HLV Joachim Loew thừa nhận ông “vô cùng hối hận” vì năm xưa đã nói học trò của mình hay hơn cả Messi.
Câu nói ấy được tin đã kích thích tinh thần cầu thủ, ngay trước khi anh vào sân và ghi bàn hạ Argentina. Loew không thể hình dung việc ông tiết lộ câu nói ấy ra công chúng sau này, đã góp thêm hòn đá đè lên sự nghiệp của Goetze.
Goetze rồi sẽ đi về đâu? Truyền thông Đức nói anh có thể đến MLS, sang Trung Đông hay đến vài CLB yếu của Bundesliga hay Premier League. Đâu cũng được, miễn là anh tìm lại niềm vui khi chơi bóng.
Khi Goetze xé toang mảnh lưới của Sergio Romero ở Maracana, hàng triệu người Đức đã nhảy lên vì sung sướng. Họ không biết đó là khởi đầu cho sự lụi tàn của tài năng hiếm có mà nước Đức từng sản sinh.